Mấy hôm nay báo chí tràn ngập hình ảnh ông Tim Cook thăm Việt Nam. Ông gặp ca sĩ Mỹ Linh, nói yêu cà phê trứng. Ông gặp các tài năng công nghệ, các lập trình viên Việt Nam. Có tin do hãng Apple thông báo, là ngày 15/4 (hôm qua) ông công bố việc tăng cường chi phí cho các nhà cung cấp và hỗ trợ một công trình cung cấp nước sạch cho VN.
Nhưng từ 5 hôm trước, tôi đã chú ý đến một tin từ Apple, dù chưa biết lịch của Tim Cook sẽ đến Việt Nam. Theo tôi tin đó hết sức quan trọng: Tờ CNBC đưa tin “Lần đầu tiên trong lịch sử, Apple sản xuất lượng iPhone trị giá tới 14 tỷ USD ở Ấn Độ, không phải ở Trung Quốc”. Và 14 tỷ USD là giá trị ước tính của thiết bị khi rời nhà máy, không phải giá bán lẻ.
TỪ LỊCH SỬ PHỤ THUỘC LÂU DÀI VÀO SẢN XUẤT Ở TRUNG QUỐC
Trái táo khuyết có lịch sử lâu dài luôn phụ thuộc sản xuất vào Trung Quốc. Và nay, Apple đã làm được điều khó nhất mà họ phải tính toán giải quyết từ lâu, chuyển dịch đa số chuỗi sản xuất dần dần ra ngoài Trung Quốc, định hướng những đột phá lâu dài hơn.
Dữ liệu cho thấy, Apple hiện sản xuất khoảng 14% số iPhone của mình ở Ấn Độ, gấp đôi số lượng sản xuất ở Ấn năm ngoái. Tháng 6/2023, Giám đốc điều hành Tim Cook và các giám đốc điều hành công nghệ khác đã gặp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tại Nhà Trắng. Cook nói với CNBC sau cuộc họp rằng Ấn Độ đại diện cho một "cơ hội lớn". Năm ngoái, Apple cũng đã mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại nước này.
Đầu năm nay, doanh số bán hàng của Apple khởi đầu có khó khăn: từ tháng 3, doanh số bán iPhone tại Trung Quốc đã giảm 24% trong sáu tuần đầu năm 2024, theo báo cáo của Counterpoint Research. Đó là do sự cạnh tranh đáng kể từ các nhãn khác của Trung Quốc như Huawei.
Việc tăng cường đầu tư vào Ấn Độ cho thấy Apple đang tăng tốc nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc lâu dài vào Trung Quốc khi căng thẳng địa chính trị gia tăng. Tháng 6/2023, ông Modi thăm Mỹ với những chính sách ưu đãi tài chính để thu hút Apple (mà Ấn Độ đã tính ra điều này sẽ tạo ra 150.000 việc làm trực tiếp cho người Ấn) và còn biến Ấn thành trung tâm sản xuất đáng tin cậy trên toàn cầu.
Mô hình sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng rộng lớn ở Trung Quốc nhiều năm qua đã giúp đưa iPhone lên vị trí dẫn đầu trong ngành. Nhưng nay, những căng thẳng địa chính trị đã buộc công ty Hoa Kỳ phải tính lại.
"Một thế giới đang thay đổi đã vẽ lại các ưu tiên kinh doanh, với những rủi ro địa chính trị, khả năng phục hồi trước sự gián đoạn và các yêu cầu về ESG hiện đang đặt ra xu hướng", các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence viết trong một báo cáo tháng 2 về sự thay đổi chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. "Việc chấm dứt sự phụ thuộc gần như độc quyền vào chuỗi cung ứng công nghệ của Trung Quốc là tốn kém và phức tạp, nhưng sức hấp dẫn ngày càng giảm của quốc gia này đòi hỏi một cách tiếp cận mới".
Bản thân Ấn Độ cũng nằm trong số các nước mà lĩnh vực di động phát triển nhanh nhất thế giới, có mức độ thâm nhập băng thông rộng ngày càng tăng và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, tích cực của chính phủ.
Năm ngoái, Apple đã mở hai cửa hàng đầu tiên tại thủ đô New Delhi và trung tâm tài chính Mumbai. Bloomberg viết: "Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng công nghệ khỏi Trung Quốc có thể trở thành điều không thể tránh khỏi".
TIM COOK KHÔNG PHẢI NGƯỜI XỞI LỞI, XÃ GIAO.
Đang làm quản lý Compaq, Tim Cook quyết định chuyển qua Apple chỉ sau 5 phút phỏng vấn của Steve Jobs. Ông vào nhiệm vụ Tổng giám đốc Apple chỉ trước 2 tháng Steve từ trần. Đến nay, sau 11 năm ông điều hành, Apple đã tăng gấp 2 doanh số và lợi nhuận, và giá trị thị trường của Apple đã tăng từ 348 tỷ USD lên 3.000 tỷ USD. 10 năm trước, năm 2014, Cook đã gây xôn xao khi ông thách thức các cổ đông "rời khỏi tập đoàn" nếu họ không đồng tình với quan điểm của công ty về sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và biến đổi khí hậu. Ông cũng là giám đốc điều hành đầu tiên tự công bố mình là ngưới đồng tính trong danh sách 500 nhà lãnh đạo các công ty Fortune. Khi công bố, ông cũng bày tỏ mong muốn mọi người tập trung vào các sản phẩm và khách hàng của Apple chứ không phải là cuộc sống cá nhân của mình. Và ông cũng đã công bố hiến tặng toàn bộ tài sản cổ phiếu cá nhân cho hoạt động từ thiện.
KHÓ CÓ THỂ ĐÓN ĐẦU TƯ NẾU TỰ MÌNH CHƯA CHUẨN BỊ CHU ĐÁO.
Dân cà phê vỉa hè cùng tôi nói chuyện triển vọng ông Cook liệu có cook (nấu) được gì hay ho cho Việt Nam không, rằng: Cứ từ từ, nếu họ đã có ý định thì…Từ từ rồi khoai cũng nhừ. Bởi chuyện đầu tư đâu chỉ vài cuộc gặp và những xúc cảm hay ấn tượng mạnh, những bài mô tả lâm ly của mấy tờ báo chí chuyên “vớt bèo” tả tình tả cảnh?
Thử nhớ lại, mới hôm 10/12 năm 2023 đây thôi, CEO Jensen Huang của Nvidia (công ty có giá trị 1200 tỷ USD) đã đến Hà Nội, được báo chí cho là để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Ông rất được cảm tình bàn dân thiên hạ vì cũng ngồi bệt ăn phở vỉa hè, uống bia, ca ngợi Việt Nam đến 9 tầng mây… Nhưng rồi đến khi thật sự đầu tư, ông Huang lại cùng với công ty vệ tinh Indosat vừa rót 200 triệu USD đầu tư cho trung tâm AI tại Surakarta, Indonesia.
Tại sao Huang lại chọn Surakarta? Vì Nvidia đã ngắm nghía nhiều nơi và nơi này cũng từ lâu rồi “Bởi vì ở đó họ đã sẵn sàng, họ có nguồn nhân lực tốt và cơ sở hạ tầng 5G”, Thị trưởng Surakarta Gibran Rakabuming Raka phát biểu. Nói vậy vì thị trưởng Surakarta còn chưa biết là, ở Việt Nam hiện nay, đâu dễ tìm ra khu đất trăm hecta trong khu công nghiệp, chưa kể thủ tục được “sáng tác” lắm kiểu, nhiều tầng từ các cấp liên quan.