Cô con gái của bạn tôi, 14 tuổi, một Việt Kiều Mỹ, sinh ra ở Mỹ, lớn lên, đi học trường Mỹ, vừa về quê chơi. Cháu được gia đình giáo dục rất nghiêm chuyện tiêu tiền, tiết kiệm, mua gì cũng xem có “đáng tiền” không, nguồn gốc món hàng ổn không. Cháu vừa nhắn cho tôi: “ Con mới ăn một cái bánh giò 15 ngàn trước khi bay về Sài Gòn, rất no và ngon. Sân bay không có cắt cổ con được đâu”.

Tôi tức cười quá. Tôi nghĩ tới cái bánh giò bốc khói, thơm mùi nấm mèo pha thịt băm vừa miệng, thật sự là ngon. Và tôi nghĩ ngay đến món xôi miền Bắc, bao giờ ra phi trường, tôi cũng ghé mua dọc đường, xôi bắp, xôi đỗ đen, xôi xéo thật ngon (nếp Bắc thì khỏi chê) chỉ có 10 ngàn. Chỉ có mười ngàn nhé, nếu mình thêm đậu xanh hay thịt chà bông thì 15 ngàn, tôi mới ăn tuần trước. Tôi không định đem mức giá này vào phi trường. Nhưng tôi vẫn khó chịu và kinh ngạc với giá tô phở 200 hay 250 ngàn. Dĩ nhiên họ tính giá theo bên Mỹ, chưa tới 10 đô?

Ở sân bay Thái, tôi cũng vừa đi về hai tuần trước, họ bán cơm và các bữa ăn, thật ngon mà giá thật hợp lý. Đó cũng là điều gây thiện cảm thu hút du khách, ai làm du lịch có biết vậy không?

Nhà hàng bán thực phẩm ngon và giá hợp lý ở phi trường Bangkok
Hình ảnh bên trong nhà hàng ở phi trường Bangkok

Ở các sân bay quốc tế khác cũng có hai lọai hàng: cà phê hay thực phẩm ăn dọc đường, giá hợp lý. Còn hàng sang giá trên trời, chẳng có sân bay nào thiếu. Luôn có những thương hiệu deluxe hàng đầu, đắt tiền kinh vì “đóng dấu uy tín thương hiệu”.

Sân bay Việt Nam, nhiều khi tôi đứng nhìn những khách hàng bình dân của Vietjet, vẫn bị nện thẳng tay và thường thì họ bước vào rồi lui ra. Có kinh nghiệm hơn thì họ mang sẵn chai, hứng nước sạch cung miễn phí, chứ tiền đâu mà phí 200 ngàn cho tô phở.

Xã hội tiêu dùng đang thay đổi trên cả thế giới. Cực sang vẫn là cực sang. Sang cực ở Việt nam vẫn là hết sức sang mà… hết sức cực! Khi những cô gái mới lớn phải đi vay mượn để đi thuê những bộ cánh sang nhất, của thương hiệu đắt tiền nhất (để khẳng định đẳng cấp mình) thì con cái của những gia đình khá giả bên Mỹ, bên Tây lại đang làm khác, nghĩ khác do được gia đình giáo dục một thứ luân lý khác. Các gia đình giáo dục con như vậy thì các nhà marketing và sale ở sân bay có biết không, có được giáo dục thế không?

Cô gái tôi kể trên không muốn tiêu hơn 15 ngàn cho bửa ăn tạm lên máy bay nhưng cô lặng lẽ dành nhiều triệu đồng góp học bổng cho các cháu miền núi.

Tôi ngẫm nghĩ nhiều về lớp trẻ mới “khó tính” này. Ba của cháu có lần nói với tôi là anh vẫn thường đưa cháu đi mua sắm ở chợ trời hay đi mua hàng giảm giá. Hai cha con hào hứng khi cùng lựa được những món độc đáo, đặc sắc với giá hợp lý. Mới đầu tôi trêu bạn, ông hà tiện vừa thôi, thì anh nghiêm mặt. Không, tôi nghĩ đó là rèn “kỹ năng sống” cho cháu.

SỢ BỊ BÓP CỔ?