THỬ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP CHO TÌNH TRẠNG GIAN LẬN MÃ SỐ VÙNG TRỒNG SẦU RIÊNG
*Bài viết từ chuyên gia Phạm Ngọc Hưng
Trong vài ngày qua, báo chí trong nước bắt đầu viết về chuyện gian lận mã số vùng trồng sầu riêng. Điều đó có nghĩa rằng tình trạng đã trở nên đáng báo động, chứ việc gian lận đã xảy ra ngay từ khi chữ ký trên nghị định thư kiểm dịch sầu riêng chưa khô mực.
Lý do vì nghị định quy định chỉ cấp mã cho vùng trồng có diện tích liền thửa tối thiểu 10 hectare, và phải là vườn sầu riêng chuyên canh. Trong khi đó, diện tích trung bình của các vườn sầu riêng ở cả 2 vùng trồng trọng điểm là miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên đều dưới 2 hectare, phổ biến là dưới 1 hectare. Ở vùng trồng Tây Nguyên, có một phần khá lớn vườn sầu riêng đang thu hoạch là vườn xen canh với cà phê.
Điều này dẫn tới thực tế là các mã vùng trồng thường cấp chung cho nhiều vườn liền thửa, và có một số lớn vườn sầu riêng không được cấp mã. Nhiều vườn dùng chung một mã khiến việc quản lý mã khó khăn, sự thực là không thể ngăn được việc một số chủ vườn cho mượn mã, hoặc khai gian sản lượng để cho anh em họ hàng sử dụng nhờ mã của mình. Việc “mượn” mã vùng trồng đang là phổ biến, từ đó dẫn tới tùy tiện và nhích thêm một bước thành gian lận là dễ hiểu.
Vậy có cách nào để ngăn chặn tình trạng đó?
Cách ngăn chặn căn bản nhất là đàm phán lại điều kiện cấp mã vùng trồng để các vườn xen canh cũng có thể tham gia. Hiện tại vườn chuyên canh trồng chừng 120—145 gốc sầu riêng, và nếu đàm phán bổ sung để cấp mã cho các vườn liền thửa có 60 gốc mỗi hectare là giải quyết được tình trạng da beo, để từ đó giảm đáng kể tình trạng cho mượn mã.
Biện pháp thứ hai, cho dù có đàm phán được với phía Trung Quốc hay không, là trao quyền quản lý mã cho nông dân. Việc trao quyền này phải chính thức hóa bằng cách yêu cầu mỗi nhóm sử dụng chung 1 mã vùng trồng phải cử ra một trưởng nhóm chịu trách nhiệm về việc chứng thực mã mỗi khi một thành viên trong nhóm thu hoạch vườn. Như thế, quy trình truy xuất nguồn gốc từng lô sầu riêng xuất khẩu đều phải có chữ ký của trưởng nhóm, thay vì truy xuất chỉ trả kết quả ra mã vùng trồng hiện tại.
Chỉ khi thực hiện việc trao quyền như thế, thì người nông dân mới có ý thức về bảo vệ mã vùng trồng của mình. Và chỉ khi họ ý thức bảo vệ mã vùng trồng là bảo vệ chén cơm của mình, thì mới giảm được tình trạng sử dụng mã tùy tiện, và khi đó việc gian lận mới có thể dễ dàng bị phát hiện và trừng phạt.
Còn nếu không làm tốt việc trao quyền để ngăn chặn ngay từ gốc, thì tăng cường giám sát và phạt ở các cơ sở đóng gói chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa" mà thôi. Nói một cách khác, một khi dân không phục thì họ sẽ đối phó, và cơ quan quản lý sẽ rất khó đối phó với thái độ đối phó của dân.