Toàn những chuyện dài hơn nửa thế kỷ. Chuyện tình của 2 người, nhà báo Nayan Chanda và vợ ông, quen nhau khi ông đến Sài Gòn làm phóng viên và biên tập viên tờ Kinh Tế Viễn Đông (Far Eastern Economic Review- FEER). Khi ấy bà là cô giáo dạy Pháp Ngữ một trường tiểu học của Pháp ở Sài Gòn. Họ nên duyên và gắn bó với nhau đã 51 năm. Tuần qua, hai người đến Hà Nội rồi Sài Gòn và đi một tour Bến Tre nhân Bộ ngoại giao mời ông Nayan Chanda dự lễ kỷ niệm 50 năm.

Chiều nay, Maybe cũng khám phá một loạt không gian để thu hình thật đẹp và hợp thời trang của hãng đèn trang trí nội thất sang trọng Cara. Cám ơn anh Nguyễn Quốc Thống sẵn sàng mở tất cả showroom rộng lớn suốt 2 ngày nghỉ cuối tuần, cho maybe chọn góc phù hợp để đón tiếp vị khách lịch sử.

Người phỏng vấn chính nhà báo nửa thế kỷ kinh nghiệm là Kiến Phước. Phước là người đầu tư, sản xuất cả 5 chuỗi video, podcast bền bỉ suốt gần 3 năm qua: “5 phút-Chuyện thị trường”; “5W1H Podcast-Trò chuyện với những người tiên phong”; “Kịch và nghệ” “Kế nghiệp mở tương lai” và “5 phút Sống Xanh” (2 trong 5 chuỗi có hợp tác với BSA media). Vậy là tới 5, cũng dài và bền chứ nhỉ? Tất cả vẫn đang tiếp tục đến nay, hàng ngày và hàng tuần.

Nhưng mãi đến gần đây, đến chương trình Kế nghiệp thì người host quen thuộc là…bạn Kim Hạnh mới “ép” được KP, một người cùng host, vì cần một người cũng là Kế nghiệp. 3 video đã qua, trò chuyện với anh Lý Huy Sáng, Kao Huy Phương, Trần Duy Minh Khoa, có Kiến Phước tham gia, thấy ổn và không còn "chống chế” là thôi, hãy để KP chỉ tập trung lo sản xuất nữa.

Và chiều nay, nhân những hoạt động kỷ niệm 50 ngày Thống Nhất, dì Phạm Chi Lan chỉ định Kiến Phước làm host chính talkshow với nhà báo lâu năm Nayan Chanda.

Hai bác cháu, ông Nayan Chanda đã 79 tuổi và Kiến Phước 38 tuổi đã trò chuyện thật hào hứng, đôi chỗ cười to và chia sẻ thật cởi mở. 5 đề tài họ nói với nhau, 60 phút, không kịch bản nhưng cũng đủ thú vị:

  • (1) Vì sao ông chọn đến Việt Nam năm 1974?
  • (2) Ấn tượng chưa phai của ông về Sài Gòn năm 1975?
  • (3) Nhận xét về Sài Gòn sau 50 năm
  • (4) Tình hình toàn cầu hóa hiện nay và các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu và di dân?
  • (5) Tình bạn với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn.

Như thông lệ, các câu trả lời sắc sảo của Nayan Chanda thì mình chưa thể tiết lộ cho đến khi tập video dài 60 phút này ra mắt. Chỉ thấy ra khỏi cuộc phỏng vấn, đã thấy Kiến Phước post ngay:

“Hôm nay lần đầu tiên được ngồi phỏng vấn 1 mình. Khách mời lại là bác Nayan Chanda, nhà báo Ấn Độ của tờ Far Eastern Economy Review, nhân chứng lịch sử vào ngày 30/4/1975.

Chỉ 1 cuộc điện thoại từ Hà Nội của dì Chi Lan 2 ngày trước thế là có buổi phỏng vấn này để mình có cơ hội trở thành một người phỏng vấn mập nói tiếng Anh giọng Singlish…”

Tèo (tên ở nhà hiện nay vẫn gọi vậy) có ông thầy là trưởng khoa MBA hồi Tèo học ở SMU Singapore, tên là Philip Zerrillo từng có lúc khuyên Tèo đi làm báo vì thấy Tèo nói và viết tiếng Anh khá ổn. Tèo lắc đầu, dạ, con thấy ba với mẹ làm báo mà…ngán quá. Vậy rồi giờ Tèo đi làm…nghề truyền thông. Ông thầy thỉnh thoảng bay từ Singapore hay từ Thái hay từ Mỹ qua Sài Gòn thăm Tèo và cười kha kha khi biết Tèo rồi cũng làm…maybe group, tức làm truyền thông chứ làm gì khác đâu!

PHỎNG VẤN LẦN ĐẦU NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ