Hội An, Hội An luôn là nỗi nhớ da diết của tôi và nhóm bạn trẻ thân thiết. Các bạn ấy gọi tôi bằng dì bằng cô nhưng tụi tôi hòa đồng như bạn trang lứa. Có bạn mở công ty thiết kế lấy niềm thương Hội An mà đặt tên công ty là Trà Quế. Lại có bạn nghe tôi xây dựng blog mới, bèn vẻ bức tranh màu nước hình ảnh một dãy phố Hội An để tôi làm ảnh nền blog.
Hôm qua, gặp Võ Tấn Tân, ông chủ xưởng chế tác Taboo Bamboo ở Hội An nhân đi dự buổi kích hoạt cuộc thi khởi nghiệp “Ra khơi 2024” của đại học Văn Lang, tụi tôi nói chuyện dòn dã mà hơi lạc đề, toàn về…Hội An.
Câu hỏi đầu tiên của tôi về tình hình làm ăn ngoài nớ, Tân trả lời rất lấy lệ là…cũng được. Tôi ngập ngừng hồi lâu, rồi nói thẳng nỗi băn khoăn về một thực trang, nhiều gia đình dân gốc Hội An đã ra đi và thay vào bằng những nhà đầu tư nhỏ kinh doanh du lịch.
-Nghe nói nhiều nhà ở phố cổ đã đổi chủ, có nơi đến 70 hay 80% người gốc Hội An đã chuyển đi ?
-Vâng, thực tế là thời gian từ 1975 tới giờ cũng đã dài hơn hai thế hệ. Nhiều gia đình Hội An phải tính tới chuyện chia tài sản cho con cái. Nếu nhà có nhiều hơn 1 con mà con lại không muốn trụ lại ở phố cổ thì họ phải bán nhà cho người phương xa tới. Chủ mới đến đây thường không phải vì yêu Hội An phố cổ mà họ cần kinh doanh phố cổ…
Người phố cổ ra đi. Hội An vẫn sống và vẫn đón khách và kinh doanh.
Người thương Hội An lặng lẽ nhận ra, cái hồn, cái tình lặng thầm sâu nặng với phố cổ đã phôi pha đi nhiều.
Phố cổ vẫn còn, mà Hội An, cảnh và người bây giờ có khi như không hòa quyện, không ôm lấy nhau trong cùng nhịp đập con tim nữa.
Hội An ơi, hồn phách mi ở đâu? Phố cổ như không thực sự sống. Buổi tối, chừng sau 9g, có những con phố Hội An nhà cửa trống lốc không có hơi người (chủ hộ về ở nơi khác, đây chỉ còn là nơi kinh doanh).
Hơi thở, đời sống thực sự của phố cổ bây giờ có những khi không thực là sống mà là…diễn. Sáng chủ nhật sớm nay, tôi và tác giả bức tranh màu nước về phố cổ Hội An lại gặp nhau, bàn chuyện những chuyến đi mới, không chỉ Hội An mà lên núi. Nguyễn Tập, bạn tương đắc của tôi, phóng viên của báo Thanh Niên sau khi suýt soa âu lo cho phố Hội, còn kể về những phố núi cũng còn ít dân núi.
Nhắc đến Hà Giang, tôi nghĩ đến Lý Tà Giàng, chàng thanh niên chủ công ty thảo dược "Cao nguyên đá" ở Cổng Trời. Bạn ấy trẻ khỏe, đẹ mạnh mẽ thường đem các loại thuốc của người dân tộc về bán ở Phiên chợ Xanh Tử Tế mà bà chủ chợ Kim Anh đi theo Tà Giàng lên núi cao. Nhưng có lẽ người địa phương đứng ra kinh doanh như vậy bây giờ cũng ngày càng ít khi dân phố thị biết rõ "thị hiếu" khách Tây thường bị hút bởi cảnh trí, con người ở những vùng hoang sơ này?
Như để tự an ủi khi làn sóng đô thị hóa, kinh doanh hóa cứ lan ra trên nhiều con phố vốn hấp dẫn vì nét riêng nguyên sơ không có ở nơi nào khác, Tập kể, thì đi lên bản Pả Vi ở Mèo Vạc hay Lô Lô Chải (Đồng Văn) cũng gặp nhiều người kinh lên mua nhà rồi thuê dân bản địa tiếp đón khách du lịch như vậy.
Thế giới không thiếu những làng xa trên núi thật hẻo lánh, giữ được nguyên vẹn khí chất, hồn phách của chính mình nên luôn hấp dẫn, mời gọi khách du lịch. Thực tâm gìn giữ các di sản quý giá từ chiều sâu nội dung, văn hóa cho đến hình thức (là thứ dễ bắt chước, sao nhại) để thu hút khách du lịch đến một lần và muốn trở lại nhiều lần quả là một thách thức lớn mà ai nghĩ rắng, bằng tiền là gìn giữ được lại chính là sai lầm lớn, có khi gây tai hại lớn.