VÌ SAO INDONESIA NHẤT QUYẾT YÊU CẦU APPLE, GOOGLE CHẶN MỘT ỨNG DỤNG MỚI NỔI TỪ TRUNG QUỐC?
Theo Reuters, ngày 11/10 vừa qua, Indonesia yêu cầu Alphabet, công ty quản lý Google, và Apple chặn ứng dụng thương mại điện tử Temu của Trung Quốc trên những cửa hàng ứng dụng tại quốc gia này.
Ông Budi Arie Setiadi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông của Indonesia, cho biết động thái này để bảo vệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, trước làn sóng sản phẩm giá siêu rẻ của Temu.
Thế nhưng, đến nay, Indonesia vẫn chưa ghi nhận về bất kỳ giao dịch nào của người dân nước này trên nền tảng Temu.
Về mô hình kinh doanh của Temu, Bộ trưởng Budi Arie Setiadi nhận định rằng, việc nền tảng này cho phép người dùng được kết nối trực tiếp với những nhà máy tại Trung Quốc nhằm giảm mạnh giá là một dạng cạnh tranh không lành mạnh.
"Chúng tôi không bảo vệ ngành thương mại điện tử, mà đang bảo vệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có tới hàng triệu doanh nghiệp ở Indonesia cần được bảo vệ ngay lúc này", ông Budi Arie Setiadi chia sẻ.
Bộ trưởng Budi Arie Setiadi còn khẳng định rằng, Chính phủ Indonesia sẽ chặn bất kỳ khoản đầu tư nào từ Temu vào thương mại điện tử trong nước, nếu điều đó xảy ra. Trước đó, vào ngày 8/10, Bukalapak.com, nền tảng thương mại điện tử nội địa của Indonesia đã phủ nhận tin đồn về kế hoạch thực hiện thâu tóm của Temu.
Ngoài ra, Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch yêu cầu cấm tương tự đối với dịch vụ mua sắm Shein của Trung Quốc.
Hiện tại, Temu, Shein, Apple và Google vẫn chưa có phản hồi trước các yêu cầu bình luận của tờ Reuters. Đặc biệt, ứng dụng Temu hiện vẫn có thể được tải xuống từ các cửa hàng ứng dụng tại Indonesia.
Đây không phải là lần đầu tiên Indonesia đưa ra quy định đối với các nền tảng tới từ Trung Quốc. Trước đó, năm 2023, quốc gia này đã buộc nền tảng mạng xã hội TikTok (thuộc sở hữu của ByteDance) phải ngừng dịch vụ thương mại điện tử nhằm bảo vệ cho các tiểu thương và dữ liệu người dùng.
Vài tháng sau đó, TikTok đã mua phần lớn cổ phần của đơn vị thương mại điện tử thuộc GoTo, tập đoàn công nghệ của Indonesia, để tiến hành duy trì hoạt động tại thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á.
Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings và cả Bain&Co, ngành thương mại điện tử của Indonesia dự kiến mở rộng quy mô lên khoảng 160 tỷ USD vào năm 2030, từ mức 62 tỷ USD trong năm 2023.
Temu là sàn bán lẻ online xuyên biên giới, tương tự như Shein, Wish và AliExpress. Temu ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và sau đó nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Úc, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.
Dù chỉ mới hoạt động 2 năm, nhưng sàn thương mại điện tử Temu của Trung Quốc đã nhanh chóng hoạt động tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ (tính đến ngày 7/10). Giá trị giao dịch của Temu trong năm nay đã đạt gần 30 tỷ USD.
Mới đây, theo công ty nghiên cứu Momentum Works, ứng dụng thương mại điện tử Temu đã âm thầm ra mắt ở thị trường Việt Nam và Brunei. Như vậy, Temu đã mở rộng độ phủ tại 5 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Philippines, Malaysia, Thái Lan (tháng 7 vừa qua), Việt Nam và Brunei.
Tại Việt Nam, phiên bản website của Temu vẫn còn khá thô sơ, trong đó chưa cung cấp lựa chọn tiếng Việt, chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng (không có ví điện tử địa phương), đồng thời chỉ có 2 đơn vị logistics là Ninja Van và Best Express tham gia vận chuyển. Theo dự báo của các chuyên gia Momentum Works, Temu sẽ tiến hành bổ sung những tùy chọn về ngôn ngữ, thanh toán và logistics, nếu ứng dụng này dành nhiều sự đầu tư vào Việt Nam.
Nguyễn Đăng Khoa- Tổng hợp từ Tạp chí Nhịp sống thị trường Bài tham khảo nguồn: Reuters, Momentum Works, Baidu.