Ba ngày cuối tuần vừa qua, sau gần nửa tháng bị công việc đè hơi ngộp, tôi trồi đầu lên thở một chút. Và trong nỗi buồn của mấy ngày cuối tuần, tôi quyết định đi xem một hơi 3 tác phẩm art mà tôi để tâm nhưng chưa có giờ đi xem.
"Muôn vị nhân gian" thì tôi xem và viết rồi (Đọc xong bài Phạm Hiền Mây và cả bài “mùi” và “vị” của Lê Hồng Lâm, tôi muốn viết một bài “Đối thoại với Mây và Lâm, Mây và rừng” không sân si gì hết mà để chia sẻ thêm những cảm xúc đẹp nhờ ông đạo diễn Anh Hùng - mà rất dịu dàng -xới tung lên, song tôi lại chúi mũi vào công việc tuần mới nên lại để dành đó).
Tôi viết nhanh một đoạn về hai vỡ kịch “Lạc ở đáy sông” và “Cô giáo Duyên” mà tôi xem hai ngày liên tiếp cuối tuần qua. Viết nhanh rồi lại đi làm...
1/ Cái gì bị lạc ở đáy sông? Anh Tư Bờ làm nghề chở mướn bằng ghe, bỏ công và tình, đi vớt xác giùm những người chết đuối vô thừa nhận suốt 20 năm, ngoài lòng thương người còn vì để trả món nợ tội lỗi anh gây ra khiến vợ anh nhảy sông tự vẫn. Tìm mãi không thấy xác vợ, năm nào anh cũng cúng giỗ cái “mộ gió” anh chôn trong lòng với nguyên vẹn lòng nhớ thương. Cho đến ngày cái nút thắt của kịch bung ra. Quá dữ đội. Qua hiểm ác: người vợ anh thương và tìm suốt 20 năm đó thực sự không “lạc ở đáy sông” mà “bỏ di theo trai”, phản bội anh đúng cái lúc anh cuống cuồng khóc than vợ mình phận bạc. Khi gặp lại nhau, anh tha thứ cho vợ, nói lời từ đáy lòng, em không có lỗi gì, anh nghèo quá, đó là lỗi của anh khiến em phải bỏ đi. Trời, nghèo là cái tội mà sự phản bội kinh tởm nhất cũng được tha thứ. Anh Tư Bờ, sao lòng anh vẫn cứ thương người không bến bờ?
May mà người “chiếm đoạt” lòng tốt của chồng cũ tới 20 năm trời, xấu hổ chịu không nổi, nhảy sông tự vẫn. Nhảy thật. Đúng khúc sông đó. Và dĩ nhiên anh Tư Bờ nhảy xuống vớt gọn hơ cô vợ cũ, không phải cái xác mà là một người suýt chết đuối,.
Mối tình 20 năm "Lạc ở dáy sông" đã được anh vớt lên.
Người nghèo luôn thiệt thòi, thương vợ cũng không được, mà tha thứ cho vợ xong, cũng vẫn phận nghèo. Đạo diễn cho anh ta và người phụ nữ nhân hậu bạn đồng nghiệp đưa đò hàng xóm (giờ đã gá nghĩa với anh) được trúng số độc đắc cặp 8.
Buồn quá, phận nghèo cố mấy cũng phải chờ…trúng số?
2/Xem xong “Cô giáo Duyên”, tôi thoáng thấy từ đáy lòng trào lên niềm xót xa vô tận. Là một xã hội coi trọng cái gì, lễ giáo gia phong (và coi nhẹ phẩm giá, hạnh phúc con người?) cộng thêm cái định kiến sâu sắc, người già (lại “xui rủi” chọn nghề cô giáo, mà cô giáo dạy văn) thì không được quyền chọn hạnh phúc. Trẻ thì phải lo giữ lễ giáo, giềng mối gia đình, tới lúc già thì trách nhiệm càng nặng hơn cái gánh thời xuân sắc, phải biết phận già và phải vừa nêu gương (gương gì?) vừa biết an phận. Đừng nổi loạn, bởi hạnh phúc cá nhân thì có nghĩa gì với nề nếp ổn định (bền vững) của tập thể. Một tập thể rất coi nhẹ giá trị và hạnh phúc từng cá thể ?
May mà có cô Hạ thích kiểu sống tự do, thản nhiên đi tìm hanh phúc cho mình. Và có anh chàng Kiên, gợi nghĩ tới kiên nhẫn, kiên định, là Việt Kiều không còn bị nềnếp gia phong muôn đời (không biết để chi, trong khi những thứ phải gìn giữ cho gia đình, cho con người thì đâu có được coi trọng?) đè đầu nữa?
Hồi chưa đi xem, tôi lo cho tập 2. Khán giả yêu “Ngôi nhà không có đàn ông” xảy ra biết bao điều kịch tính (để xem) mà nếu ngôi nhà ấy…cũng có đàn ông thì sẽ hết hấp dẫn chăng. Tất nhiên lần nào xem Thiên Đăng, tôi cũng chuẩn bị sức khỏe để cười và một chiếc khăn che miệng phòng khi mình cười quá to, quá đã, bởi tôi biết tài năng của dàn sao làm chủ sân khấu, sáng tạo từng đêm, đưa hơi thở thời sự cuộc sống vô kịch ngọt lịm, quăng bắt và tương tác với khán giả, đưa khán giả thành nhân vật kịch luôn, đầy thông minh và bản lĩnh.
Nhưng rồi 2 tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thạch và Lê Hoàng Giang đã cất gánh lo cho tôi.
Tôi ước gì Giang viết đậm thêm, và đàn anh đàn chị Thành Lộc, Kim Xuân có thể dặm thêm cho Thạch-Giang thêm vào chủ đề tư tưởng kịch có tính gợi nghĩ, gợi sự nhức nhối về thân phận con người, về vai trò của giáo dục và cái giá của hạnh phúc? Đó là điều tôi cũng nghĩ với Ngôi nhà trong mây đó Giang…
PS. Một điều rất vui, tôi không thể không “khua” lên với mọi người: đang bừng nở ở TP này hàng loạt đoàn kịch, nhóm kịch toàn tư nhân, hay, từ hay đến xuất sắc. Cho mọi khẩu vị, tầng lớp, lứa tuổi của THÀNH PHỐ YÊU KỊCH NHẤT NƯỚC này.
Ngoài 2 sân khấu hạng nhất mà tôi kê trong bài, Thiên Đăng và Hoàng Thái Thanh, tôi thấy còn nhiều sân khấu cùng nhau sáng đèn (họ phải tự sống và có khán giả yêu họ, nuôi họ thì họ mới có thể sáng đèn hàng đêm): sân khấu 5B Võ văn Tần, sân khấu Idecaf, sân khấu Hồng Vân, sân khấu Hồng Hạc của đạọ diễn Việt Linh, sân khấu Trương Hùng Minh…Và sẽ còn một sân khấu rất húa hẹn, khi bà bạn Nguyễn thị Minh Ngọc vừa “mật báo” cho tôi là nghê sĩ kịch Minh Trang vừa đến nhà chị ngủ lại một đêm để cùng đọc một vỡ mới mà cô sẽ tham gia một ngày rất gần…
Sản xuất kinh doanh thì vẫn lao đao, mà người dân vẫn bỏ tiền mua thức ăn ngon đẹp (nói vầy ông Thành Lộc sẽ nghiêm mặt với tôi, thật và đẹp nha chị) cho mình và gia đình. Tôi thấy nên ghi nhận đó là nét đẹp rạng rỡ, dù rất lặng lẻ an nhiên của thành phố này.