Bạn thân mến. Bạn xem hình dưới đây, sẽ thấy đây là một panel lý thú. 2 diễn giả, 2 host. Diễn giả là chuyên gia cao cấp của Hoàng gia Thái. Ông Thapana Boonlar là Chủ tịch Hội đồng cố vấn về chiến lược phát triển OTP của Hội đồng cố vấn phát triển kinh tế của Hoàng gia Thái. Còn ông Watcharapong là chủ tịch HH OTOP toàn Thái Lan. Chị Mai Liên, giảng viên đại học RMIT giúp chuyển ngữ tiếng Thái còn chị Nguyễn Phi Vân là host chính.
Đây là câu chuyện nâng cao giá trị trái Sa-pô-chê đạt giải nhất cuộc thi OTOP Thái Lan qua lời kể của ông Watcharapong, chủ tịch hiệp hội OTOP Thái Lan tại phiên khai mạc Mekong Connect 2024 hôm qua 17/12/2024. OTOP là viết tắt của One Tumbon One Product - Mỗi quận một sản phẩm, học tập từ Chương trình OVOP của Nhật Bản - One Village One Product - Mỗi làng một sản phẩm nhằm phát triển các sản phẩm bản địa và văn hóa làng nghề. Hiện Việt Nam cũng đã triển khai một chương trình học tập tương tự mang tên OCOP - One Commune One Product - Mỗi xã một sản phẩm.
Quay lại với quả hồng xiêm, ông Watcharapong kể rằng hồng xiêm là quả mà người dân ở một làng Thái hầu như bỏ đi, không sử dụng. Nếu có bán thì giá 1 kg cũng chỉ 7 baht. Khi đăng ký vào chương trình OTOP, dưới sự cố vấn của ban cố vấn OTOP, quả hồng xiêm đã được thay xiêm đổi áo. Ban đầu, người ta không làm gì, chỉ tạo ra một chiếc hộp với bao bì mang tính tự nhiên, thân thiện với môi trường, đặt trái hồng xiêm vào đó, kể câu chuyện cái làng trồng hồng xiêm cả trăm năm, câu chuyện của cộng đồng người dân và kế sinh nhai của họ qua hàng trăm năm thế nào rồi mang y sì trái hồng xiêm tươi như vậy vào các kênh hiện đại bán thay vì cân ký ngoài chợ như ngày xưa. Kết quả là, với câu chuyện lịch sử và văn hóa bản địa được gói ghém trong bao bì bắt mắt, giá 1 kg hồng xiêm đã tăng lên gấp 10 lần.
Chưa dừng lại ở đó, hồng xiêm lại tiếp tục được cố vấn làm thành kem. Đương nhiên, các phòng lab để phát triển thực phẩm bản địa trong hệ thống OTOP là do chính phủ Thái đứng ra đầu tư cho người dân. Sau thời gian được cố vấn và nghiên cứu, kem hồng xiêm đã ra đời với bao bì đẹp, chất lượng tốt và đương nhiên với câu chuyện văn hóa bản địa đầy cảm hứng. Thế là, giá trị của hồng xiêm được chế biến bây giờ cao hơn gấp cả 100 lần. Dự án này cũng đã đạt giải nhất cuộc thi OTOP Thái Lan năm 2024. Và đó cũng chỉ là một trong những câu chuyện thành công trong việc giữ gìn và phát triển sản phẩm và văn hóa bản địa.
Thái Lan hiện đang có hơn 208 ngàn sản phẩm OTOP. Trong đó top 5 ngành hàng chiếm vị trí quan trọng nhất bao gồm thực phẩm với hơn 79.000 sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ với hơn 52 ngàn sản phẩm, dệt may với gần 40 ngàn sản phẩm, thảo mộc với hơn 26 ngàn sản phẩm, và thức uống với hơn 10 ngàn sản phẩm. Là một dự án gắn liền với vua King Bhumibol Adulyadej trong thời gian ông tại vị, dự án sau này đã được chính phủ Thanksin nâng cấp thành dự án OTOP với mục tiêu phát triển kinh tế cơ sở, giúp người dân thoát nghèo, sống sung túc hơn bằng cách phát triển kế sinh nhai dựa trên tài nguyên bản địa. Đến nay, chương trình đã đạt được những thành công đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, phát triển và xúc tiến sản phẩm OTOP không phải là chuyện dễ. Các sản phẩm bản địa, được sản xuất theo kiểu thủ công nhỏ lẻ thường không đủ chất lượng để đi vào các kênh phân phối lớn, hiện đại, và đương nhiên rất khó để có thể cạnh tranh được với các ông lớn tập đoàn. Vì vậy, ngoài việc phải liên tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, rất cần có những tiêu chuẩn chứng nhận cho sản phẩm được công nhận bởi các bên phân phối và bán lẻ. Bên cạnh đó, rất cần xây dựng các kênh bán hàng phi truyền thống giúp lan tỏa và xúc tiến các sản phẩm bản địa một cách hiệu quả hơn. Theo ông Watcharapong, riêng sản phẩm OTOP của Thái hiện đã xây dựng hệ thống 14 kênh phân phối.
Theo ông Thapana, cố vấn chương trình OTOP cho hoàng gia Thái thì chương trình này thành công là nhờ sự dẫn dắt và đầu tư của chính phủ Thái trong suốt thời gian triển khai. Nếu không phải nhờ sự dẫn dắt và đầu tư của chính phủ thì việc copy một chương trình tương tự với hình thức khác tại một quốc gia khác sẽ rất khó để thành công. Cuối cùng, việc phát triển sản phẩm bản địa dù là OTOP, OVOP hay OCOP đi chăng nữa, vấn đề luôn luôn nằm ở việc phát triển kênh phân phối, kênh xúc tiến bán hàng. Nếu bán không được thì dù câu chuyện có hay đến cỡ nào, sự nhiệt thành trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa bản địa có cao đến cỡ nào rồi cũng có lúc bó tay. Vì vậy, chính phủ Thái xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm OTOP gắn liền với chiến lược phát triển sản phẩm du lịch quốc gia và địa phương, xúc tiến tại các chương trình kinh tế cận biên và đương nhiên qua các kênh ngoại giao của chính phủ Thái tại nước ngoài. Chương trình làm tôi hứng thú nhất có lẽ là sự hiện diện hấp dẫn của khu vực OTOP tại các lễ hội lớn về du lịch của Thái Lan. Ngoài ra, họ còn tổ chức mỗi năm 3 lễ hội OTOP lớn mang tính quốc gia. Là người rất yêu các sản phẩm bản địa, chuyện đầu tiên tôi có thể nghĩ đến khi nghe về những sự kiện này là book vé để đi tham quan.
Đương nhiên, học tập từ mô hình thành công của một quốc gia khác là quan trọng. Vấn đề là, chúng ta có thể làm gì để ứng dụng những bài học này vào việc phát triển chương trình OCOP của Việt Nam. Có hay chăng giấc mơ về một chiến lược mang tầm quốc gia để xây dựng kinh tế cơ sở và hỗ trợ phát triển các sản phẩm bản địa Việt Nam như cách người Thái đã làm?
(Bài share lại của chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân)