Mekong Connect! Chỉ còn 10 ngày nữa ...!

Một buổi chiều, tôi đến Ban Đối ngoại Trung ương Đảng để tìm anh. Hoài Nam hiện là Phó ban đối ngoại TW. Hoài Nam gặp tôi, vẫn sôi nổi thân tình như hồi thường gặp nhau ở Cần Thơ. Chúng tôi ngồi trong phòng tiếp khách thật trang trọng, phía trước, nhìn qua khung cửa sổ là lăng Bác Hồ.

Và anh say sưa kể chuyện anh nhớ về…Cần Thơ. Cái tên đầu tiên anh nhắc là núi Cấm. Tên này gắn liền với một giải chạy có tiếng, “Marathon Tri Tôn” .

Hoài Nam cười thật tươi khi nói đến cái tên thứ hai: Cồn Sơn. Chao ôi, đúng là cứ nhắc đến Cần Thơ và muốn nói chuyện du lịch là phải nói đến Cồn Sơn. Cả nhà tôi đều yêu quý Cồn Sơn và trở thành “đại lý du lịch tự nguyện” của Cồn Sơn.

Tôi cũng thấy như Hoài Nam mô tả, Cồn Sơn có bao nhiêu gia đình, đông lắm, mà tất cả như một gia đình. Bạn đến Cồn Sơn, gọi 10 món ăn bạn thích, ở bất cứ nhà nào, là mọi nhà chia nhau cùng làm đầy đủ thực đơn đó tức thì cho bạn. Như họ chỉ có một bếp, chỉ là một gia đình. Mà cảnh trí thì đẹp dịu dàng, bình dị như một làng mẫu, mà tình chòm xóm giữa người dân với nhau thì còn là “mẫu” hơn.

Rồi Hoài Nam trần tình: Câu đầu tiên mọi người ở Cần Thơ thỉnh thoảng trách tôi, sao ở Cần Thơ mà cứ toàn là nói chuyện các tỉnh khác? Tôi phải giải thích: Cần Thơ là đất bằng, là bình địa, trong khi An Giang có núi, Kiên Giang có biển, Hậu Giang có rừng nguyên sinh với lung Ngọc Hoàng, Đồng Tháp có làng hoa Sa Đéc, Trà Vinh có ao Bà Om vừa thiêng vừa đẹp...; tôi phải giới thiệu hết để ai muốn đi đâu rồi cũng phải xuất phát, lưu trú ở Cần Thơ trước, thuê xe từ Cần Thơ, ăn ngon ở Cần Thơ rồi mới tỏa ra. Vậy là Cần Thơ làm đúng nhiệm vụ Mekong Connect đó chứ… Đó cũng là một cách để Mekong liên kết với nhau, cũng là tinh thần của Mekong Connect chúng ta phải không chị?

Lý thú nhất là khi Hoài Nam kể về những ngày đầu tiên anh mới đến Cần Thơ. 5 giờ sáng xách xe gắn máy hay xe đạp đi lang thang khắp các xóm làng, gặp người dân, ngồi xuống thân mật nói chuyện. Chẳng biết khách là ai, nói tiếng bắc mà tác phong y chang một anh cán bộ xã hiền lành, vui vẻ, anh cứ thế đi. Mà mê nhất là chèo thuyền nhỏ, một mình, đi sâu vô Phong Điền cũng từ sáng tinh sương, mới thấy trời đất sông nước sao mà yên bình, mới thấy cái tình của người miền Nam bao la mênh mông. Mấy lúc sau này trở về Cần Thơ, tôi cũng tìm cách len giữa sông rạch chằng chịt và thấy, người ta đã lấp kênh khá khá, thật là cha ông đào kênh, con cháu lấp kênh. Ngồi trên rạch nhỏ mà cứ nhớ những dòng kênh rất đẹp, ngồi ở Hà Nội mà có những sáng dậy sớm, lại nhớ những con kênh mà nao nao trong lòng.

Anh hỏi, chị có nhớ, một lần tụi mình họp câu lạc bộ ABCD Mekong (mỗi khi chuẩn bị làm Mekong Connect năm nào đó thì đều phải đủ 4 ông lãnh đạo 4 tỉnh gặp nhau) ngồi bàn chủ đề của năm đó. Mọi người đã giao cho Hoài Nam lo phát triển du lịch đồng bằng. Nhiệm vụ đó thực ra lại rất trúng ý Hoài Nam nên mình đã làm với nhiều đam mê.

Bây giờ thì 4 ông sáng lập đó đã chuyển công tác hết rồi, chỉ còn mình anh Lê văn Nưng trụ được ở An Giang. Đam mê là vậy nhưng việc sự vụ chính quyền cũng nhiều nên cũng chưa làm đủ những điều mình muốn, Hoài Nam hơi ngậm ngùi (?).. Bây giờ ngồi nghĩ lại, mình còn nợ nhiều lắm.

Rõ nhất là mình từng rất muốn xây dựng một khu vực ở Cần Thơ, hình thức giống như “một triển lãm thường xuyên” cung cấp các sản phẩm ẩm thực của miền Tây cho tất cả du khách muốn khám phá kho tàng phong phú, đặc sắc về ẩm thực tinh túy của miền Tây, mà chưa làm được. Ở khu vực này, nhà nước cấp đất hoặc cho thuê đất rất rẻ, giúp về hệ thống hậu cần để giá thành bán cho du khách thật hợp lý để mọi người tới miền Tây là nhớ đến khu vực hấp dẫn này đầu tiên.

Tôi dè dặt hỏi, có phải ý Hoài Nam muốn làm một cái “foodhub” không. Hoài Nam reo lên, đúng đó chị. Và tôi phải báo một tin rất tích cực. Lần này, BSA đưa đến An Giang được một nhà đầu tư Singapore cũng đang say mê với ý tưởng này. Thậm chí ông ta đã đầu tư ở Philippines một khu vực như vậy rất thành công…

Và khá bất ngờ, Hoài Nam kể về “Quán bún đầu cá” ở Hưng Phú: dân Sài Gòn đi đồng bằng đều thích ghé đó, nhiều xe 46 chỗ đậu nối đuôi nhau cho thực khách thưởng thức món ăn lạ và hấp dẫn này.

Điều Hoài Nam còn luyến tiếc hơn là tình hình chợ nổi Cái Răng đang sa sút. Anh kể. Nghĩ lại, sau nhiều ngày xa nó rồi, tôi cho rằng tại vì chúng ta quy hoạch xây cái cầu và tách cái bến với cái thuyền nên chợ bị vắng đi. Ông bà mình nói, trên bến dưới thuyền thế mà nay mình vì sự an toàn của cái cầu mà tách cái bến lùi ra xa, mất sự kết hợp hợp lý về địa lý, tức là mình không đảm bảo nguyên tắc bảo tồn rồi mới phát huy đó chị. Như để chứng minh, Hoài Nam mở điện thoại cho tôi xem, đoạn bản đồ ngã ba sông khu vực chợ nổi và diễn giải về vị trí của cái bến với nơi tụ tập chợ nổi giờ đã tách xa nhau…

Và như để khẳng định một quan niệm cơ bản, Hoài Nam diễn giải, đồng bằng phải làm du lịch kiểu của một khu sinh thái, một nơi dự trữ sinh quyển của rừng, của biển, của sông ngòi, của sản vật thiên nhiên. Bảo tồn cho được thiên nhiên là điều cơ bản, nước phải thật sạch và hạn chế rác càng ít càng tốt. Rồi với cái đầu sáng tạo, đôi bàn tay khéo và trái tim nồng nàn tình yêu chính vùng đất của mình, chính quyền và dân cùng đầu tư cho vùng đất xinh đẹp hấp dẫn du khách đến đây. Chính quyền phải đồng hành chứ cũng không thể để người đồng bằng tự bơi.

Sáng nay tôi tình cờ đọc thấy cái status mới nhất trên phây của anh. Trong ảnh, Hoài Nam ôm ghi ta đệm cho Vũ Yến, một bạn trẻ hát. Thật điệu nghệ. Anh viết: “Qua đêm nay, sóng gió sẽ về với mây ngàn". Đọc nhanh mấy lời bình, toàn người Cần Thơ. Cô gái, có lẽ là Vũ Yến, rao nho nhỏ, ơ, em cao bằng anh hai rồi. Và một anh chủ nhà hàng có lẽ, Nghĩa Sậy Steakhouse thì viết: “Em nhớ đại ca quá”…

Các bạn trẻ Cần Thơ biết đâu rằng, Hoài Nam vẫn luôn nhớ Cần Thơ, nhất là những món nợ mà anh hứa với người Cần Thơ và với 3 ông cùng sáng lập Mekong Connect trong CLB. ABCD Mekong mà anh chưa làm được.

Chia tay, bỗng Hoài Nam nói tới cái Lung Ngọc Hoàng, chị ơi, lung Ngọc Hoàng phải chăng đang bị bê tông hóa rồi? Nếu vậy thì tiếc lắm chị. Làm sao giữ được U Minh Thượng, U Minh Hạ, những cánh rừng, góc biển, những thứ làm nên miền Tây, mỗi góc nhỏ con con hay những cảnh trí mênh mông đều làm cho mình nhớ và thương. Rồi lại phải nghĩ đến nữa, bây giờ chất lượng nước của miền Tây như thế nào và dịch vụ cho khách cao cấp có tăng nhiều chưa?.

Những điều Hoài Nam nói. Tôi thấy bạn tôi vẫn luôn nhớ tới những món nợ mình chưa trả xong. Năm này đã 58 tuổi, anh đã trở về Hà Nội nơi anh được phân công đi luân chuyển xa tít và tình cờ đến Cần Thơ, miền Tây Nam Bộ và cũng không ngờ, theo phân công, mình đã ở đó tới 8 năm…

Tự dưng tôi nghĩ số phận người này, cái tên đã vận vào cuộc đời. Hoài Nam thì dù ở đâu, sao mà không… hoài nam được? Bắt tay chào tôi, anh nhắc, sang năm tụi mình phải ngồi tổng kết 10 năm Mekong Connect rồi đó chị.

Tôi đùa, nếu Hoài Nam về được thì mình sẽ họp “trù bị” cho cuộc tổng kết 10 năm chẵn đó. Tôi mong có một cuộc gặp, bốn người sáng lập đầu tiên của Mekong Connect. Anh Lê Minh Hoan, anh Phan Văn Mãi, anh Trương Quang Hoài Nam và anh Lê Văn Nưng. Họp trù bị thì chắc chắn ở An Giang rồi, còn họp tổng kết chính thức thì ở đâu nhỉ? Ở đâu? Ở đâu đó của đồng bằng mà chẳng được, vì bất cứ nơi nào của đồng bằng tôi tin là cũng nằm gọn gàng, ấm áp trong trái tim vẫn hướng về đồng bằng của họ.

HOÀI NAM MÀ KHÔNG NHỚ CẦN THƠ SAO ĐƯỢC?