(Xem tập thứ 11 và 12 của bộ phim tài liệu “Vượt sóng” của hãng TFS đài HTV)

Chuyện về “Nhóm thứ sáu”? Tiến sĩ Trần văn Thọ, giáo sư đại học Waseda (Nhật) nhận xét: Tôi chưa thấy một nơi nào trên thế giới có một nhóm trí thức viên chức chế độ cũ tự phát tập hợp, hoạt động như thế để đi cố vấn cho chế độ mới về những vấn đề hệ trọng như vậy.

TP HCM giai đoạn 1986 hình thành một nhóm chuyên viên kinh tế có sức ảnh hưởng lớn gọi là "Nhóm thứ Sáu". Sau hai đợt cải tạo, tiềm lực kinh tế của TP HCM gần như kiệt quệ, nhiều năm sau đó nền kinh tế vận hành theo quán tính như một chiếc xe ngày càng cạn nhiên liệu. Trong tình hình kinh tế xã hội gay gắt ấy, mô hình công ty xuất nhập khẩu trực dụng được lãnh đạo thành phố cho ra đời hoạt động đầu tiên tại quận 5 là Công ty Cholimex . Và “nhóm thứ sáu” ra đời ở đây từ ý chí của chuyên gia Phan Chánh Dưởng.

Giao lưu sau buổi chiếu: từ phải qua. Đạo diễn Mỹ Khanh. Nb Hoàng Thoai Châu. Nb Trần trọng Thức. Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng. Luật sư Trương Trọng Nghĩa. Nb Nguyễn Thế Thanh. Nb Vũ kim Hạnh.

Họ là ai? Chuyên gia Lê Trọng Nhi, người nhỏ tuổi nhất của nhóm nhận xét: Họ quá trong sáng, quá tâm huyết, không ai nghĩ đến tư lợi bản thân dù cơ hội do chính mình tìm ra không ít, các mối lợi cũng bày ra trước mắt. Nghĩ lại, nhờ họ như vậy mới ngồi lại được với nhau và ngồi lâu bền đến thế.

Và điều hết sức quan trọng là có những vị lãnh đạo (ông Võ văn Kiệt, Võ Trần Chí, Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Phạm Chánh Trực…) hoàn toàn tin cậy và tôn trọng, lắng nghe họ thì họ mới có điều kiện dốc sức toàn tâm cống hiến cho việc chung.

Thực tế thì đây là một nhóm bạn chuyên gia viên chức chế độ cũ tụ họp từ tháng 10/1986 theo cách thức: Không tên, không chủ quản, không trụ sở, không điều lệ, không chức vụ, không kinh phí, không lương…được ông bí thư Thành Ủy TPHCM Võ Trần Chí ủng hộ, sau đó có sự tham gia của các ông Võ văn Kiệt, Tư Triết, Sáu Tường, Phạm Chánh Trực, cả ông Trần Bạch Đằng.

Vâng, chuyện chưa từng xảy ra ở đâu khi 2 ông Phó Thủ tướng của chế độ Sài Gòn lại được mời cố vấn giải pháp thay đổi chính sách, định hướng đổi mới kinh tế, sát cánh cùng Thủ tướng chế độ XHCN mới. Hai Phó Thủ tướng đó là ông Nguyễn văn Hảo và Nguyễn Xuân Oánh. Còn hơn 20 vị trí thức, có cả Bộ trưởng, thứ trưởng các ngành được coi là khác lạ của thời kinh tế bao cấp như: quản trị ngân hàng, qui hoạch, xuất nhập khẩu, tài chính, thuế khóa…

Quang cảnh buổi chiếu

Theo yêu cầu của chính quyền mới, họ đã thực hiện 4 công trình nghiên cứu:

  • Giải pháp đột phá cho Giá lương tiền.
  • Đổi mới hệ thống ngân hàng.
  • Xây dựng chính sách phát triển ngoại thương cho Việt Nam.
  • Quy hoạch vùng để phát triển kinh tế.

Và họ không chỉ tư vấn, phân tích, truyền đạt kiến thức về lý thuyết, họ còn tham gia hành động: Thành lập Khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất đầu tiên của VN; Tham gia hàng loạt dự án đầu tư: đại lộ Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh), khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước... đã biến đổi một vùng đầm lầy ngập mặn của TP.HCM thành khu đô thị lộng lẫy hướng thẳng ra biển Đông.

Xem 2 tập phim về “Nhóm thứ sáu” mà đa số các anh đã đi xa (Lâm Võ Hoàng, Trần Bá Tước, Phan Tường Vân, Nguyễn Ngọc Bích, Huỳnh Bửu Sơn…), thật là một dịp ngồi ôn lại kỷ niệm ngủ yên từ lâu nay bỗng sống lại như mới hôm qua. Tôi nhớ từng tuồng chữ của các anh (hồi đó ai cũng viết tay khi gửi bản thảo cho tòa soạn báo) như anh Phan Tường Vân (chữ nghiêng nghiêng mà nét thật bén và khít nhau), anh Trần Bá Tước (chữ nhỏ, đều, nét tròn trịa, chỉn chu), anh Lâm Võ Hoàng (nét hơi bay, khoáng đạt với những chữ G kéo dài) và mỗi thước phim như cuốn lấy tất cả nỗi nhớ tiếc biết bao ngày cùng các anh ngồi tâm tình thật lâu…

Tác giả phim ( đạo diễn) Mỹ Khanh và tác giả stt

Đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh dựng phim, kết nối các phát biểu của từng anh, nội dung, giọng nói, cách nói và thái độ rất khác nhau mà rõ mồn một từng người, lại hài hòa như cùng trong một dòng suy nghĩ và nghe cứ như... tất cả đang cùng ngồi trong một bàn họp. Công phu, nặng lòng với đầy thấu cảm, đạo diễn ơi. Tôi tin đã có bao đêm Mỹ Khanh trằn trọc, đăm chiêu với từng lời thiết tha tâm huyết của những người đã đi xa mà sao cứ như vẫn đang ở rất gần.

Trong mấy phút giao lưu ngắn ngủi với khán giả sau buổi chiếu, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng xúc động nói: Xem lại những hình ảnh từ công việc tôi và các bạn làm, đã mấy chục năm rồi, bao lâu nay vẫn nghĩ, giai đoạn đó, thấy việc cần làm thì làm như thể đó như chuyện bình thường phải làm vậy thôi. Bao cảnh đời khốn khó tìm tới giúp nhau, nhờ các vị lãnh đạo sáng suốt kết nối chúng tôi với nhau cùng làm những việc có ích. Cám ơn những nhà lãnh đạo có tâm với đất nước và cám ơn đoàn phim chịu khó công phu phục hiện sinh động cả một giai đoạn rời rạc đã quá xa.

Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng

Tôi không là thành viên nhóm, chỉ theo nhóm. Làm nghiệp vụ báo, cũng nhận ra, chính là qua các tư liệu hoàn toàn thật mà chúng ta có dịp chiêm nghiệm bài học luôn có ý nghĩa: người Việt Nam ai cũng yêu nước, luôn nặng lòng gắn bó với quê hương, khi có sự tin cậy và tôn trọng của lãnh đạo thì họ sẽ cùng nhau làm được bao điều tốt cho dân cho nước.

CHUYỆN 50 NĂM CŨ: “NHÓM THỨ SÁU” - NƠI HỘI TỤ CÁC TRÍ THỨC VIÊN CHỨC CHẾ ĐỘ CŨ