ĐỊNH GIÁ VÉ MÁY BAY: VIỆT NAM TỰ DO HƠN ÂU-MỸ ?

ĐỊNH GIÁ VÉ MÁY BAY: VIỆT NAM TỰ DO HƠN ÂU-MỸ ?

Sau con số 18 triệu khứ hồi ám ảnh, tôi tìm hiểu tiếp giá vé các hãng về các đường bay liên quan.

CÁC HÃNG BAY THẾ GIỚI CANH TRANH SÍT SAO VỀ GIÁ VÉ.

…Thì tôi tìm thấy, đây, 18 triệu đồng là giá vé khứ hồi London – TP.HCM tháng 6 tới, bay với hãng China Southern Airlines và dĩ nhiên phải quá cảnh.

Turkmenistan Airlines là cái tên hàng không khá lạ lẫm từ một nước Trung Á, nước Cộng hòa Turkmenistan thuộc Liên Xô cũ trước đây. Và hãng bay này cũng cho cái giá khá lạ lẫm như tên họ: 540 USD (13,7 triệu đồng) cho vé khứ hồi từ TP.HCM đến các điểm ở châu Âu như London, Frankfurt, Milan và Moscow…

Giá vé này chỉ bằng 30-50% giá vé của các hãng khác. Đây là giá vé mang yếu tố "thay đổi cuộc chơi" của ngành du lịch lữ hành khi giá tour châu Âu bị kéo tụt từ 70-80 triệu đồng, xuống còn ngưỡng thấp 40-50 triệu đồng.

Việt Nam là thị trường hàng không thuộc top 20 của thế giới. Hai hãng VietJet Air và Vietnam Airlines xếp thứ ba trong khu vực về năng lực bay…

Nhưng yếu tố thay đổi cuộc chơi, tức là cạnh tranh về giá, thì hầu như các hãng Việt Nam đang …tự do nhất thế giới: Không sợ người tiêu dùng than van, không sợ kinh doanh thua lỗ (lỗ sẵn nơi bù).

Trừ trường hợp của VietJet Air định giá cũng tính tới cạnh tranh vì lỗ lời là tiền túi tư nhân (nên cũng có lúc, đường bay đến Úc, đặc biệt là tuyến TP.HCM – Melbourne từng được Agoda và nhiều trang du lịch khác xếp thứ năm trong nhóm các đường bay rẻ nhất châu Á – Thái Bình Dương).

ĐỊNH GIÁ VÉ MÁY BAY CỦA HÃNG HÀNG KHÔNG QUỐC GIA VIỆT NAM ĐANG TỰ DO HƠN ÂU-MỸ.

Và như vậy, đến lúc cần đặt lại vấn đề chính sách giá và tính minh bạch của ngành hàng không Việt Nam.

Bởi thực tế là ở các quốc gia như Hoa Kỳ và các nước EU, việc định giá vé máy bay thường là do sự kết hợp giữa khung pháp lý mạnh mẽ, thị trường cạnh tranh và mô hình kinh doanh hàng không sáng tạo:

***EU có luật bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ để quản lý giá của hãng hàng không, bao gồm các yêu cầu về tính minh bạch và cung cấp tất cả chi phí bắt buộc trong giá vé của hãng công bố.

***Hoa Kỳ áp dụng hệ thống quản lý doanh thu và chiến lược định giá linh hoạt, được mô phỏng trên toàn thế giới.

Và Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ (DOT) thực thi các quy định nghiêm ngặt về công bố giá vé, kiểm tra tính minh bạch trong giá cả, đảm bảo rằng người tiêu dùng có thông tin rõ ràng về những gì họ đang trả tiền.

Các hãng hàng không thế giới đang sử dụng hệ thống quản lý doanh thu phức tạp và sử dụng nhiều thuật toán cùng phân tích dữ liệu thường xuyên để tối ưu hóa giá vé theo thời gian thực.

Trong 8 nguyên tắc phổ biến nhất hướng dẫn xác định chính sách giá vé máy bay trên thế giới: từ quan hệ cung cầu, tính linh hoạt (quan tâm nhất là giá vé các đối thủ cạnh tranh theo thời gian thực), phân khúc khách hàng, mua vé trước, tính thời vụ, tính cạnh tranh đường bay, dịch vụ phụ trợ, ưu đãi khách hàng thân thiết thì có vẻ các hãng bay Việt Nam là…tự do nhất. Họ đâu cần tính tới khả năng chi trả và quyền lợi người tiêu dùng. Sau những lần định hớ giá mùa Tết thì họ tự hạ, như mới đây chuẩn bị lễ 30/4 và 1/5, họ vẫn làm theo quán tính cũ.

Hiện vé máy bay nội địa của Việt Nam được cho là đắt hơn 60-100% so với giá vé ở các nước khác tính theo khoảng cách và thời gian bay.

Giá vé máy bay tăng một cách bất hợp lý đã khiến ngành du lịch – khách sạn Phú Quốc từng rúng động vì vắng khách trong các dịp lễ Tết trước đây, nay đến lượt Đà Nẵng. Dịp lễ này, theo Vietnamnet, tỷ lệ đặt phòng của các khách sạn ở Đà Nẵng chỉ 50-55%. Trong số này, 70% là khách nước ngoài. Câu hỏi rất lớn lúc này “khách nội địa đang đi đâu và đang ở đâu?”.

Đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng và các khách sạn đều “đổ thừa” cho tình trạng giá vé máy bay quá cao khi sức mua lụi xụi.

Một điều đắng cay là để trả giá cho chính sách định giá vé tự do, người tiêu dùng quyết định không đi máy bay Việt Nam Airlines mà dùng các hãng bay quốc tế hay đi tàu hỏa, đường bộ, nhưng cuối cùng họ vẫn phải móc túi ra đóng thuế bù lỗ cho hãng bay nội địa này dài dài.