
Chiều thứ tư là lệ thường tôi thu các tập video mới cho maybe mà cũng là lúc đọc duyệt bản cuối cho video sẽ phát vào tối ngày kế tiếp. Tuần qua, tôi được “thiết đãi” một bữa tiệc thơm ngon những trái ngọt rau thơm rất hấp dẫn. Không thể không kể câu chuyện thú vị này…
TỪ HAI CHA CON NHÀ HỌ KAO
Tập video được xem lại để phát ngày mai là trò chuyện với Kao Huy Phương đang kế nghiệp ba, ông Kao Siêu Lực. Hai người đại diện hai mô hình quản lý (truyền thống và hiện đại) trong cùng công ty, rất khác biệt mà họ dung hòa được nhờ “hiểu và thương” nhau. Họ cùng yêu nghề và có vẻ ông Kao còn truyền cho con gái một tình yêu nữa: yêu cây trái nhiệt đới quê nhà. Hồi đó, ông Kao đi đồng bằng về kể chuyện thanh long đổ đống với con gái rồi cùng tính phải làm gì. Kể chuyện thanh long Phương trìu mến nhắc tới ổ bánh mì 7 màu mà giữa mùa Sài Gòn phong tỏa vì Covid, ba nhớ nghề quá ngày nào cũng đem bột ra nhào, pha, trộn với 7 màu mà ba trích xuất từ rau củ thiên nhiên làm thành ổ bánh mì 7 màu.

Thì khó gì mà "Vua bánh mì" không bật ra ý nghĩ làm nên những ổ bánh mì thanh long. Sau đó là bánh trung thu sầu riêng, bánh bía nhiều lớp nhân dứa… Ở tủ kem tươi tại cửa hàng ABC Bakery Đà Nẵng của con gái thứ Kao Huy Minh, ông Kao chiều con mua đủ loại nguyên liệu hạng nhất từ Ý nhưng nguyên liệu gốc đều là trái cây Việt. Tôi vẫn nhớ cái ấn tượng thiệt “sướng mắt” khi tôi phải WHOA rõ to khi thấy một “bảng” màu thanh lịch, sang trọng trong tủ kem đủ loại: dừa, xoài, sầu riêng, bơ, sô cô la, khoai môn..níu kéo bao nhiêu đứa trẻ Đà Nẵng đứng mãi không rời tủ kem cho tới khi mẹ mua cho ly kem đúng ý. Cha con nhà ông Kao dùng bao nhiêu thời gian và tình cảm tơ tưởng để sáng tạo đủ loại bánh, kẹo từ trái cây đời thường?
(Và tối thứ năm 3/4/2025, video này đã phát rồi trên youtube nha các bạn).
ĐẾN HAI NỮ TƯỚNG ĐANG “HÔ BIẾN” RAU, TRÁI MIỆT ĐỒNG?

Một cô hồng, một cô xanh (Một cô tên Hồng Thắm và một cô tên Thanh Hà). Một cô ở Cần Thơ, một cô Đồng Tháp. Một cô dược sĩ, một cô công nghệ thực phẩm. Thắm đoạt giải 2 cuộc thi Khởi nghiệp Xanh 2022 còn Thanh Hà giải 1 cuộc thi này năm 2024, mới rợi. Và hai cô đều đang biến hóa các loại nông sản nghe tên thiệt là gần gũi, bình dị thành các món dược trà hay món ăn vặt khoái khẩu…
Hồng Thắm làm dược trà. Chị đi sâu nghiên cứu từ những ngày học đại học rồi nhiều năm làm việc ở công ty dược lớn và nay lập cơ ngơi riêng mình. Thắm hạnh phúc “vui đùa” với những diếp cá, húng chanh, rau má, tía tô, gừng đen, mật ong…mỗi ngày. Nghe mấy cái tên này, bạn có thấy thật tươi, ngon, thơm như đang ngồi trước một rổ rau dùng ăn bánh xèo? Vậy mà nghĩ, bạn gái này giỏi thiệt, đã hô biến những “sáng rau chiều rác” thành những món trà hòa tan thật tiện dụng mà "tuổi thọ" rau lại dài tới 18 tháng chứ không phù du từ sáng tới chiều nữa. Với những nguyên liệu chỉ là “rau sống” gần gũi vậy mà làm ra trà, dược trà, vừa tiện dụng vừa ngon và phát huy dược tính (có hiệu quả, có giá trị). Thú vị nhất là mỗi loại rau đều có một câu chuyện hay, có đầu có đuôi, có tình có nghĩa kiểu xưa xưa mà không kém phần văn minh đúng “trend”. Mê đó Thắm!.

Còn với farm mà vợ chồng Ngọc Viễn-Thanh Hà đặt tên là 123 Farm thì đã đưa ra thị trường các món sấy dẻo vừa mộc mạc vừa công hiệu, hấp dẫn như: tắc chưng đường phèn, bưởi sên xí muội, mãng cầu pha muối ớt…những gia vị đời thường khi “đánh cặp” với các loại trái cây nhà quê bỗng thành ngon lành, sang chảnh. Thành Hà khoe trong câu chuyện, sáng tạo ra mỗi món đặc biệt này thì Hà là dân Lai Vung, Đồng Tháp từ nhỏ đã theo mẹ làm bếp, chế biến đủ món thì nay sản xuất từng món không khó. Nhất là với cô chuyên viên R&D của Acecook nhiều năm, Thanh Hà biết tổ chức khảo sát người tiêu dùng để tạo những hợp chất thiên nhiên rất hợp khẩu vị, và món nào cũng đưa nhiều người của các “tầng lớp” khác nhau thử món để điều chỉnh từ 3 đến 6 tháng mới ra thị trường. Khi cô nói sắp chế biến món giải khát có vị cay thì Hồng Thắm băn khoăn, nè, món ăn vặt thì cay là thường, nhưng món uống, giải khát mà cay thì thì…Và Thanh Hà cười tự tin, không lo đâu chị, quá trình thử món dài lắm mà em rất tin vị cay đang là một xu thế được thích nha chị.
Với những món rau bình thường, trái cây dân dã qua tay họ, đang thành “dị thường” vì được gia tăng giá trị thành lạ và ngon. Tôi nhìn nữ tướng Hồng Thắm mách cho Thanh Hà một công thức mới là thêm húng chanh vào tắc-đường phèn, mới thấy giữa cái chuyên môn “hiểu sâu nguyên liệu” phối hợp với chuyên môn “hiểu thấu người dùng”, quả là họ có cách “hiểu và thương” những rau trái miệt đồng rất lạ, rất riêng (mà tôi hào hứng lắng nghe chuyện của họ vì ngộ nghĩnh, thú vị lắm).
Và cuối cùng tôi khám phá ra, hai nữ tướng đang “tát biển đông cũng cạn” đều có câu chuyện hay với “phu quân” của họ. Hồng Thắm không còn trẻ, cô nói, khởi nghiệp tuổi 50 cũng có cái hay là con cái đã lớn và ông chồng rất thấu hiểu, chia sẻ hết lòng sự bận rộn của vợ. Tôi hỏi, Thắm ơi, ông chồng Thắm có “kiêng dè” cái đại đệ tứ đẳng Taekwondo của vợ tới nỗi bả đi công tác hoài cũng không dám rầy không, thì Thắm cười ra chiều bí mật, dạ ổng giỏi võ hơn vợ, ổng là sư huynh của vợ đó cô. Sư huynh? Xưng hô giống phim kiếm hiệp vậy? Dạ không, hai vợ chồng học võ chung và ảnh giỏi hơn, và làm “huynh” nên chuyện kinh doanh sau này ảnh rất chịu khó hiểu và chia sẻ cô ơi.

Còn với Thanh Hà thì tôi đã nghiên cứu hoạt động của 123 Farm và chợt khám phá ra họ là một đôi hoàn hảo trong “phân vai” quản trị công ty. Ngọc Viễn chuyên môn về máy tính, IT thì đã thiết lập hệ thống bán hàng và thanh toán online rất sớm và cơ giới hóa hầu hết các khâu sản xuất: máy cắt, rửa, sấy, trộn, sên trái cây…và theo dõi khâu tiêu chuẩn cho sản phẩm, trong khi vợ thi thố hiểu biết về công nghệ thực phẩm cùng chuyên môn khảo sát thử nghiệm R&D sản phẩm.
Hiểu sản xuất và hiểu thị trường, vì tình yêu sâu bền với rau trái quê nhà thực sự là nguồn cảm hứng đầy yêu thương dẫn dắt họ miệt mài nghiên cứu để mang lại hương vị sắc màu đẹp, tươi, ngon và mới từ các tài nguyên bản địa cho đời.