
(Bút ký thị trường- PHAN TƯỜNG)
Trong khi doanh nghiệp Việt đang tập trung bàn luận và “hóng” tin tình hình đàm phán về mức thuế mà Hoa Kỳ áp cho hàng nhập khẩu Việt rất cao thì nhóm chuyên gia thị trường của BSA vẫn miệt mài đi sát tình hình bán hàng ở vùng ven và nông thôn bởi ở đây đang có những thay đổi bất ngờ và thú vị…Thực tế đang diễn ra là xu hướng mua bán hiện đại của Việt Nam cũng đang dịch chuyển về nông thôn.
Thương mại hiện đại (Modern Trade)(MT) lâu này được cho là chuyện ở thành thị, còn nông thôn là xứ sở của thương mại truyền thống (GT). Không đúng nữa, các bạn ơi. Có những chuyện hay mà phải đi đến nơi mới thấy hết cái thú vị của nó. Và nay sau chuyến công tác mới diễn ra cuối tuần qua, tôi hào hứng kể chuyện mới cho các bạn nghe. Tôi có dịp may là trong 3 tháng đầu năm đã thực hiện hơn 5 chuyến khảo sát thị trường ở các vùng nông thôn trên cả nước, và bài ghi nhận này là kết quả tai nghe mắt thấy về chuyện bán hàng ở nông thôn như thế.
ECOMMERCE-THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐÃ BẮT ĐẦU TRONG THỰC TẾ NHƯ THẾ NÀO?
Sau Tết Ất Tỵ, tôi có dịp về xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Một vùng nông thôn còn nghèo. Tôi thăm chợ xã nơi được xem là mua bán sầm uất nhất địa phương. Trong các điểm bán ghé thăm, tôi đặc biệt chú ý đến một cửa hàng tạp hóa nơi có một cái kệ lớn chất đầy các gói hàng được gói theo kiểu cách quen thuộc của Shopee, Lazada, Tiki.
Ngạc nhiên quá vì không nghĩ ở đây người dân lại đã tiếp cận với dịch vụ này. Trò chuyện xong với chủ shop mới đúng là "sáng mắt" thật. Hóa ra để giữ chân khách hàng và tạo thêm nhiều mối ruột, chị chủ shop (có được người em gái ở Tp Đồng Hới "huấn luyện" về mua sắm trên mạng), chị chủ shop đã "truyền nghề" cho nhóm khách hàng trong thôn về cách thức đặt hàng trên mạng. Ban đầu chủ shop đặt hàng giùm khách trong thôn rồi nhờ địa chỉ em gái trên thành phố nhận dùm, ít lâu sau, khi đã rành rọt chị xài luôn địa chỉ cửa hàng hiện tại. Giờ đây hàng trăm khách quen của chị đã nhờ chị tiếp cận và mua hàng trên các trang mạng thường xuyên. Chị tích cực thông tin khi nhận được các chương trình khuyến mãi, hay thấy các mặt hàng hay hay mà ở địa phương chưa có. Cao thủ hơn, chị còn ứng tiền nhận hàng dùm COD. Kết quả của "dịch vụ" này là cửa hàng chị trở thành điểm đến số 1 trong thôn.

Trao đổi với các bạn giám sát bán hàng của các công ty lớn tại Quảng Bình thì hiện nay phong trào mua sắm online tại nông thôn vùng sâu phát triển rất nhanh nhờ cách thức “truyền miệng” như vậy. Chứ không phải nhờ quảng cáo theo kiểu thông thường. Người dân nông thôn vốn thận trọng nên khởi đầu, họ thường làm theo nếu thấy ai đó trong cộng đồng "làm mẫu" trước. Với chị chủ shop trên, cái lợi của chị không chỉ là có nhiều khách hơn mà chị đã tạo được một cộng đồng nho nhỏ qua zalo, nơi mà chị có thể nhờ đó bán được hàng trên app. Giờ đây khách của chị mua hàng có thể nhắn luôn trên ứng dụng và chồng chị sẽ giao tận nhà. Ecommerce nông thôn đã và đang bắt đầu rất thực tế như vậy.
SIÊU THỊ NHỎ CỦA CÁC ÔNG BÀ CHỦ TRẺ Ở NÔNG THÔN ĐANG “ÂM THẦM” BÙNG NỔ
Đọc các báo cáo từ các công ty nghiên cứu thị trường, tôi thấy các siêu thị nhỏ (minimart) đến nay hầu như chỉ được đề cập ở các vùng thành thị. Tuy nhiên trong quý 1/2025, được chia sẻ hết sức tận tình của một số anh chị là giám đốc bán hàng tại một số doanh nghiệp FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) lớn, chúng tôi đã có những “sự thật” rất khác qua các thống kê khá chính xác. Vì sao nói các số thống kê là khá chính xác? Vì mỗi giám đốc bán hàng các doanh nghiệp đều có con số riêng nhưng đáng mừng là tôi tự tay so thì số chênh lệch nhau không quá 10%. Đây là số liệu thống kê từ hàng nghìn nhân viên bán hàng đã và đang làm việc tại các tuyến bán hàng nên có thể tin cậy được.
Và con số này có ý nghĩa lớn theo đánh giá của chúng tôi. Vì sao? Thử làm một phép tính đơn giản thì con số này đâu đó tương đương với số siêu thị của Winmart+ và Bách Hóa Xanh cộng lại. Biết rằng không thể so sánh với hai ông lớn này về cách thức vận hành, nhưng khu vực nông thôn mà có một lượng cửa hàng lớn được nâng cấp như vậy thì quả là một bước tiến của hệ thống phân phối hết sức đáng khích lệ. Nó thể hiện cho việc tiểu thương nông thôn của mình thức thời thế nào, chịu khó ra sao.
Chỉ từ đầu năm 2025 đến nay, bản thân tôi trải nghiệm mô hình này rất nhiều lần trong những chuyến công tác. Đi vào một xã, hầu như gặp vài siêu thị như vậy là không hiếm. Đa số được quản lý bởi những ông bà chủ rất trẻ, những con người không phải xem việc bán tạp hóa là việc làm “nông nhàn” mà đó là một sự nghiệp kinh doanh rất nghiêm túc. Chính họ chứ không ai khác đã và đang góp phần làm THAY ĐỔI BỘ MẶT NÔNG THÔN. Chẳng vậy mà những doanh nghiệp của nước ngoài hay có vốn đầu tư của nước ngoài của các CT hàng tiêu dùng nhanh hàng đầu đã và đang lùng sục và phục vụ cực kỳ chu đáo nhóm khách hàng vùng này. Nếu bạn để ý kỹ thì tỷ lệ hàng thuần Việt ở đây yếu hơn hẳn những cửa hàng thông thường. Và cũng không quên rằng chính những cửa hàng hiện đại này đã và đang dẫn dắt xu hướng bán hàng ở nông thôn.
Như vậy phải chăng đang có sự cảnh báo các doanh nghiệp Việt: coi chừng chậm chân trong cạnh tranh thị phần ở các vùng ven và nông thôn khi loại hình phân phối mới (siêu thị nhỏ) đang bắt đầu phát triển? Và đó lại cũng chính là cơ hội của các công ty hàng tiêu dùng vừa và nhỏ của Việt Nam.
PS. Phải khoe với các bạn. Chuyện thuế nhập vào thị trường Hoa Kỳ ắt ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp Việt. Nhưng lúc này, bám chắc thị trường nội địa là hết sức quan trọng với chúng ta.
Thứ sáu cuối tuần này, 11/4/2025, Trung tâm BSA vẫn họp doanh nghiệp để cung cấp thông tin và thảo luận tình hình thị trường các quý còn lại của 2025 và tiến hành một chương trình thiết thực nâng cao kỹ năng bán hàng của DN trong tình hình mới. Ngày 23, 24/4, các chuyên gia “thực chiến” của BSA sẽ đi huấn luyện “trade marketing” cho DN An Giang, như hợp đồng đã ký tại Mekong Connect vừa qua.
Bám cho chắc, giữ thật vững thị trường nội địa là việc không phút lơ là, các bạn ơi.