TRÀ VINH-NGƯỜI CÒN "ĐẸP" HƠN CẢNH
Anh bạn nhà báo chuyên đọc báo tây nhiều hơn báo Việt của tôi, Ricky Hồ vừa khám phá một điều thật lạ (lạ vì quá hiển nhiên, ít ai để ý, chừng nghe nói tới là thấy có lý liền): trên trang Inquirer.net , người ta công bố TP Trà Vinh được xếp hạng 3 về không khí trong sạch so với tất cả TP Đông Nam Á. Chỉ sau 2 TP của Indonesia (mà Indonesia là xứ vạn đảo, hơn 8.000 km bờ biển nha).
TP sạch nhất Việt Nam rộng gần 70 cây số vuông, có hơn 160.000 dân. Người ta gọi Trà Vinh là “TP vườn” với bát ngát cây (cổ thụ) xanh, thân thẳng cao vút, có những kiến trúc văn hóa ảnh hưởng người Khmer với nhiều chùa cổ kính, hiền hòa thật đẹp. Trà Vinh thường ở nhiệt độ 25-30 độ C, không khí lại trong sạch hơn cả Đà Lạt-Sapa (đã bê tông hóa mịt mùng) cũng là phải rồi.
Nhưng ngoài cái cao vời, thoáng đãng, đáng yêu của cây cối, cảnh quan thì con người Trà Vinh càng thấy thương lắm.
Hồi anh Kiến Phước bạn cùng nhà của tôi còn đi về đồng bằng thường xuyên, tôi luôn tìm cách tháp tùng, ngồi làm thinh lắng nghe “ông thổ địa” ấy kể chuyện miền Tây, mê luôn. Tôi ấn tượng với cái vuốt đầu và nụ cười đức Phật của ông Ma Ha Sơn Thông mà anh Phước có cùng một nhà báo bạn viết một cuốn sách về đức độ của ông.
Hơn mười năm trước, Trà Vinh chính là chiếc nôi xuất phát và nuôi dưỡng đầu tiên hoạt động của các Câu Lạc Bộ đặc sản đồng bằng. Anh Trần Quốc Tuấn là một cán bộ chịu khó tận tụy chịu đựng mọi khó khăn, thường lặn lội dẫn tụi tôi đi về nhiều vùng sâu tìm lại các món đặc sản sắp thất truyền. Bạn Nguyễn Trường Chinh, ông chủ món “Chả hoa Năm Thụy” cũng là một chủ nhiệm Câu Lạc Bộ “cam tâm chịu trận” nhiều năm, khi mọi người chỉ định ảnh làm chủ nhiệm CLB hoài.
Tui kính trọng chú Kiên, giám đốc CT bột Vĩnh Thuận, cứ rủ, cô Hạnh về quê tui bán hàng cho bà con đi, và chú bao giờ cũng gửi tiền, còn dặn nhớ nhắc tui gửi tặng học bổng cho con nít Trà Vinh nhen cô. Chú mất rồi mà nghe tới tên Cầu Kè là tôi nhớ cách nói hiền khô chất phác có pha chút giọng người Hoa của chú.
Bánh Tét Trà Cuôn là món tuyệt ngon của Trà Vinh và chị Hai Lý, người phụ nữ làm sống lại thứ bánh đặc sắc này; mỗi lần nhớ tới chị, tôi cũng nhớ luôn có lần chị khoe, tui mới xuất bán được bánh ra nước Bắc đó chị Hạnh!. Vậy mà người bán được bánh ra “nước Bắc” đó lại hiểu biết cần phải làm cho được tiêu chuẩn HACCP và bây giờ mỗi ngày xưởng bánh nhà chị bán hơn 1.000 đòn bánh tét.
Những người con chơn chất của Trà Vinh. Tôi nhớ một anh nông dân, anh Dũng có lần nói nho nhỏ với tôi. Tôi học theo mấy anh chị trồng rau hữu cơ. Rau trồng cách này nó không mởn, không đẹp mà giá cũng cao hơn loại phun thuốc nên tui bán khó, tới cuối ngày còn ế là tui năn nỉ bà dợ tui bán giùm, giá nhiêu cũng được. Rồi chỉ nói sao anh? Bả nói, hữu cơ nữa đi!.Tui nhìn ông chồng nông dân có phần “nhẹ thể” và thua kém vợ , chỉ vì bước đầu theo đuổi trồng rau hữu cơ, thấy đúng là người Trà Vinh, thương hết sức.
Trà Vinh còn có ông bạn Nguyễn Thanh Mỹ của tôi, cứ tự xưng “Việt Kiều té giếng” giàu sang ở Canada không muốn, về Trà Vinh, đi rửa phèn, diệt côn trùng, trồng rau, nuôi cá, nuôi ruồi lính đen giữa cù lao, thiệt tình…
Trà Vinh có nhiều món ngon lắm. Bánh Canh Bến Có, vừa qua cái cầu là…quẹo vô, quẹo vô bánh canh ngon hết biết. Bún nước lèo. Vú sữa Vinh Kim. Chả hoa Năm Thụy. Giờ thêm dừa sáp Cầu Kè, mật hoa dừa ...thôi đủ thứ.
Nhưng bây giờ Trà Vinh nức tiếng Đông Nam Á lại nhờ một thứ vô hình vô sắc, nhìn không thấy, ngửi không ra. Không khí. Thiệt tình, đó mới chính là Trà Vinh, đẹp và sang đến trĩu lòng mà cứ hồn nhiên như không…