Vào thăm đền thờ cũ xưa của cụ Đồ Chiểu, tôi thấy trước bàn thờ có treo mấy chữ: Lục tỉnh Sỹ dân.
Có sĩ và có dân của vùng đất Lục tỉnh này. Đúng với cốt cách của phong trào yêu nước Nam Bộ, rùng rùng đất dậy, sấm rền, từ kẻ sĩ cho đến thường dân, những người học trò, nông dân chân đất, chỉ một manh áo vải, tất cả đứng lên không tiếc mạng sống đòi lại đất nước. Trên tường bên trái, có treo chân dung 8 vị anh hùng với câu tuyên ngôn của cụ Trương Định: “Chúng tôi lấy cỏ lau làm cờ, chặt tầm vông làm binh khí. Nhất định chúng tôi không bao giờ ngừng chiến đấu chống quân cướp nước”. Đó là các ông Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Hữu Huân (Thủ Khoa Huân), Phan văn Trị, Nguyễn Ngọc Thắng, Phan Ngọc Tòng, Lê Quang Quân (Tấn Kế). (Có vài cái tên, tệ thật, tôi chưa từng biết). Có tranh vẽ, có ảnh đen trắng, có ảnh tượng… tất cả đều đã sống ở đây, đã từng viết nên những câu chuyện chí khí ngất trời lửa hồng Nhật Tảo…
Cùng về Ba Tri lần này có sự trùng hợp lịch quay với chuyến về một đồng tác giả, chị Nguyễn thị Minh Ngọc. Và chỉ có chị Minh Ngọc mới có niềm riêng về nỗi xúc động không kềm chế được khi đưa những câu văn tế vào "Tiên Nga". Chị kể trong buổi thu hình, rưng rưng: Cả đoạn tôi viết các câu cụ Đồ hát trích từ "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" khi nữ anh hùng Kim Liên hành thích vua Phiên không thành, bị chúng băm thành trăm mảnh, cụ Đồ ôm xác Kim Liên, giọng cụ rền vang lời tế, cụ hát tới đâu, khán giả vỗ tay tới đó cuối mỗi câu; ai biết đâu khi ngồi viết những dòng này cho kịch bản, Minh Ngọc cũng vừa viết vừa khóc nghẹn một mình: “Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta, bát cơm manh áo nợ đời, mắc mớ chi ông cha nó?”. Tôi nghe tiếng nghiến rằng của cụ Đồ Chiểu - Thành Lộc khi anh vung tay trong nỗi uất hận mất nước sau khi triều đình cắt giao cho Pháp Nam Kỳ lục tỉnh.
Văn tế nghĩa sĩ tức những nghĩa quân hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ đất nước ở đây là dùng để tế những người anh hùng mà dân thực sự kính trọng. Những kẻ thứ dân, nông dân, bấy lâu vẫn được xếp sau tầng lớp trí thức trong bốn hạng dân (Sĩ, nông, công, thương) và những thứ dân đó chính là nhân vật trung tâm, với lòng căm thù giặc cướp bộc phát, nổi dậy làm nên những trận đánh anh hùng mà cụ Đồ Chiểu làm hẳn một bài văn tế gọi đó là những “trận nghĩa”.
Buổi sáng gặp anh Sáu Lượng, người được ông Út Hạo, nguyên là bí thư tỉnh Bến Tre, giới thiệu là cố vấn cho CLB nói thơ Vân Tiên, tôi nghĩ là mình sẽ gặp cùng anh Sáu Lượng là các cụ cao tuổi. Vậy mà tất cả những người tôi gặp toàn là nam thanh nữ tú, xinh đẹp, vui tươi, hào hứng kể chuyện họ say mê học nói thơ Vân Tiên và nay đang đi “diễn xướng dân gian” các bài thơ trong tập Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu hay những bài mới sáng tác. Tập thơ và lối nói thơ này lâu nay được dạy trong trường (chị Nhung, phó chủ nhiệm CLB là cô giáo trường Phan Ngọc Tòng cùng các bạn đồng nghiệp đang là những người thích thú truyền trao lối nói thơ thú vị này cho lớp trẻ).
Thật cảm động thấy tinh thần và tình yêu đất nước của cụ Đồ Chiểu vẫn thắm đẫm trong lớp trẻ ở Bến Tre và các tỉnh đồng bằng qua những cuộc thi nói thơ, những buổi diễn xướng hào hùng mà rất tự nhiên, như khi Thành Lộc hát lên 2 câu cuối kết thúc tập 2, Đất bằng dậy sóng biển Đông- Mong ngày con cháu Lạc Hồng nạn qua”, tôi nghe có tiếng hát hòa theo rất trẻ trung trong số những “khán giả” đứng xung quanh rất đông theo dõi buổi thu hình.