Chiều nay, 15g ngày 12.12.24- thầy Minh Tuệ đã đặt chân vào đất nước Lào- để tiếp tục hành trình tu tập Hạnh đầu đà.
Thầy sẽ đi qua 5 quốc gia để đến đất phật Ấn độ.
Cảm nhận sau đây của nhà thơ (nhà nghiên cứu) Phạm Hiền Mây đã nói giùm mình nhiều điều…
“Khác rất nhiều với những ngày sư Minh Tuệ còn bộ hành trên đất nước, quê hương mình, lần này, chỉ trong hai mươi giây vô cùng ngắn ngủi, tôi nhìn thấy trong đôi mắt sư, trong giọng nói sư, sự xúc động đến khôn cùng.
Không ai biết trước được ngày mai. Nhất là một ngày mai nơi xứ người, xa xôi vạn dặm.
Sư từng trả lời nhiều lần trong các cuộc phỏng vấn khác nhau, chưa bao giờ thay đổi: thân kể bỏ; khấn nguyện bộ hành trọn đời; khấn nguyện khất thực, ăn chay ngày một bữa, trọn đời; không chùa, không đệ tử, không tiền, không tài sản.
Chỉ ba y, một bát.
Không hơn, không kém.
Sau nhiều ngày vạn bất đắc dĩ, hôm nay, sư Minh Tuệ lại được sải đôi chân trần trên đường trường. Ngài đắp trên người bộ y rất cũ, dưới gấu, phất phơ một rẻo mục, chắc cũng mới vừa bị xước rách.
Phía sau lưng sư nhìn tới, tôi như nghe được bước chân ngài đang reo vui. Tâm nguyện của ngài, đã được Đức Phật độ trì cho như ý.
Trước khi đặt bước chân đầu tiên vào nước Ai-Lao (Lào), sư Minh Tuệ quay lại nhìn mọi người, tay chắp lên ngực, nói lời chào cuối - con mong mọi người hạnh phúc nhỉ - với khuôn mặt rất xúc động, vừa như ý thức, mình từ đây, đã thực sự rời xa quê hương, bản quán, để bước vào một hành trình diệu vợi, không đoán được ngày trở lại; vừa là niềm vui khó thể giấu, của cánh chim tự do, tung bay tìm về vùng trời ước ao, mà nơi đó, có thể sẽ cho sư, hoàn thành được hạnh nguyện lớn lao nhất trong kiếp người này của sư”.
Và đây, một đoạn viết rất ngắn của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, theo mình, là đoạn cảm nhận quan trọng nhất..
“Tương tư như trước đây, lúc sinh thời Ôn Tuệ Sỹ thường dạy, hành giả Minh Tuệ cũng để lại cho mình những bài học cụ thể và thực tế :
- Bình thản trước mọi thị phi ...
- Dũng cảm đương đầu trước mọi khó khăn ...
- Kiên định với cách sống đã chọn ...
Bình thản trước thị phi, chê khen của người khác là bài học khó nhất, vì chắc chắn, ai cũng thích được khen ngợi, động viên, không ai muốn bị chê bai, trách mắng ... người học thức cao đến người bình thường, ít học đều như vậy. Bị tác động theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực trước thị phi là hoạt động của bản ngã, là sự xúc chạm tới "cái tôi" của mỗi người, và là nguyên nhân của mọi hành vi không đáng (giận dữ, tự ái hoặc kiêu mạn, chủ quan ...).
Dũng cảm đương đầu với khó khăn.
Dĩ nhiên, mình không thể chân trần, ba y, một bát, cất bước vô định, chưa thể rũ bỏ mọi ràng buộc, vì "nợ" trần đúng nghĩa, đời này phải trả.
Học Phật, học từ Ôn Tuệ Sỹ, từ hành giả Minh Tuệ không nhằm cầu giải thoát (điều đó còn xa lắm lắm), mà học để biết nhìn rõ bản thân mình, biết nguyên nhân khó khăn từ đâu tới, để có khả năng bình tĩnh vượt qua, mà không rơi vào tình trạng "bế tắc" và rõ ràng, không phải tự nhiên mà bạn bè giang tay giúp đỡ !
Tấm gương của Ông trước đây và bây giờ là hành giả Minh Tuệ, cho thấy mình đã đi con đường đúng !
Đó là con đường rất khó đi và rất dài ... Nó khó vì bản chất của nó là tự rèn luyện, rất dài vì nó không chỉ trải một kiếp này ...!”
Ghi nhận của nhà báo Mai Quốc Ấn.
Vâng, như vậy, “đầu đà Minh Tuệ và hòa thượng Minh Trí bắt đầu chuyến hành trình về đất Phật. Địa điểm trong ảnh là con đường sang Lào ở cửa khẩu Bờ Y (Kontum).
Người đã đi. Nhưng còn để lại một đức tin rằng trên đời này vẫn có người có thể kiên trì với tín niệm của mình để vượt những ngưỡng mà tuyệt đại đa số phàm nhân không làm được. Để lại một tinh thần “ai ghét con thì con cũng mong họ thành Phật” đầy từ bi và trí huệ”.