Dương Ngọc Thái, kỹ sư tin tặc, bạn tôi, tính bộc trực, nói năng hài hước, thẳng tưng, hay cười và cười… hết ga. Vậy mà hôm nay, trong email vừa gửi, Thái viết: Tôi đọc cuốn sách ấy, thấy thương, thấy lo, thấy rưng rưng.
Mời bạn chia sẻ cùng Thái, bài Thái viết về “đại dương đen” .
"Cách đây mấy hôm, tôi vô tình đọc được cuốn "Đại dương đen" của Đặng Hoàng Giang. Lâu lắm rồi tôi mới đọc một cuốn sách cảm động đến vậy. Tôi đọc mà thấy thương, thấy lo, thấy rưng rưng.
Tác giả kể câu chuyện của những người bị bệnh trầm cảm. Họ khổ quá. Ông Phật nói cái tâm có sức mạnh vô biên, chỉ cần mình nghĩ mình không khổ thì mọi khổ đau sẽ qua, nhưng với người bệnh trầm cảm thì ngược lại. Chính cái sức mạnh vô biên đè họ xuống tầng tầng hố đen thăm thẳm. Khổ từ trong tâm là một cái khổ không lối thoát, không biết giải bày cùng ai.
Tôi giật mình: Không biết những người xung quanh mình, có ai đã phải một mình đi qua cái vực thẳm này? Trong hành trình đau khổ của họ, có khi nào tôi đã khiến họ đau thêm? Tôi nghĩ đến R và Sh, trời ơi, cuộc sống quá nhiều tai ương khó lường, cầu trời cho tụi nhỏ sẽ luôn khỏe mạnh.
Những câu chuyện trong "Đại dương đen" chỉ ra một vấn đề khổng lồ trong xã hội Việt Nam đương đại: Người Việt nhìn chung không biết giao tiếp.
Ta muốn A, nhưng không nói, người khác làm B thì lại âm thầm thất vọng, tích tụ lâu ngày sinh tâm bệnh. Hay ngược lại, khi người ta đã mở lòng, ta nghe không phải để thấu hiểu, mà để phán xét.
Lắng nghe không phán xét, tưởng dễ mà không dễ. "Đại dương đen" đưa ra một vài gợi ý:
- Thay vì cố đưa ra lời khuyên hay đi tìm giải pháp, nên chăng tập lắng nghe?
- Thay vì phủ nhận cảm xúc hay suy nghĩ của người khác, nên chăng tập nhìn theo góc nhìn của họ?
- Thay vì kết luận thay cho người khác, nên chăng đặt câu hỏi mở, giúp người ta tự đưa ra kết luận?
Cuốn sách không có tất cả câu trả lời. Tôi nghĩ tác giả dường như hơi đuối trong phần hai, khi bàn về bệnh lý, cách phát hiện và điều trị bệnh trầm cảm, bao gồm cách giao tiếp với người bệnh. Tôi nghĩ tác giả cũng khó làm tốt hơn, vì Việt Nam không có nhiều chuyên gia và nghiên cứu về trầm cảm.
Với cá nhân, các câu chuyện trong phần một là đã quá đủ. Viết đến đây, tôi mới nhận ra tôi không chắc tôi thích các câu chuyện này vì lý do gì.
Có phải vì chúng rất ly kỳ? Có chết chóc, có tình dục, có sự phản bội, có những cô gái đẹp điên loạn? Người ta thích đọc truyện kinh dị vì được trải nghiệm những cảm giác kinh hoàng mà không phải trả giá.
Hay có phải vì chúng cho tôi quyền được phân phát lòng thương hại? Thương hại là một thứ tình cảm nhiều mặt. Thương hại có thể đến từ lòng từ bi, thương người như thể thương thân.
Thương hại cũng có thể chỉ là một cách ve vuốt cái tôi. Vì ta sống tốt hơn, may hơn, thế này hơn, thế kia hơn, nên ta mới không "bị" như thế.
Noah Lyles, nhà vô địch 100m điền kinh ở Paris 2024, nhận xét rất chua chát: People love to watch people fail, tức con người thích xem người khác thất bại. Để chúng ta thể hiện lòng thương hại, theo kiểu, "Thấy cũng tội mà thôi cũng kệ".
Mỗi người đọc sẽ phải tìm lý do của riêng mình. Lý do khác nhau sẽ dẫn đến hành động khác nhau.
Tôi khâm phục tác giả Đặng Hoàng Giang và cộng sự không những viết sách mà còn lập ra Đường dây nóng Ngày Mai hỗ trợ người bị trầm cảm. Phải có lòng từ bi thật sự mới có thể hành động như vậy.