SHEIN - TEMU ĐÁNH NHAU VÀ…HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA
Hai cái tên Shein và Temu kể ra cũng dễ đọc dễ nhớ. Và chúng đã trở nên rất quen thuộc với người tiêu dùng Hoa Kỳ, châu Âu và Đông Nam Á, dĩ nhiên có cả Việt Nam rồi. Cuộc chiến pháp lý giữa hai nền tảng thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc này vẫn đang tiếp tục leo thang tại Mỹ. Vào ngày 19-8, Shein đã để đơn kiện Temu là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bán hàng giả, và gây nhầm lẫn cho khách hàng bằng mô hình kinh doanh bất hợp pháp. Ngoài ra, Shein còn tố cáo một nhân viên của Temu đã đánh cắp bí mật thương mại.
Temu phản bác mạnh mẽ các cáo buộc này, và điều buồn cười là Temu cho rằng Shein lại lấy chính những cáo buộc tương tự mà Shein bị các hãng lớn như Uniqlo và H&M kiện họ.
Hay nhỉ? Thế là cả hai đang ra sức “vạch áo cho người xem lưng” khi cả hai đang đối mặt với nhiều rào cản pháp lý, từ vấn đề sử dụng lao động cưỡng bức đến an toàn sản phẩm và vi phạm quyền riêng tư.
HỌ BỘC LỘ NHIỀU VẤN ĐỀ TIÊU CỰC QUÁ NÓNG…
Vâng, chuyện hai nhà bán lẻ này kiện nhau kịch liệt thì thực tế đã được những người am hiểu mô hình kinh doanh này dự đoán từ trước. Bên cạnh câu chuyện cạnh tranh thông thường giữa hai đối thủ trực tiếp, như Apple và Samsung, thì bản thân mỗi bên hiện trong quá trình phát triển quá nóng, đã và đang bộc lộ rất nhiều vấn đề có thể khiến cho bên còn lại hoặc đối thủ có thể kiện được. Từ cách họ kiểm soát chuỗi cung ứng theo mô hình nhà cung cấp độc quyền, thả nổi việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào đến khâu thiết kế, tiếp thị… đâu đâu cũng có thể thấy rõ lí do dẫn đến các vụ kiện.
Tuy vậy, người ta cũng không quá quan tâm đến kết quả hàng loạt cáo buộc lẫn nhau của họ, cái mà người ta quan tâm chính là những hành động tương lai của các chính phủ, cơ quan hành pháp tại các quốc gia mà Temu & Shein đang kinh doanh, trong đó đặc biệt là Mỹ, Châu Âu, nơi mà luật chống độc quyền, luật cạnh tranh và những rào cản để bảo vệ nền sản xuất, thương mại được thực thi rất nghiêm ngặt. Đầu tiên phải nói đến Mỹ, khi mà “yếu tố Trung Quốc” của Temu, Shein là quá rõ ràng, chẳng qua lúc này người Mỹ đang có mối quan tâm khác là bầu cử mà thôi.
Các luật sư nói rằng: cả Shein và Temu đã khôn khéo tận dụng qui định “mức tối thiểu” được miễn thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ (miễn cho hàng nhập có giá trị dưới 800 USD). Nên trong năm 2022, lượng hàng nhập của Temu và Shein đã chiếm tới 30% tổng lượng hàng nhập vào Hoa Kỳ.
Bản thân Temu & Shein cũng thấy rõ nguy cơ do các vi phạm của mình, như một nhận xét của một tổ chức tư vấn luật thì so với Tiktok khi phải điều trần trước quốc hội Mỹ thì những vi phạm tiềm năng của Temu & Shein “rõ ràng, dễ nắm bắt” hơn nhiều. Temu & Shein một mặt kiện cáo om sòm nhưng bên trong họ cũng ráo riết kiện toàn mô hình vận hành để thích nghi nhanh nhất với quy định của hệ thống pháp luật và quản lý thị trường tại Mỹ và châu Âu. Rõ ràng những phán quyết trong tương lai của các chính phủ còn nguy hiểm gấp nhiều lần những cáo buộc qua lại của hai nhà bán lẻ này.
NHỮNG GIẢI PHÁP BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ NỀN KINH TẾ QUỐC GIA…
Trong vòng một năm, Temu, nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, đã nhanh chóng thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á, bắt đầu từ Philippines vào tháng 6-2023, tiếp đến là Malaysia và Thái Lan. Temu sử dụng chiến lược giảm giá mạnh, lên đến 90%, để thu hút người tiêu dùng, gây ra những phản ứng trái chiều từ cả khách hàng lẫn doanh nghiệp
Chủ đề “làm sao để đối phó hàng giá rẻ Trung Quốc” có lẻ lúc này không còn là chuyện của một doanh nghiệp, một ngành mà đã là chủ đề quan tâm, hành động của một quốc gia, không quá sớm khi nói là chuyện…toàn cầu.
Hiện tượng Shein & Temu chỉ là điều giúp người ta thấy nó nhanh hơn, nghiêm trọng hơn mà thôi. Người ta còn nói đùa với nhau rằng: nếu chịu khó kiếm trong đống đồ của gia đình bạn do đặt hàng online của con cái, vợ/chồng, bố/mẹ… thì rất có thể một sản phẩm của Temu, Shein hay của một nhà bán lẻ Trung Quốc khác đang hiện diện trong nhà bạn rồi. Sự xâm nhập hàng giá rẻ, giá cực rẻ của Trung Quốc chẳng phải là chuyện bên ngoài hàng rào nhà bạn mà đã vào tận giường ngủ của rất nhiều gia đình rồi.
Nên các chính phủ giật mình cũng là lẽ đương nhiên. Ai cũng phải nghĩ cách đối phó với làn sóng này, để bảo vệ người tiêu dùng thu nhập trung bình hay thấp của nước mình cũng như bảo vệ nền sản xuất của quốc gia mình.
ĐIỀU ĐẦU TIÊN LÀ… ĐỪNG MONG CHỜ HÀNG TRUNG QUỐC BỚT RẺ.
Vâng, chúng ta cần thống nhất với nhau một quan điểm là: không nên mong chờ hàng Trung Quốc bớt rẻ đi vì… sẽ chẳng bao giờ có ngày đó cả. Thứ mà chúng ta có thể làm chính là LÀM SAO ĐỂ NGƯỜI TIÊU DÙNG NƯỚC MÌNH, GIÚP HỌ NHẬN RA THỨ HÀNG GIÁ RẺ ĐÓ CÓ ĐÁNG MUA HAY KHÔNG. Đấy mới là điều mà chính phủ các nước hoặc bản thân doanh nghiệp đang bị hàng giá rẻ Trung Quốc cạnh tranh cần nghĩ đến đầu tiên. Với cấp độ quốc gia thì có thêm một vấn đề cần chứng minh: sản phẩm giá rẻ đó có xứng đáng để nhập khẩu vào nước tôi hay không.
MỐI QUAN TÂM VÀ LO ÂU LỚN NHẤT CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG: SỨC KHỎE.
Một ví dụ rất gần. Ba ngày trước đây, kênh Tiktok, chuyên mục 5 phút-Chuyện thị trường có post bài : "Shein gây nguy hiểm cho người tiêu dùng". Chỉ trong 3 ngày, lượng người đọc nay đã là: 2 triệu 700 ngàn người. Chính người kể chuyện này cũng kinh ngạc. Maybe group đã nhanh chóng tổ chức mạng lưới cộng tác viên đọc hết gần 2.800 lời bình luận. Đọc trong báo cáo phân tích gần 3000 ý kiến này, thấy hầu hết và nổi bật là sự hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của mình và gia đình (hầu hết lo lắng là sản phẩm đã được kết luận bởi tổ chức kiểm tra của nước Đức, rằng sản phẩm có chứa các hóa chất có độc tố nhưng chất độc lại ẩn sâu, phát tác lâu dài gây hại cho sức khỏe, chứ không thể phát hiện dễ dàng như một món đồ dùng bị hỏng hóc thì thấy ngay vấn đề kém chất lượng). Như vậy, có bằng chứng sống động để nói, nỗi lo về tổn hại cho sức khoẻ người tiêu dùng mới chính là điều họ quan tâm nhất, không chỉ ở Việt Nam mà là trên toàn cầu. Tin này còn nóng hơn cả việc hai ông này đang đánh nhau chí chóe bên xứ cờ hoa.
Trong lòng người tiêu dùng, thứ quan trọng nhất vẫn là sự an toàn, là sức khoẻ của bản thân và gia đình, sau đó mới đến câu chuyện tiết kiệm. Và một khi họ đã lo lắng thì quyết định KHÔNG MUA có thể diễn ra ngay tức thì, không dễ để thuyết phục họ thay đổi.
Điều này đưa ra một gợi ý cho các chính phủ: cần phải dựng lên nhanh nhất các rào cản kỹ thuật, quy định về chất lượng một cách chặt chẽ để ngăn những sản phẩm giá rẻ kém chất lượng đi vào thị trường, kèm theo đó là một chế tài mạnh mẽ, phạt thật mạnh và kịp thời, truyền thông rộng rãi, có thể tính đến việc kịp thời ngăn cấm kinh doanh của nhà bán lẻ, nhà sản xuất. Trong đó trách nhiệm của nhà bán lẻ cần phải đặt lên hàng đầu vì theo mô hình mới hiện nay, hàng hoá giá rẻ Trung Quốc thâm nhập nhanh và mạnh là nhờ nhà bán lẻ chứ không liên quan đến năng lực nhà sản xuất.
Điểm thuận lợi hiện nay là số lượng các nhà bán lẻ (như Temu, Shein) là ít nên khả năng kiểm soát rõ ràng là dễ hơn so với việc tồn tại hàng chục nghìn, trăm nghìn nhà nhập khẩu thương mại như ở làn sóng hàng Trung Quốc lần thứ nhất (hồi 15 năm trước).. .
AI KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG HÀNG, BẢO VỆ AN TOÀN CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG ?
Việc kiểm soát chất lượng hàng giá rẻ Trung Quốc không nên chỉ trông chờ vào nỗ lực của cơ quan nhà nước mà phải có sự hợp tác rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp, cũng là quyền lợi của các doanh nghiệp. Bởi lẽ cơ quan nhà nước không thể đem hàng chục ngàn mẫu sản phẩm đi kiểm tra, xét nghiệm được mà chính mỗi doanh nghiệp sẽ hiểu rõ nhất sản phẩm đang cạnh tranh với chính mình. Mạng lưới cộng đồng đó sẽ giúp việc kiểm soát chất lượng hàng Trung Quốc hiệu quả hơn rất nhiều. Cần tạo cơ chế thông tin liên lạc giữa DN, các hiệp hội ngành nghề của DN và cơ quan quản lý. Chưa kể một yếu tố khác nữa là: cần đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ cho phép DN, cơ quan quản lý có thể lắng nghe các phản hồi từ người tiêu dùng về các vấn đề trong quá trình sử dụng sản phẩm. Hàng Trung Quốc tận dụng công nghệ để thâm nhập thị trường thì thị trường cũng cần công nghệ để đánh giá, sàn lọc chúng.
Về khía cạnh người tiêu dùng, không thể ngăn cấm họ mua những sản phẩm giá rẻ, chất lượng (họ cho rằng) chấp nhận được. Cũng không nên hiểu là người tiêu dùng ham rẻ, bản chất của chuyện này chính là “value for money”. Lúc khó khăn, thắt chặt chi tiêu họ tìm đến những sản phẩm “đáng tiền”. Doanh nghiệp chỉ có một cách duy nhất là phải chứng minh sản phẩm của mình “value for money” hơn mà thôi.
Cuối cùng vẫn là câu chuyện thương hiệu, thương hiệu của nhà sản xuất với nguồn gốc rõ ràng từ nguyên liệu, đến nơi sản xuất, phân phối và chế độ hậu mãi. Đó là những thứ mà hàng Trung Quốc giá rẻ không có. Nếu có thương hiệu thì chỉ là thương hiệu nhà bán lẻ (Shein & Temu) mà thôi.
VAI TRÒ CÔNG NGHỆ, CHUYỆN SỐNG CÒN…
Ngoài ra nói như một chuyên gia mà nhóm chuyên gia thị trường của BSA thường gặp gỡ, anh nói: “hàng Trung Quốc gây thiệt hại cho mình ra sao thì mình đối phó lại như vậy”, ở đây anh đề cập đến yếu tố CÔNG NGHỆ đã làm nên sự khác biệt hàng Trung Quốc. Doanh nghiệp cũng phải “công nghệ hoá” thôi.
Ý là DN bên cạnh câu chuyện sản phẩm, thì phải mạnh mẽ và quyết liệt chuyển đổi số, áp dụng công nghệ trong bán hàng, tiếp thị để tăng tính cạnh tranh, câu chuyện công nghệ bây giờ là chuyện sống còn. Nếu không làm thì chẳng cần đợi hàng Trung Quốc giá rẻ đến, DN cũng đã chết vì lạc hậu so với mọi đối thủ trên thị trường rồi.
Trước khi trông chờ những giải pháp vĩ mô của chính phủ thì DN phải tự đổi mới, tự số hoá toàn diện thôi. Thực tế trong làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ lần thứ nhất cách đây mấy chục năm, những doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và phát triển thành công cũng là những câu chuyện về đổi mới mà thôi, chỉ có khác lúc đó là đổi mới trọng tâm vào sản xuất, hệ thống bán hàng theo kiểu truyền thống còn bây giờ có thêm chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới nhất vào mọi công đoạn vận hành của DN. Như một DN hàng đầu Việt Nam mới đây đã chia sẻ khi được tôi hỏi về chuyện này, câu trả lời ngắn gọn là: ĐỀ BÀI vẫn vậy thôi, có điều CÁCH GIẢI khác hơn. Người tìm tòi cách giải đó cũng chính là lãnh đạo doanh nghiệp mang tinh thần đổi mới triệt để hơn.
VÀ BÍ QUYẾT SỨC MẠNH BẢN ĐỊA, SỨC MẠNH LÀ NGƯỜI ĐỊA PHƯƠNG.
Tôi tiếp tục đem chủ đề này trao đổi với một lãnh đạo doanh nghiệp thành công khác, câu trả lời cung cấp thêm một khía cạnh thật hay: Hàng Trung Quốc đúng là giá rẻ (và sẽ tiếp tục rẻ), họ rẻ nhưng chưa chắc họ đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của người tiêu dùng địa phương. Điểm mạnh của DN nội địa chính là không ai hiểu người tiêu dùng ngay tại địa phương mình bằng mình, mình phải khai thác triệt để điểm mạnh này. Một ý kiến mới nghe qua có vẻ rất cũ, rất lý thuyết nhưng hoá ra lại đúng vô cùng. Vì trong mọi lãnh vực, buôn bán gì, cạnh tranh gì thì cũng phải hiểu rất sâu, rất rõ, rất căn cơ nhu cầu của người tiêu dùng xung quanh mình, có như vậy mới đưa ra những sản phẩm phù hợp, đáng tiền, đáng mua được. Không làm được điều đó thì hàng Trung Quốc giá rẻ đánh chết mình cũng không oan lắm đâu. Nói ví von thì “người tiêu dùng sân nhà” mình không hiểu thì trách gì đối thủ chơi chiêu này chiêu kia. Đúng là quan điểm đó mới nhìn thì cũ nhưng rất thấm, rất đúng trong hoàn cảnh hiện nay.