*Bài viết từ chuyên gia Phạm Ngọc Hưng
Trong ngày thứ Sáu, 29/11 vừa qua, phiên họp thứ 5 của đại diện 175 nước tại Busan, Hàn Quốc, bàn về một hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu đã có bước tiến đáng kể. Theo The Guardian, tiến bộ đó là kết quả do áp lực từ một nhóm quốc gia sau 2 năm bất động, chỉ có điều từ “bước tiến” cho đến đồng thuận vẫn còn rất nhiều chông gai.
Thế nhưng, chúng ta có thể hy vọng.
Trong hai năm qua, các quốc gia tham gia bàn thảo về hiệp ước không thống nhất được về một mức trần tổng sản lượng nhựa toàn cầu. Đề xuất hôm thứ Sáu vừa qua có bao gồm điều khoản về mức trần, tuy nhiên phải qua cuối tuần mới biết chắc là mức trần có mặt trong hiệp ước hay không .
Theo tính toán của Lawren Berkeley National Lab – Mỹ, thì với đà tăng hiện tại, tổng sản lượng nhựa toàn cầu sẽ tăng gấp 3 đến năm 2050, gây áp lực rất lớn lên môi trường sống và sức khỏe con người. Các hạt vi nhựa đã được tìm thấy khắp cơ quan trong cơ thể người, từ tinh trùng đàn ông đến sữa mẹ, do đó kiểm soát sản lượng nhựa toàn cầu là một yêu cầu bức thiết.
Yêu cầu áp đặt mức trần tổng sản lượng nhựa do nhóm 102 quốc gia tìm được tiếng nói chung trong vài tháng qua. Nhóm 102 quốc gia ấy bao gồm Panama, các đảo quốc Thái Bình Dương, 27 thành viên của EU và 36 nước châu Phi. Họ đủ đông để tạo ra tiến bộ trong đàm phán.
Tuy nhiên, một nhóm thiểu số đang tìm cách loại bỏ điều khoản về mức trần sản lượng ra khỏi hiệp ước. Tuy thành viên nhóm không được tiết lộ hết, nhưng trong nhóm có Nga, Iran và Saudi Arabia — là những quốc gia mà dầu mỏ là nguồn thu quan trọng. Họ không muốn áp đặt mức trần, mà thay vào đó chỉ chú trọng về việc thu gom rác thải nhựa.
Việc tranh đấu giữa hai nhóm có thể chưa có kết quả sớm, và hy vọng về một hiệp ước toàn cầu chưa được khẳng định, nhưng người tiêu dùng Việt Nam đang hình thành một thái độ tiêu cực với nhựa và rác thải nhựa.
Trong khoảng 10 năm qua, phong trào Thuận Nhiên — hoà thuận với thiên nhiên — đã dần lớn mạnh với từng việc cụ thể. Bắt đầu từ việc cổ vũ loại bỏ ống hút nhựa trên toàn quốc, tới nay phong trào đã ảnh hưởng đến thời trang, những loại quần áo từ vải thực vật đang dần thay thế các loại vải dệt từ sợi nhựa.
Nếu như hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu được thông qua, và chính phủ sẽ phải có các quy định cụ thể về hạn chế sử dụng nhựa và trách nhiệm thu gom rác thải nhựa, thì quan điểm của phong trào Thuận Nhiên sẽ nhanh chóng lan rộng trong mọi tầng lớp xã hội.
Và đây là tương lai mà các doanh nghiệp hiện đang sử dụng nhựa trong sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm sẽ phải lo lắng chuyển đổi. Nếu không, họ sẽ bị đào thải bởi một thái độ chống nhựa được chính thống hóa.
Tham khảo: Bài trên The Guardian