“SẬP NGUỒN” KHI ĐANG TRONG CẢNH “THẬP DIỆN MAI PHỤC".
“THẬP DIỆN MAI PHỤC”. Tôi muốn dùng từ này để mô tả tình hình của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, từ DN chỉ kinh doanh trên thị trường nội địa đến chuyên xuất khẩu. Có thể bài này chưa nói đủ những khó khăn đến mức “thập diện mai phục” nhưng cũng khá tiêu biểu (tôi mong các doanh nghiệp – bạn bè tôi- hãy tranh luận hay bổ sung vào ”tình cảnh” này). Tôi xin nêu một số khó khăn từ bên ngoài dồn dập đến mà trong khi đó lại có một tình hình khác đang xảy ra từ chính nội bộ chúng ta.
***Các hàng rào của các nước nhập khẩu liên tục được nâng lên tạo ra nhiều khó khăn mới cho hàng Việt xuất khẩu.
Trong bối cảnh lợi thế về thuế quan từ Hiệp định CPTPP dần mất đi, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khó khăn mới trong cạnh tranh về giá cả, đồng thời xuất khẩu cũng phải đối mặt với nguy cơ bảo hộ thương mại ngày càng tinh vi hơn. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đang tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, với nhiều vụ kiện liên quan đến các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thép, thủy sản, và đồ nội thất. Các lô hàng bị kiểm tra và từ chối nhập khẩu ngày càng tăng, gây thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp.
Canada đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia có cơ cấu hàng hóa tương tự Việt Nam, gây áp lực lớn lên xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến chế tạo như điện tử, dệt may, và nội thất. Ngoài ra, chi phí logistics cao tại Canada và các rào cản kỹ thuật, môi trường khắp châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Á như tiêu chuẩn sản xuất xanh và bao bì tái chế, cũng đang tạo ra trở ngại cho hàng Việt Nam
***Trung Quốc tiếp tục khẩn cấp xây nhiều kho bãi để đưa hàng vào Việt Nam
Cùng lúc, làn sóng hàng xuyên biên giới của Trung Quốc đang ngày càng tăng mạnh và nhanh sức cạnh tranh gây khó khăn nhãn tiền về tiêu thụ hàng Việt hiện nay và tương lai.
Đọc báo Trung Quốc và Đông Nam Á, chúng ta gặp những mỹ từ: Trung Quốc tăng cường đầu tư vào hệ thống logistics để hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới với Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam. Do nhu cầu giao thương lớn, Trung Quốc đã phát triển các kho hàng tại các khu vực biên giới, đặc biệt là tại Quảng Tây và Đông Hưng, để hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa vào Việt Nam. Việc xây dựng này không chỉ giúp tối ưu hóa vận chuyển mà còn giảm chi phí và thời gian giao hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường Việt Nam.
Nhận xét của báo chí Trung Quốc: Thương mại điện tử giữa hai quốc gia đang phát triển mạnh mẽ nhờ các yếu tố như chính sách hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc, lợi thế địa lý với nhiều cửa khẩu, và hệ thống giao thông đồng bộ ngay từ nội địa Trung Quốc đến biên giới và cả trong nội địa Việt Nam đến các chi nhánh các sàn thương mại điện tử rải khắp các tỉnh thành Việt Nam để chuyển hàng thần tốc. Tỉnh Quảng Đông đã thấy tiềm năng lớn ở thị trường Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người, do đó, đã tập trung phát triển kho hàng (kho tổng Đông Quản) và dịch vụ logistics để phục vụ thị trường này.
Để hỗ trợ doanh nghiệp của họ, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích như miễn phí thuê kho, hỗ trợ khởi nghiệp, và giảm thuế cho hàng hóa nông nghiệp. Họ đầu tư vào hệ thống giao thông vận tải hiện đại như đường cao tốc và đường sắt cao tốc, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển giữa hai nước nhằm tối ưu hóa quy trình logistics xuyên biên giới để củng cố mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam (họ càng tốt ta càng rùng mình!)
“SẬP NGUỒN”-KHÓ KHĂN LẠI ĐẾN TỪ HẢI QUAN VIỆT NAM
Hiện nay, hệ thống hải quan điện tử Việt Nam đang xảy ra sự cố là bị…sập nguồn. Đến lúc này, chiều ngày 14/8/2024, nhiều doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cho biết vẫn chưa thể hoàn tất các thủ tục để xuất hàng đi cũng như nhận hàng về.
NHỮNG CÚ SẬP NGUỒN GÂY SỐC
Đây không phải tựa do tôi đặt Đây là tựa bài của báo Thanh Niên. Và sau cú sập nguồn thì…Các công ty gặp sự cố lớn: có công ty đã xong các thủ tục hải quan trong ngày, nhưng không kết nối được dữ liệu giữa hải quan và cảng. Kết quả, công ty phải tốn tiền chạy điện container hàng tại cảng, ngày, thêm tiền lưu container mỗi ngày là 1,5 triệu đồng. Do lỗi của nền tảng điện tử của Hải quan mà tốn thêm tiền chạy điện và lưu bãi.
Có DN bị vướng lô hàng nhập khẩu thép về để sản xuất. Đến nay, lô hàng đã 10 ngày lưu bãi vẫn chưa nộp được thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa. Lý do, Cổng thông tin một cửa quốc gia không hoạt động. Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng báo chưa có chỉ thị nhận hồ sơ bằng giấy, nên chưa có hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng để nộp cho hải quan.
Theo bài báo mới đây của Thanh Niên, đa số các DN đều cho biết chưa thể đính kèm số container khai báo vào hệ thống, chưa lấy được mã vạch. Các DN xuất nhập khẩu cho hay hệ thống hải quan điện tử chập chờn liên tục trong vài năm gần đây, tuy không dữ dội nhưng vẫn thường xảy ra. Trước đây, lỗi thường là mở tờ khai được, lấy được số container, nhưng không lấy được mã vạch. Trong khi mã vạch là kết nối hải quan với cảng; nếu không có mã vạch, cảng không có thông tin để đối chiếu, DN sẽ không lấy được hàng cũng như không chất hàng lên tàu để xuất đi được. Nay mã vạch không lấy được, số container cũng không. Hệ thống trục trặc ngày càng nhiều hơn!
DOANH NGHIỆP LỚN CÀNG KHỔ
Đại diện Công ty CP Phúc Sinh cho biết thường mỗi tháng công ty xuất khẩu từ 500 - 600 container đi các nước. Là DN xuất khẩu lớn nên Phúc Sinh đã được áp dụng chế độ DN ưu tiên. Thường trong vòng khoảng 30 phút sau khi phía DN gửi hồ sơ đi thì sẽ nhận được phản hồi chấp thuận kèm theo mã QR (mã vạch) để thông quan hàng hóa. Một số trường hợp chậm nhất tối đa là 2 giờ nếu đường truyền bị chậm, hệ thống xử lý chưa kịp…
Việc Cổng thông tin một cửa quốc gia gặp sự cố vào cuối tuần qua, DN không thể thực hiện các thủ tục hải quan online, nhân viên cũng phải nộp hồ sơ bằng giấy tại cảng. Với khối lượng hàng trăm container trong một tuần, chỉ riêng 1 DN Phúc Sinh thôi, lượng hồ sơ hải quan nộp bằng giấy từ sự cố hải quan điện tử có thể lên hơn 20 bộ mỗi ngày.
Với DN nhỏ hơn, lượng tờ khai giấy ít hơn, song do không phải là DN ưu tiên, việc chực chờ từ ngày này sang ngày khác để có bộ hồ sơ khai hải quan trọn vẹn các chứng nhận kiểm tra chuyên ngành là "khóc một dòng sông". Bởi nhập khẩu đa số là hàng nguyên vật liệu về sản xuất, chậm 1 ngày còn chấp nhận; chậm đến cả tuần, chắc chắn sẽ bị phạt vì đây là việc xảy ra đặc biệt trong nước, không phải sự cố toàn cầu.
"Thực tế, mạng hải quan thỉnh thoảng quá tải, chập chờn trong nhiều năm gần đây chứ không phải đến hôm nay. Sau dịch, dường như hải quan cũng quên mất nâng cấp hệ thống, hoặc nâng cấp không đạt. Mà chúng ta sau đại dịch đến nay cũng đã 3 năm.
Một số chuyên gia xuất nhập khẩu nói thẳng hệ thống công nghệ thông tin hải quan điện tử đã trở nên lạc hậu theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi công nghệ chỉ cần 2 - 3 năm là đã lạc hậu, còn hệ thống đã xài tới 10 năm (năm 2014, Thông tư 22 quy định về khai báo hải quan điện tử ra đời, tính đến nay đã hơn chục năm). "Vấn đề lạc hậu của công nghệ này thể hiện ở mấy chỗ sau: Hệ thống VNACCS/VCIS được Nhật viện trợ không hoàn lại. Trong quá trình vận hành, phía Nhật cũng hỗ trợ việc xử lý khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên trong thời gian đầu, do lượng dữ liệu không nhiều, nên máy chạy ổn. Hệ thống dùng chương trình cũ từ Win98, Win2000. Chính phủ lại chưa làm data đám mây dữ liệu chính phủ, nên việc lưu dữ liệu ngày càng nặng. Quá tải thì phải chập chờn và có lúc…sập luôn. Cứu rất khó.
TIẾNG THÌ THÀO (HAY TIẾNG THÉT ?) CỦA DOANH NGHIỆP
Còn đây là cuộc trò chuyện nội bộ các DN xuất khẩu, tuần qua mình lắng nghe và ghi nhận, mong sao các cụ có quyền hạn “soi xét”:
Tổng Cục Hải Quan đã có đề án xây dựng lại hệ thống hải quan điện tử mấy năm nay, đến vụ sập năm ngoái DN tôi có hỏi lại thì vẫn chưa được Bộ Tài Chính duyệt. Không biết còn kéo bao lâu.
Mấy năm trước đi thực tế ở HQ địa phương, thấy cán bộ HQ phải mở 5-6 cửa sổ ra để thao tác mới xong được một hồ sơ, cũng tội cho họ
Việc này, nếu chính bản thân Tổng Cục Hải Quan chủ trì thì sẽ…khác. Vì nếu các bộ mà không làm thủ tục trên nền tảng của Hải Quan thì Hải Quan không cho hoạt động, các bộ sẽ sợ vì khi đó, doanh nghiệp thuộc bộ của họ không xuất nhập khẩu được. Còn chính phủ ra lệnh mà không có điều kiện cụ thể và giám sát chặt thì các bộ cũng sẽ …trì hoãn thôi.
Thực tế thì Hải Quan cần xây dựng hệ thống điện tử mạnh để tất cả các bộ ngành làm thủ tục điện tử trên đó, và Hải Quan giữ vai trò kết nối và tổng hợp các thông tin để ra quyết định XNK là ổn hết.
Chứ hiện nay, hệ thống điện tử của Hải Quan cũng chẳng cải thiện được, riêng dữ liệu của Hải Quan thôi đã đủ sập nguồn, nói gì đến thêm dữ liệu các bộ khác. Xuất nhập khẩu, một vế cực quan trọng của nền kinh tế mà hệ thống điện tử của Hải Quan cứ trong tình trạng hiện nay thì...đứng tim mất.