RỘN RÀNG CẤT CÁNH

RỘN RÀNG CẤT CÁNH

Ngày hôm qua, thứ sáu cuối tuần, tôi bắt đầu gom góp "tài sản" tích trữ được trong tuần để viết bài tổng hợp. Vui lắm, vì mở ra những mảnh ghép đã “đóng băng cảm xúc” này là sống lại thật nhanh những giây phút rộn rã đáng nhớ.

Mà sao cuối tuần này tôi quá may (có lẽ ông Trời thương bù cho mấy ngày tôi vật vã với máy tính hư và máy tính mới?). May vì hình như vũ trụ gom tụ tất cả về đây (hihi, cả nhân chứng vật chứng) trong câu chuyện này. Đây là câu chuyện của realtime, thời gian thực đó các bạn.

Chiều thứ năm, 4/7/2024, trước khi từ Tây Ninh về, tôi hỏi nhỏ ông chủ vườn sầu Huỳnh Quới, nếu tính chung cả 3 vườn, ở Madagui của Kha, ở đây của anh và ở Hà Lâm của anh Bình, thì mình thu được bao nhiêu tấn và xuất sầu đi những đâu? "Bác sĩ nông dân" Huỳnh Quới nói rành mạch, phần lớn của tổng số sẽ giao công ty anh Hậu Ri6 để xuất đi Mỹ; một phần giao CT Chánh Thu đi Trung Quốc. Tôi hỏi tiếp, đi Mỹ bao nhiêu tấn, anh Quới cười, vì tính 3 vườn, chắc chị phải chịu khó tìm hỏi anh Hậu. Tôi gật đầu, hiểu là phải tính chuyện gặp Hậu…

Sáng hôm sau, vừa đến cơ quan BSA đã thấy Hậu ngồi trong phòng họp BSA (tôi suýt ồ lên, không tin vào mắt mình) đang rù rì với một số gương mặt rất quen. Thì ra Kim Anh, bà chủ Khởi Nghiệp Xanh đã hẹn với Hậu từ trước để giới thiệu hàng của các doanh nông tìm đường xuất đi Mỹ, theo CT Hậu. Tôi hỏi, Hậu trả lời nhanh, dạ cũng hơn 40 tấn, xuất đông lạnh, thương hiệu Ri6.

Người chủ thương hiệu sầu riêng Ri6 đang gặp các chủ hàng tai phòng họp BSA sáng 5/7/2024
Logo Ri6 trên bao bì sầu riêng sấy của công ty cùng tên

Một lát, tôi nhận được loạt ảnh của Nguyễn Ngọc Sơn, CT Tân Nhiên gửi về hoạt động trong xưởng bánh tráng của CT. Nằm xa Sài Gòn, các bạn trẻ đặt slogan cho Tân Nhiên thật gợi cảm: “Cuốn trọn yêu thương”, “Cuốn cả thế giới”. Sáng hôm qua, vừa tới Tân Nhiên tôi nhớ đã thấy ùng oàng lừng lững lăn bánh vào, một chiếc xe container Hàn Quốc đến nhận hàng. Ở cái xứ khoai mì bạt ngàn này, Đặng Khánh Duy, người đầu tiên nghĩ ra cách làm bánh tráng bằng nguyên liệu khoai mì và thành phẩm cắt hình chữ nhật, đặc sắc ở chỗ khi cuốn với rau không phải dùng nước. Tôi bước vào xưởng của Tân Nhiên, bất ngờ với sự ngăn nắp của một không gian rộng lớn, dây chuyền đẹp mắt. Hai khu xưởng đối diện nhau, bên kia là xưởng chế biến muối, một đặc sản khác của Tây Ninh(thật khó tưởng tượng chỉ với khoai mì và muối, giờ Tân Nhiên dựng được một CT ăn nên làm ra, ngày ngày rộn rịp xe đến nhận hàng đi Nhật, Hàn Quốc...và trải khắp thị trường các tỉnh qui mô dường ấy).

Tình cờ thấy xe vontainer đang nhận hàng Tân Nhiên ở cổng CT

Buổi chiều, tôi ghé thăm showroom Lee’s Coffee ở 84 Nguyễn Huệ mới khai trương chừng 10 ngày. Người đại diện của ông Chiêu, chủ của Lee’s Sandwich, Toàn, một chàng trai hoạt bát tiếp đón tôi với sự hào hứng đặc biệt. Toàn nói, nhiều sản phẩm của Việt Nam độc đáo lắm cô, thị trường Mỹ rất thích, từ cà phê sữa đá (Toàn dừng lại nói vui, mà người Mỹ bây giờ không gọi milk coffee mà gọi luôn tên “Cà phê sữa đá” như họ vẫn gọi “Phở” đó cô). Và cô xem, con đang tìm bánh tráng Tân Nhiên vì không phải nhúng nước, cuốn món gì cũng ngon. Tôi hỏi, Tân Nhiên hả Toàn, không cần tìm nhé, cô giới thiệu cái một. Tôi thú vị và xúc động cầm trên tay mấy món thân thương của đồng bằng Cửu Long: xôi nếp than, bánh cóng, bánh bía trứng muối…

Hai cô cháu ghi hình nhanh khi cùng đảo qua các dãy hàng VN chờ xuất khẩu đi Hoa Kỳ

Mà giá bán lẻ thật là hợp lý, tôi nghĩ thầm, mua thử về nhà chắc mấy đứa cháu “đạo xôi” của tôi thích mê, rồi nhớ ngay, mua lúc này, chắc Toàn không cho tôi trả tiền (hihi, tôi nghe vang trong đầu câu hát vui, tôi (muốn) mua mà em đâu có hay, câu hát của bài hát nào nhỉ?). Toàn là chàng trai tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh ở Úc nói say sưa, rành rẽ về các món ăn dân dã các miền và dừng khá lâu ở loạt snack đủ vị dạng chả giò ăn liền.

Điều cũng hay là showroom này không chỉ trưng bày mà bán hàng tại chỗ luôn. Lúc ấy, có rất nhiều khách Nhật bước vào. Họ hào hứng lựa mua, kêu nhau chỉ những món khám phá được. Với giá thuê nhà chắc phải “chát” ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, tôi biết chủ thương hiệu Lee’s Coffee đã tính chuyện kinh doanh ở đây theo cách… xúc tiến vì giá “niêm yết” ở đây thật dễ chịu mà sản phẩm đều có hình thức rất đẹp.

Tôi nghĩ đến cuộc họp sáng nay với Hậu CT Ri6, đến những đề nghị của Toàn đang tìm kiếm hàng mới và cả của cô bạn thật xinh, Yumi Nishisa, tên Việt Nam là Tường Mỹ chuyên nhập hàng cho Osaka Nhật.

Vậy là ngay tuần sau, BSA có thể đón cả 3 bạn đến cùng nghe giới thiệu và chọn lựa hàng.

Mà chưa hết, khi chuẩn bị rời showroom của Lee’s Coffee, bật điện thoại lên, tôi lại nhận được một chùm ảnh mới rợi từ đồng bằng: ông thầy thương nông dân Dương văn Ni đã đưa chàng “Khoa xơ mướp” đi Sóc Trăng tham dự ra mắt một hợp tác xã thủ công mỹ nghệ mới, chắc chắn sẽ sử dụng nguyên liệu “chuyên trị” biến đổi khí hậu là cỏ năng tượng.

Ra mắt HTX Thủ công Sóc Trăng. Người đứng cạnh pano là GSTS Dương văn Ni
Những sản phẩm từ cỏ năng tượng

Cùng với chùm ảnh từ Sóc Trăng còn có bản ghi chép của biên tập viên BSA Media ghi cuộc trò chuyện khá dài của với “nhà công nghệ” Nguyễn Minh Kha, ông chủ vườn sầu trên đỉnh đồi Madagui và anh Huỳnh Quới về câu chuyện chế tạo phân vi sinh nuôi đất của anh.

Viết tới đây, tôi đã đi đến giới hạn 1.000 từ và chuẩn bị dừng bài với một niềm vui khó tả trong lòng. Ôi, một ngày cuối tuần, vũ trụ đã đưa về cho tôi một “tài sản” quí giá đồ sộ rất thực, rất sôi động liên tiếp các câu chuyện chỉ trong 2 ngày nối tiếp nhau: từ một Tân Nhiên bánh tráng và muối đến Kha và Huỳnh Quới ở vườn sầu mênh mông Tây Ninh, đến cuộc gặp của Hậu Ri6 với các doanh nông giỏi, đến cuộc thăm showroom Lee’s Coffee gặp Toàn, anh chàng rất hợp nghề “xúc tiến” cho đến chuyến đi (được thổ địa đồng bằng của BSA tường thuật) của Khoa xơ mướp.

Tất cả là những bước rất thực tế này đều chuẩn bị cho hàng nông sản Việt cất cánh khắp các phương trời. Những chuyến bay của Hi Vọng, gói ghém niềm thương và niềm tin của những chàng trai đều có ăn học (những kỹ sư, nhà công nghệ, bác sĩ y khoa…) cùng thiết tha muốn làm nông dân-doanh nông để góp sức “Nâng tầm nông sản Việt”.

Được làm nhịp cầu mai mối các bạn với nhau với các thị trường xa, công việc thật hấp dẫn và thật đáng để dốc sức.