Sáng nay tôi đọc tin mới trên trang phây anh bạn nhà báo Châu Thái Bình, thường trú của VTV tại Bắc Kinh, người đưa tin nhanh nhạy và khá sát tình hình: Từ đây tới Tết thì sầu riêng Việt Nam coi như độc chiếm thị trường Trung Quốc, tức là còn hai tháng nữa. Giá bán hiện nay là 80 ND tệ một kg tức 290 ngàn/ kg. Mùa này chắc là cuối mùa, cho nên sầu riêng của mình hơi bị sượng, bớt ngon. Nhưng người Trung Quốc ghiền thì họ vẫn mua.

Trong các thùng carton màu sắc bình thường mùa này hầu hết là sầu riêng Việt Nam
Bảng giá theo phân loại chính là các nắp thùng lật ngược, ghi loại A,B,C, có từng nhóm trái cụ thể dưới đất, ngay dưới thùng

Anh Bình kết luận nhẹ nhàng mà tôi bỗng thấy nhất định phải viết bài này để nói rằng, thật là đáng tiếc biết bao nhiêu, bán hàng mà mình “một mình một chợ” lại gặp người tiêu dùng “bị ghiền” sản phẩm mình, mua hàng bất chấp chất lượng thì mình phải làm sao?

Một là mình cứ quơ bèo gạt tép, kiếm được gì cũng đều bán được, tranh thủ kiếm tiền tối đa.

Hai là tận dụng lợi thế mỗi năm chỉ có một mùa để xây dựng tiếng tăm, uy tín, niềm tin với người đang ghiền mình (thì họ càng dễ mê mình biết bao nhiêu?) để chứng tỏ hàng của mình có chất lượng tốt, ổn định và hình thức mẫu mã thì được chăm chút. Đây chính là cách xây dựng thương hiệu, cái hiệu mà người ta thương một cách khôn ngoan nhất giữa thời buổi tứ hùng với ngũ hùng cạnh tranh khét lẹt giành giật niềm Đam mê bất tận của khách hàng Trung Quốc?
Vậy mà…

Tôi có 3 câu chuyện để kể các bạn nghe về cách người Trung Quốc đang nhìn ngắm và nói về cách xuất hiện của sầu riêng Việt trên thị trường họ.

Chuyện thứ nhất. Câu chuyện tôi gặp thật sự ở tại Quảng Châu trong thời gian hai tuần trước khi cùng một đoàn nghiên cứu thị trường Việt Nam đi khảo sát Quảng Châu để nghiên cứu về thị trường sầu riêng.

Tại chợ đầu mối, tôi gặp các nhân viên bán hàng ngồi cạnh các xe container đầy sầu riêng. Họ nói, hiện mỗi ngày chỉ còn khoảng một trăm container nếu so với 7 hay 800 container khi giữa mùa. Và bây giờ, chỉ còn lại là sầu riêng Việt Nam thôi.

Họ chỉ những dãy thùng sầu riêng bằng các tông tuềnh toàng. Và họ nói, hàng sầu VN lúc giữa mùa, phải cạnh tranh thì giá kém hơn sầu Mon Thoong Thái Lan từ 15 – 20%, nay chỉ có mình sầu riêng Việt Nam, giá vẫn kém vậy. Vì nhu cầu, hàng vẫn bán được nhưng đánh giá thì hơi tệ. Đây, hàng có khá nhiều trái không đủ hộc, méo mó, teo tóp coi xấu xí, nhìn hình thức cũng biết là sầu riêng bị kém chất lượng rồi. Vậy mà người Việt Nam vẫn xuất khẩu ồ ạt qua bên này, làm xấu thương hiệu của Việt Nam quá.

Bày bán SR Việt Nam tại chợ đầu mối Quảng Châu: đựng trong thùng carton và bày SR thành từng cụm thẳng hàng trên mặt đất

Nói vậy song anh nhân viên bán hàng an ủi, mà không sao, hiện nay Việt Nam vẫn đang tìm mọi cách bán để thu tiền, đâu cần xây dựng thương hiệu thì làm vậy cũng phải thôi.

Chuyện thứ hai, trong một buổi trao đổi với các nhân viên sale và chuyên gia thương hiệu của công ty phân phối của Vinamit ở Trung Quốc, điều đầu tiên các chuyên gia nhấn mạnh vẫn là, phải tập trung xây dựng thương hiệu nếu muốn sống còn và cạnh tranh lâu dài ở thị trường này. Vì người Thái rất tập trung và chuyên nghiệp trong công việc giữ vững chất lượng và quảng bá thương hiệu rất tốt. Rất nên tranh thủ tập trung thời gian mình được “một mình một chợ” này mà đầu tư để đến tháng tư, tháng 5 sang năm là bắt đầu cạnh tranh thì lúc đó sầu riêng Việt Nam mới còn có thể có mặt ở trên kệ như ngày thường.

Tôi nhớ lại, hình ảnh sầu riêng Việt Nam đổ đống dưới đất, khách mua lấy tay đè vỏ từng trái xem chất lượng cơm bên trong mà đau lòng. Với cái cách đối xử đó, thật là buồn khi ngay bên cạnh, có hàng đống thùng nhựa đỏ tươm tất chất chồng ghi nhãn, sầu riêng Mu Sang King Mã Lai.

Hình ảnh sầu riêng Việt Nam đổ đống dưới đất, khách mua lấy tay đè vỏ từng trái xem chất lượng cơm bên trong
Bên cạnh đó là các thùng nhựa đỏ tươm tất chất chồng ghi nhãn, sầu riêng Mu Sang King Mã Lai.

Câu chuyện thứ ba, chúng tôi cũng chứng kiến là khi chúng tôi đến các khu vực bán các món ăn chế biến từ sầu riêng, đã hình thành nguyên một cái chợ tấp nập các nhóm bạn hay gia đình đi ăn buổi tối. Tại cửa hàng BBQ (sầu riêng nướng), gặp ông chủ cửa hàng , ông ta nói: mùa này không còn Mu Sang King tươi, chúng tôi phải dùng hàng đông lạnh nhưng đảm bảo chất lượng ngay 95% sầu Mã Lai tươi. Chúng tôi phải chiều khách chứ không dám dùng sầu của Việt Nam, mùa này nó hay sượng hay bị non. Đừng nghe quảng cáo mà mua sầu riêng Việt Nam mà bị lừa…

Món đặc biệt trong nhà hàng của khách sạn 5 sao (Landmark Quảng Châu) thết đãi thương khách trong bữa ăn chia tay: canh gà sầu riêng

Ba câu chuyện đó để thấy là chúng ta đang ở trong một tình trạng khá là đặc biệt, nhạy cảm và nguy hiểm cho vị thế sầu riêng ở đây. Người bán hàng không chuyên môn ở chợ đầu mối, đâu có chuyên môn về marketing với thương hiệu mà còn biết ta đang làm ăn kiểu mì ăn liền, ăn xổi, cứ cố đẩy đủ loại hàng đi, dù chất lượng thế nào, miễn thu được tiền .

Nhân đây, tôi muốn giới thiệu với lại các bạn về một tài liệu tôi được thương vụ Việt Nam tại Thái cung cấp về chính sách “bảo vệ” trái cây vua của họ. Chính phủ Thái Lan đang tiếp tục xúc tiến ký kết MOU với Chính phủ các nước và các cái hệ thống bán lẻ có tiếng ở trên toàn cầu. Họ tiến hành thường xuyên chương trình quảng bá ở các thị trường trọng điểm cho trái cây vua của Thái Lan.

Họ có chương trình hỗ trợ nông dân gieo trồng, thu hoạch và tiêu thụ cũng như là khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào kinh doanh và phát triển các giống sầu riêng mới. Các trường đại học, các viện nghiên cứu tổ chức các chương trình R&D giúp các sáng kiến mới làm ra giống mới hay các phương thức canh tác hiệu quả hơn cho nông dân.

Giới khoa học công nghệ cũng tìm cách ứng dụng công nghệ đột phá như là sử dụng nền tảng Metaverse để bán hàng điện tử.

Chính phủ Thái Lan xác định rằng họ tập trung đẩy mạnh bán sầu vào hệ thống siêu thị, đại siêu thị và bán qua nền tảng thương mại điện tử.

Nói chung, chính phủ luôn đóng vai trò dẫn đường, giúp doanh nghiệp mang các sản phẩm của mình tiếp cận thị trường chính Trung Quốc và thế giới.

Chắc các bạn còn nhớ 2 câu chuyện mà tôi đã kể về cách mà chính phủ Thái bảo vệ trái cây vua của họ.

Hồi sầu riêng Việt Nam được cấp nghị định thư chính thức của Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch vào Thái Lan, người Thái liền tổ chức một cuộc họp báo với chủ trì là các ông tướng công an, long trọng đưa ra lời cam kết rằng tất cả quân đội và công an của họ nhấn mạnh là sẽ tăng cường việc bảo vệ, giữ vững chất lượng và tiêu chuẩn của sầu riêng Thái. Tại đó họ cũng công bố là các Viện nghiên cứu đã thành công trong việc tăng độ khô của cơm sầu từ 32% lên 35 %.

Gần đây vào tháng 7 chúng ta thấy báo chí Thái Lan rộ lên tường thuật về một cái chiến dịch đột nhập vào các vườn sầu riêng được mật báo của người dân là đang tiến hành cắt sầu riêng non để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Họ đưa những chiếc xe cảnh sát tới cùng những chuyên gia để đi kiểm tra các thùng sầu riêng vừa mới được cắt xong. Những thùng nào cắt non không đúng chất lượng sẽ được để ra riêng, tịch thu và phạt vạ. Ai chống đối hay tái phạm thì bị bắt đưa ra tòa.

Đó là cách người Thái thực hiện chính sách kiên quyết bảo vệ chất lượng của sầu riêng của mình. Nói là làm, không phải chỉ có chính sách để đe dọa mà là họ thực hiện thật.

Bởi vì thưa các bạn, đó là họ bảo vệ cái nền kinh tế của họ.

Mới đây, chúng ta có nghe một bản tin về xuất khẩu nông sản của Bộ Nông nghiệp & PTNT với những tin tức rất lạc quan. Trong sáu tháng đầu năm nay, về xuất khẩu nông sản, có kết quả đáng mừng. Riêng về rau quả là đã xuất khẩu được 6,34 tỷ và tăng 31 %, trong đó 50% của kim ngạch này chính là từ sầu riêng. Chỉ sáu tháng đầu năm ước lượng là chúng ta đã xuất khẩu được 3 tỷ đô sầu riêng.

Với kết quả đó, khi mà chúng ta chưa hề ý thức và hành động gì về việc bảo vệ chất lượng và hình ảnh trái sầu riêng ở Trung Quốc thì, nghĩ cho cùng, điều tiếc rẻ của chúng ta còn phải nhân lên gấp nhiều lần.

Tức là thực tế đã cho chúng ta bài học quý mà đau: chúng ta cần bảo vệ chất lượng và hình ảnh, thương hiệu sầu riêng vì đây, chắc chắn là một cuộc đầu tư lâu dài và rất chiến lược.

Bởi vì người tiêu dùng Trung Quốc họ vẫn tiếp tục nghiện sầu riêng và số lượng người bị nghiện ngày càng tăng. Một bảo đảm bằng vàng của thị trường.

Đánh giá về sầu riêng Việt Nam thì các bạn biết là người ta nói rằng Sầu riêng Việt Nam vẫn đang xếp hạng nhì. Người Trung Quốc chấp nhận sầu Việt vì giá của nó hợp lý, chất lượng chấp nhận được và luôn có mặt trên kệ chứ không bị đứt hàng.

Nếu như chúng ta có thể tổ chức được mạng lưới phân phối rộng hơn trên cả Trung Quốc, bên cạnh các đô thị lớn hay là chợ đầu mối, chúng ta sẽ có thể còn bán được một lượng sầu riêng tốt hơn.

Như vậy, thưa các bạn, bài toán cạnh tranh đã rõ. Hiện nay, chúng ta để mọi chuyện tự phát. Chúng ta đang mặc nhiên hủy hoại hình ảnh, uy tín, niềm tin cũng như là tương lai của cái ngành sầu.

Sầu riêng Việt với sự chấp nhận của những người “nghiện” trung quốc thì rõ ràng người ta cũng “thương” mình, thì chúng ta nỡ lòng nào hờ hững với thương vụ tỷ đô này.

Một thương lái than với chúng tôi, mùa tới, tức giữa năm tới, người ta liệu có còn “thương” sầu Việt như hiện nay, khi mà chúng ta không biết tự thương mình?

CUỘC TÌNH TỶ ĐÔ, SAO HỜ HỮNG VẬY?