Mỗi ngày tôi vẫn thường nhận được những món thật ngon: bắp, đậu phộng luộc, bánh dày chả quế...từ các bà bạn cà phê vỉa hè. Nhưng chiều nay, cuối giờ làm việc, tôi nhận được 2 món quà bất ngờ. Ai đó đã cột vào tay cầm xe gắn máy của tôi một bắp cải rõ to và bỏ vào giỏ xe một hộp bánh nho nhỏ, như rung chuông báo hiệu “Lộc ăn tới rồi, lộc ăn tới rồi, mời anh xơi…”

BẮP CẢI KHÁC THƯỜNG

Bắp cải khác thường, to lắm khiến tôi phải “truy đến cùng” nguồn gốc . Ôi, thì ra đó là quà của anh John Nguyễn, một nông dân đặc biệt người Canada gốc Việt mà tôi đã viết bài “Mùi nhớ thương” giới thiệu về “bí mật thương mại” của anh là món chả giò với nhân là rau củ trộn với phô mai và…nước mắm kho quẹt đã bán được với 5 triệu USD Canada. Cô nhân viên cũ, Đức Minh của BSA giờ thành “đồng nghiệp” làm nông với anh vừa được anh nhờ chuyển tặng tôi cái bắp cải độc chiêu này cùng tấm ảnh anh ở cánh đồng anh trồng bắp cải thử nghiệm trên Dak Nông. Sản phẩm anh thu hoạch thật đáng bỏ công, xanh đậm, to, mấy lá cải bên ngoài lốm đốm vài chỗ như bị sâu ăn, hỏi ra thì đúng là anh trồng hữu cơ với toàn bộ phân vi sinh do anh tự tạo, không có kích thích tăng trưởng gì hết. Tôi định sẽ vừa làm dưa bắp cải vừa bóp gỏi gà xé phay với cháo gà để "khảo nghiệm" xem bắp cải ngon dở thế nào vào cuối tuần.

BÁNH ĐẬU XANH - BÁNH CHÈ KHO KIỂU MỚI.

Còn hộp bánh? Hay quá, vừa xinh vì đến cùng lúc mạng FB đang quạu với kết quả bình chọn của Tasteasia, là món…dở nhất trong các món ăn của Việt Nam: bánh đậu xanh. Cũng may tôi vừa mới đọc được lời của ông đầu bếp Dodi trong “Muôn vị nhân gian” rằng “Khẩu vị là kết hợp giữa văn hóa và ký ức” và thấy hả dạ vì thấy chí lý.

Người Việt cũng không phải ai cũng thích bánh đậu xanh, vì nó ngọt quá, nếu ăn nhanh thì dễ mắc nghẹn và hơi khé cổ. Nhưng nếu nhẩn nha ăn bánh-uống trà, trà đậm, thì lại ngon. Nhưng mấy ông Tasteasia thì làm sao biết chuyện bánh đậu xanh phải uống kèm trà quạu Việt mới tròn vị ?

Món quà tôi nhận là một hộp bánh đậu xanh tự đặt tên lại là : BÁNH CHÈ KHO, khắc phục được hầu hết các nhược điểm trên: là dạng đậu xanh đã hấp chín giữ nguyên vị béo bùi của đậu xanh, thật ít ngọt và ngọt thanh, bánh làm hoàn toàn theo kiểu chè kho, không bị rơi bột đậu khi ăn. Hộp bánh ghi: nguyên liệu là đậu xanh nguyên hạt, đường tinh luyện phù hợp TCVN…, vani có tiêu chuẩn TCVN…Độ ẩm dưới 45 độ và hàm lượng đường tổng số 30-45% với Protein 9%.

Tôi không định quảng cáo cho bánh chè kho này nhưng tôi muốn bộc bạch một điều rất rất đáng mừng: lớp trẻ khởi nghiệp VN bằng tài nguyên bản địa cùng công nghệ chế biến khác đã biết lắng nghe thị trường, hiểu nỗi niềm của người tiêu dùng để khắc phục cho được các nhược điểm và mạnh dạn tung ra thị trường sản phẩm mới đúng xu thế không hóa chất, không chất bảo quản, ít ngọt, nguyên liệu giữ thật gần thiên nhiên…

Nói thêm, tôi vừa trông thấy một bộ sưu tập các sản phẩm mới từ dừa sáp Cầu Kè, Trà Vinh. Rất phong phú và nhất là…ăn ngon.

Tôi có niềm tin vì ngày càng được chứng nghiệm rằng một lớp các bạn trẻ có học hành về sản xuất và quản trị, biết lắng nghe thị trường đang cải tiến sản phẩm truyền thống được ưa thích lâu đời của Việt Nam thành những dòng sản phẩm vừa truyền thống vừa hiện đại với các tiểu chuẩn nghiêm ngặt rất đáng tin. Chỉ hơi tiếc là các bạn chưa đủ vốn để tăng qui mô theo yêu cầu thị trường (đôi khi mình chạnh lòng, nếu ở Thái thì những món đặc sản đó đã có chính sách nhà nước tiếp sức ngay, như có Trung tâm sản xuất thử giúp sản xuất rồi test thị trường để nâng qui mô và tung sản phẩm mới cùng nhiều chính sách nữa chứ không phải được “tạo điều kiện” cho… tự bơi là chính như xứ mình).

Vì sao kể hai chuyện này cùng lúc? Để thấy sức nghĩ và ý chí của người Việt mình trong việc quyết tâm thay đổi kiểu làm ăn xưa cũ trong nông nghiệp, đem lại giá trị gia tăng rõ rệt ở khắp các công công đoạn của chuỗi giá trị. Từ một chuyên gia đầy kinh nghiệm làm ăn ở các thị trường lớn cũng chịu khó về Đak Nông thực hành phương pháp canh tác hữu cơ, tự làm phân vi sinh để tìm cách đạt chất lượng, đẳng cấp cao cho nông phẩm cho tới các bạn trẻ cũng hào hứng tìm ra cách chế biến khác hợp xu thế thị trường thực phẩm. Nếu họ được nâng cánh kịp thời bằng chính sách thì hiệu quả đổi mới sẽ nhanh hơn, sức canh tranh lớn hơn (mà không thì họ vẫn...tự bơi đấy)

KHI “LỘC ĂN” ĐẾN – HAI MÓN QUÀ LẠ !