
Công việc chính hàng ngày của tôi là “hầu hạ”, “phụng sự” doanh nghiệp. Ai cũng biết tình hình kinh doanh hiện nay nhiều khó khăn, có thể nói (hầu như) chưa bao giờ khó đến thế. Mà vấn đề nóng nhất với người dân hiện nay là đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì thế, nhà nước yêu cầu sửa đổi Luật An toàn thực phẩm.
Doanh nghiệp hồ hỡi khi nghe Tổng Bí Thư chỉ đạo: “Triệt để cắt giảm thủ tục hành chính” “tháo gỡ những điểm nghẽn”, “từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”. Và doanh nghiệp mừng, nhưng khi đụng thực tế, đọc dự thảo nghị định sửa đổi luật An toàn thực phẩm thì đã thấy: dưới thảm lại có quá nhiều đinh.
Đi đâu cũng gặp họ bàn tán về những “ám ảnh” liệu có thay đổi theo hướng “càng đổi càng khó” ? Nhiều câu hỏi được nêu:
- Sao chủ trương chuyển đổi số của nhà nước không hề thấy được nhắc đến, như…thủ tục đăng ký, công bố thực phẩm phải làm trên môi trường điện tử.
- Sao lại tập trung cho nhóm thực phẩm bao gói (đã đóng bao, đóng gói, rất ít nguy cơ không an toàn) mà không chú ý nhóm thức ăn đường phố, thực phẩm tươi sống, bếp ăn tập thể là nguyên nhân hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm hiện nay?
- Sao tăng quá nhiều thủ tục giấy tờ (tiền kiểm) thay vì tăng hậu kiểm?

(Điều khó hiểu nhất đang được các chuyên gia về cả thị trường lẫn tiêu chuẩn bàn tán là: dự thảo lấy các yêu cầu cho dược phẩm và mỹ phẩm (là hóa chất) đem áp dụng cho thực phẩm (hầu hết là sản phẩm từ tự nhiên); không phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex là sử dụng hệ thống quản lý tiên tiến HACCP trong đó không có PIF. PIF còn yêu cầu kiểm nghiệm từng lô cho tất cả các chỉ tiêu, điều này là không phù hợp với HACCP chỉ yêu cầu kiểm tra các chỉ tiêu trọng yếu theo tần suất. Yêu cầu này gây ra tốn phí cực kỳ lớn, có thể lên tới hơn 7230 tỷ đồng/năm .
- Sao không tính đến đổi mới phương thức quản lý từ quản lý bằng cấp phép theo sản phẩm sang quản lý theo quy trình để có thực phẩm sạch và an toàn?)
- Và sao không chú ý nguyên tắc quản lý rủi ro: xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro dựa trên bản chất của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; lấy đó làm căn cứ để đưa ra các quy định cụ thể, khả thi về phương thức quản lý và nội dung hậu kiểm việc công bố?
- Sao không thấy dự thảo quy định tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý thực phẩm, quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu và người trực tiếp thi hành theo tinh thần chỉ đạo mới của Tổng bí thư?
Mấy tuần nay, theo đuổi các cuộc gặp giữa lãnh đạo các doanh nghiệp, tôi thấy băn khoăn. Chủ trương của lãnh đạo đã rất rõ, mãnh liệt, dứt khoát. Nhưng vì sao đến cơ quan chức năng đề xuất thì doanh nghiệp lại nhiều âu lo như vậy? Cứ như thế này thì việc thực hiện chủ trương lớn sẽ diễn ra như thế nào đây?
CHỈ XIN TÓM GỌN LẠI VỀ CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Nhìn chung, doanh nghiệp thấy: Thủ tục giảm ít nhưng phát sinh cái mới rất khéo và rất nhiều lại khắc nghiệt.
Dự thảo chỉ cắt một vài thủ tục hành chính rất đơn giản như về tài liệu tiếng anh, phiếu kết quả kiểm nghiệm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của cơ sở GMP …tuy nhiên lại tăng rất nhiều thủ tục hành chính khác.
Vâng, tưởng là sẽ giảm tiền kiểm. Nhưng mà…
Việc được nhắc đến nhiều nhất là: việc chỉ cho phép các sản phẩm đang lưu thông trên thị trường được lưu thông hết hạn sử dụng, sau đó sẽ phải công bố lại, khiến cho 500.000 sản phẩm đang lưu thông phải tự công bố/đăng ký lại, tạo điểm nghẽn lớn cho sản xuất kinh doanh. Quy định này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống mà còn là quy định hồi tố. Với thủ tục đăng ký công bố, dự thảo đã tăng đối tượng phải đăng ký (sản phẩm sử dụng cho nhiều lứa tuổi mà có lứa tuổi dưới 36 tháng) cũng như tăng rất nhiều quy định nặng nề như chỉ cho phép doanh nghiệp sửa đổi bổ sung 3 lần và khoảng cách giữa các lần là 30 ngày, trong khi đó, tại báo cáo số 2555/BC-TTCP của Thanh tra chính phủ (trang 21,22) đã chỉ ra rằng việc Cục an toàn thực phẩm đã yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ là không có trong quy định pháp luật, bổ sung lần sau không liên quan đến yêu cầu lần trước, như vậy đó là lỗi sai của cơ quan quản lý mà lại bắt doanh nghiệp phải gánh chịu? Thời gian 30 ngày giữa các lần bổ sung hồ sơ cũng không đủ để doanh nghiệp chuẩn bị những giấy tờ chứng nhận tiêu chuẩn như CFS, GMP,…
Thành phần hồ sơ của thủ tục đăng ký bản công bố cũng bị tăng lên rất nhiều vì nhiều mục không liên quan đến an toàn thực phẩm mà là thủ tục lấy từ quy định của dược (vốn rất chặt) sang lần này định yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ như nêu “công thức sản phẩm”, “thuyết minh sản phẩm”. Bên cạnh đó, số trường hợp phải đăng ký lại trong dự thảo tăng lên đến 267% sẽ dẫn đến số lượng hồ sơ phải đăng ký lại tăng lên tương ứng.
Tất cả những điều này dẫn đến thủ tục hành chính tăng lên cả về số lượng lẫn quy trình xét duyệt, đi ngược lại chỉ đạo của Tổng Bí thư (công văn số 1767/VPCP-TKBT ngày 5/3/2025) là “tiếp tục tập trung cải cách mạnh thể chế, phấn đấu trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức…., bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết”.
TIỀN KIỂM THÌ “PHỨC TẠP” VẬY, CÒN VỀ VIỆC THỰC HIỆN TĂNG CƯỜNG HẬU KIỂM ?
Về thủ tục tự công bố, dự thảo yêu cầu trong vòng 3 tháng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra hồ sơ tự công bố và thu hồi nếu có sai sót mà không cho doanh nghiệp cơ hội được giải trình.
Nhưng định nghĩa thế nào là sai sót? Bất kỳ sai sót nhỏ nào như lỗi đánh máy hay chỉ là lỗi giấy tờ hồ sơ, mà doanh nghiệp cũng đối mặt với rủi ro bị thu hồi sản phẩm (vì thu hồi giấy phép đồng nghĩa với việc thu hồi sản phẩm), khiến doanh nghiệp có thể phá sản, hoặc nếu không, sau khi tự công bố phải “án binh bất động” ngồi chờ hết 3 tháng mới dám sản xuất, ắt sẽ gây chậm trễ kinh doanh, trái với tinh thần của tự công bố là được sản xuất kinh doanh ngay khi nộp hồ sơ.
Lý giải của Bộ Y Tế với chính phủ là để kiểm soát, quản lý hồ sơ tự công bố của doanh nghiệp và phù hợp với kiến nghị của Bộ Công an. Xem công văn của Bộ Công An thì không phải như vậy.
Hậu kiểm cần được hiểu là cơ quan quản lý tiến hành kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất và sản phẩm, chứ không phải là sinh ra một cơ chế hậu kiểm hồ sơ, một điều hoàn toàn mới theo như lý giải của cơ quan soạn thảo. Các biện pháp hậu kiểm đưa ra trong Tờ trình và Dự thảo chủ yếu là soát xét hồ sơ với thời gian dài gây ách tắc sản xuất-kinh doanh nên không thể cải thiện được an toàn thực phẩm trong thực tiễn, cũng như không theo đúng với tinh thần mà Bộ Công an đã kiến nghị góp ý.
Dự thảo vẫn còn một loạt những nội dung không phù hợp khác như định nghĩa thực phẩm chức năng lần đầu tiên lưu thông trên thị trường rất khó áp dụng; hay quy định rằng bằng chứng khoa học phải có trong kết quả nghiên cứu; hay yêu cầu cơ sở nhập khẩu, kinh doanh cũng phải lưu hồ sơ của cơ sở sản xuất; và cả yêu cầu doanh nghiệp phải nộp cả tiêu chuẩn và “phương pháp kiểm nghiệm” trong khi “phương pháp kiểm nghiệm” là do cơ sở kiểm nghiệm quyết định và còn một số quy định ngoài luật ATTP như ngừng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.