
(Share của tác giả Mai Hiền-Nguyễn)
Mấy nay đang hình dung ra các công ty làm event mà ngẫm tới mình nhiều năm trước. Mất ăn mất ngủ, lo lắng, đau bao tử, lên huyết áp, mặt xanh nanh vàng, gặm bánh mì cầm hơi ngày này qua ngày khác để chạy việc. Hồi hộp lo lắng đến rút ruột thót tim. Event xong, suôn mượt là ôm nhau thở phào. Còn mà … rơi rụng như lá rừng thế này thì… Thương lắm.
Đấy là nói về Agency. Còn nói về khách hàng thì..
Nhiều người đang nói câu chuyện tại ai, vì sao. Chẳng biết nữa. Chỉ thấy việc này nó quen quá. Quen lắm luôn. Thế nên thay vì hiệu quả thì lại thành là hậu quả.
Ranh giới giữa hai cái “quả” này nó mong manh lắm. Ngọt hay đắng chỉ trong tích tắc.
Trong cuộc đời hai mấy năm làm nghề, việc lo lắng gây ra hậu quả do không thể nào manage được khách hàng là điều không hiếm gặp.
Trên thế giới, khi làm công việc marketing, branding, thiếu gì thương hiệu bỏ ra siêu nhiều tiền, nhưng có phải cứ nhiều tiền là thô thiển, là đập thật nhiều thật dài thật to vào mặt người ta là sẽ có hiệu quả đâu. Nếu thế thì ngành TTQC thế giới đã trở thành một cái nồi lẩu lổn nhổn thô thiển một cách mặc định rồi.
Nhưng mà không phải. Tiền nhiều không có nghĩa là phải thật to, thật nhiều, thật dài, thật thô.

Các bạn à, Truyền thông quảng cáo về bản chất là loại công việc thuộc về nghệ thuật sáng tạo đặc biệt. Nghệ thuật truyền tải thông điệp của brand dựa trên insight của người tiêu dùng.
Đầu tiên nó phải là nghệ thuật sáng tạo cái đã.
Nhưng nó lại phải bắt đúng sóng insight của người xem, người ta phải thấy mình trong đó thì mới hiệu quả được.
Các tác phẩm phải là cây cầu nối giữa brand và insight. Nghệ thuật ở đây có thể là hình ảnh hay ngôn từ. Tuỳ bạn.
Vậy insight của người xem lần này đang là gì?
Đang là đắm đuối với niềm tự hào dân tộc. Đang là tình yêu đất nước dâng trào. Đang là sự rạo rực suy, luỵ, simp lan toả khắp mọi miền. Cái mọi người đang muốn cảm nhận chỉ là niềm tự hào. Vậy thôi.
Thế thì mình kết nối brand này vào cái insight này thế nào trong đúng những moment ấy?
Cũng không phải các bạn không biết điều ấy đâu nhưng không hiểu sao trong khi làm việc, một hồi thì các bạn cứ đòi “to lên, dài ra, nhiều vào” để đến cuối cùng thành ra chen chúc lúc nhúc, thành ra thô thiển đập bồm bộp vào mặt người ta.
Thời đại quảng cáo thô thiển qua lâu lắm rồi. Người ta cần brand hiểu họ, cầm tay họ, đi cùng họ, mơn trớn cảm xúc của họ. Kiểu như giữa muôn trùng con người ngoài kia ai cũng muốn kết bạn với tôi, vậy thì, ai thân thiện tế nhị với tôi, ai làm cho tôi cảm kích lay động thì tôi chơi chứ nhiều người thô thiển muốn tôi thành bạn tri kỷ quá tôi mệt.
Giá như giai đoạn này là giai đoạn tinh tế, ý nhị và có idea gì đó gắn liền với chiến thắng, với thống nhất, chào mừng, hòa cùng nhịp đập trái tim cả dân tộc thôi, thể hiện sự vinh dự tự hào được cùng hỗ trợ sự kiện quốc gia 50 năm mới có 1 lần này thôi.
Còn sau khi mọi người đã hiểu rồi, hiểu rằng có bạn thì mới có tiền làm event này, có cảm tình rồi thì sau giai đoạn này tha hồ show ra các chức năng, các chi tiết Đặt vé xe khách, đặt vé tàu hay đặt cái gì tùy bạn.
Nhưng mà ở chỗ khác. Không phải chỗ này. Không phải lúc này. Ngay tại những giờ phút này, giữa bầu trời với mọi hình ảnh đang quá thiêng liêng này.
Đây là những moment của cảm xúc, nơi mà bạn chỉ nên tìm thấy và show ra được sự kết nối về mặt cảm xúc của brand và con người.
Nhưng mọi thông tin tôi nhìn thấy lại là vô cùng chức năng ( Đặt vé xe, vé tàu…)
Bạn làm sai rồi.

Tôi nghĩ đây là một dịp mà lòng dân đang rất dễ rung động. Cảm xúc của con người vốn đã là yếu tố quan trọng. Cảm xúc mãnh liệt khác thường của người Việt Nam càng là yếu tố mà đáng lẽ ra cùng là người Việt Nam chúng ta phải hiểu khi làm nghề.
Người Việt Nam thắng giặc hết lần này đến lần khác cũng là vì trái tim của người Việt Nam đập theo một kiểu khác thường, nóng lạnh một cách khác thường mà khó tìm được một dân tộc nào trên thế giới giống được.
Nếu tận dụng điều này đúng thì lợi thế là nhiều lắm.
Nên các bạn làm nghề à, không phải cứ hát thật to gào thật lớn là thắng đâu.
Tinh tế vào, insightful lên, nhẹ nhàng thôi mà sâu thẳm lay động. Và làm gì cũng phải đúng người đúng thời điểm.