(Bài 1 tưởng nhớ nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên- Trích bài viết của chị Phạm Chi Lan đăng trên “Người Đô Thị” )

Ông Trần Đức Nguyên trả lời phỏng vấn của báo chí (ảnh báo Dân Trí)All reactions:1515

…Năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định thành lập Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ. 61 chuyên gia trong Nam ngoài Bắc, trong đó có 3 chuyên gia người Việt ở nước ngoài, được Thủ tướng mời tham gia Tổ Tư vấn để giúp Thủ tướng trong việc nghiên cứu, đề xuất, đóng góp ý kiến về các đường lối, chính sách đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

Năm 1996, Thủ tướng quyết định tổ chức lại Tổ Tư vấn, thu hẹp về nhân sự, và tôi được mời tham gia Tổ Tư vấn mới này.

Năm 1997, Thủ tướng Phan Văn Khải lên thay Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ Tư vấn.

Năm 1998, Tổ Tư vấn được nâng cấp thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, tên tiếng Anh gọi tắt là PMRC (Prime Minister’s Research Commission). Sau khi nghỉ hưu ở VCCI, từ tháng 5/2003, tôi trở thành thành viên chuyên trách ở PMRC, cho đến khi Thủ tướng Phan Văn Khải nghỉ hưu và PMRC được giải thể cuối tháng 7.2006.

Quan trọng nhất, tôi học được ở anh Nguyên và các anh tinh thần tận hiến cho sự nghiệp chung, lòng yêu nước cao cả, sự trung thành tuyệt đối với lợi ích của dân tộc, của nhân dân, sự tỉnh táo, nhạy bén trong công việc và đức tính khiêm nhường nhưng cũng rất mạnh mẽ, thẳng thắn, can trường trong xử lý mọi việc.

Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan văn Khải. Ông Trần Đức Nguyên đứng thứ ba, hàng đầu, từ trái qua. Bên cạnh là bà Phạm.Chi LanAll reactions:3030

Tổ Tư vấn và PMRC cho tôi cơ hội hiếm có để được làm quen, làm việc với những con người tuyệt vời nhất đối với tôi. Dù đã có những dịp gặp và làm việc với các anh Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương, Vũ Quốc Tuấn... trước khi tham gia Tổ Tư vấn, nhưng từ khi tham gia Tổ, tôi có thêm bao nhiêu “phát hiện” mới về các anh, đồng thời làm quen với một số anh khác cũng rất tuyệt vời như Đào Xuân Sâm, Nguyễn Thiệu, rồi Nguyễn Trung, Nguyễn Ký...

Tôi thực sự thán phục các anh về tư duy hết sức mới mẻ, nhiều điều đi trước bao người khác, về khả năng đọc và học liên tục với hiệu suất cao, khả năng trình bày, tranh luận và bảo vệ những ý tưởng đúng đắn, sáng tạo, khả năng lắng nghe và tiếp nhận những điều hay lẽ phải... Về tài viết, anh Nguyên được mọi người trong Tổ công nhận là cây bút xuất sắc nhất, với khả năng tổng hợp cao, cách diễn đạt mạch lạc, văn phong sang, và khi cần thì vừa viết hay, vừa “lách” giỏi, để khéo léo đưa những ý tưởng, ngôn từ cần thiết vào các văn bản mà không bị “thổi còi”.

Trong biết bao cuộc họp, tọa đàm, tranh luận về các vấn đề phát triển, những ý kiến các anh trong Tổ đưa ra luôn rất phong phú, toàn diện từ nhiều góc độ, và luôn có thể bổ sung cho nhau, làm rõ thêm các khía cạnh cả về lý thuyết lẫn thực tiễn, để rồi cuối cùng rút ra được những kết luận chính yếu về việc các chính sách và giải pháp của chính phủ cần phải đạt mục tiêu gì và làm như thế nào để giải quyết vấn đề được đặt ra. Và trong hầu hết các trường hợp, hai anh Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương thường là người được mời nói lời sau cùng, với sự tổng hợp, tóm lược các ý kiến không thể nào hay hơn. Rồi việc chắp bút để hình thành báo cáo gửi Thủ tướng thì gần như bao giờ cũng thuộc về anh Nguyên.

Ở Tổ Tư vấn hay PMRC, một trong những mảng công việc nặng và vất vả nhất là viết các báo cáo, diễn văn cho Thủ tướng để trình bày trước Quốc hội và trong các dịp khác nhau. Anh Nguyên là người đảm nhận nhiều nhất phần việc này. Thông thường, bao giờ cũng có hội ý trong một nhóm thành viên có trách nhiệm về những nội dung liên quan, để cùng nhau bàn bạc, phác thảo đề cương và những nội dung chính cần đưa vào. Anh Nguyên thường đưa ra đề dẫn trước, mọi người góp ý thêm, rồi gút lại để anh Nguyên chấp bút. Mỗi năm cũng phải có vài dịp anh Nguyên phải làm việc thâu đêm ở cơ quan, rồi ngủ ngay trên bàn làm việc, để kịp hoàn thành bài viết cho lãnh đạo. Cũng may anh có sức khỏe tốt và bộ óc rất tinh tường để có thể làm việc với cường độ cao, mà sau mỗi đợt làm như thế, chỉ cần vài séc bóng bàn vào cuối buổi chiều đã có thể giúp anh tươi tỉnh, bắt tay vào công việc hằng ngày như thường!

Điều cuối cùng, tôi chỉ có thể nói rằng, với tôi, các anh Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương là những người Thầy, người Anh, người Bạn lớn mà tôi suốt đời mang ơn và không bao giờ có thể quên.

Cho đến nay, nhìn lại cả quãng đời đi học và làm việc, kể cả sau khi nghỉ hưu tới bây giờ, tôi thấy rõ anh Trần Đức Nguyên cùng anh Trần Việt Phương là hai người tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất, giúp tôi trưởng thành nhiều nhất.

TẦM NGHĨ LỚN & SỐNG ĐẸP CỦA MỘT NHÀ NGHIÊN CỨU