Tối qua, đi công tác Vĩnh Long bàn chuẩn bị Mekong Connect 2025 về. Cuối buổi có gặp một chị bán sữa ở Vĩnh Long, chị ấy kể rằng: bán một lon Abbott lời có 10 ngàn, mà bán một lon sữa giả, lời 300 ngàn nên thiên hạ đua nhau bán. Nhưng tôi có con nhỏ, tôi không dám làm chuyện thất đức.

Thế là về nhà, mình gọi điện xác định các thông tin với một anh chuyên gia dinh dưỡng chuyên ngành sữa, và với một anh quản lý kinh doanh sữa một công ty lớn có uy tín. Rồi ngồi đọc các tài liệu, các video, bài báo. Thấy có thể nói thêm vài điều (dù báo đài đã nói khá đủ)

Nói về vụ tiền kiểm giả dối chung chung là nói cho tất cả các loại sữa. Còn trong vụ này thì lại là một tình huống đặc biệt.

1/ Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Họ SX và bán sữa dành cho những đối tượng đặc biệt (trẻ sơ sinh, người già, người bệnh nặng như ung thư, tiểu đường) là người có nhu cầu cao đặc biệt phải sử dụng sữa đặc biệt. Theo nghị định 15, sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt phải đăng ký xin cấp phép mới được lưu hành.

Vấn đề giả dối là ở đây: họ nộp mẫu mang đi kiểm nghiệm có đúng không, hay họ lấy loại sữa khác cho vào bao bì của họ đem nộp (sữa đó chắc chắn đạt quy chuẩn quốc gia) rồi khi sản xuất và bán thì họ làm khác. Như vậy, chỉ có theo dõi, kiểm tra thực tế mới phát hiện được sự giả dối. Họ nói sữa có đông trùng hạ thảo, tổ yến, hạt óc chó, hạt mac ca toàn là nói dối.

Một số cơ quan chức năng đã nói trên báo, chừng 10% số sữa họ sản xuất ra là có được cấp phép. Đặc biệt sữa cho trẻ dưới 36 tháng là chắc chắn họ phải xin phép. Và chính các giấy cho phép sau khi họ đăng ký được họ tận dụng để quảng cáo rầm rộ.

Tiền kiểm bị làm giả như sau: Trong số 573 sữa giả, có nhiều loại đã được cơ quan quản lý cấp phép (tiền kiểm), tức là họ làm 1 lô thật mang đi kiểm nghiệm để lấy kết quả đăng ký, còn các lô sau thì là giả, nên nếu không hậu kiểm thì không thể phát hiện được.

Còn với các loại thực phẩm đặc biệt ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng thì càng phải kiểm tra, hậu kiểm sát sao mới đảm bảo không bị làm giả.

2/Chung quanh vấn đề tiền kiểm và hậu kiểm.Vì sao hậu kiểm đúng cách là tối quan trọng?

Tóm lại, trong vụ án này, sữa có tiền kiểm chứ không phải không được tiền kiểm, thậm chí trường hợp sữa dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi là có yêu cầu đăng ký xin phép mới được lưu hành. Vậy mà vẫn xảy ra tai nạn lớn. Do đâu? Là do Không có hậu kiểm.

Hậu kiểm là kiểm khi sản phẩm ra thị trường, về 2 phương diện: kiểm trực tiếp sản phẩm và kiểm tại cơ sở sản xuất. Sản phẩm là đang lưu hành bất kỳ trên thị trường. Có quy định kiểm tra định kỳ và đột xuất, nhưng đều phải kiểm tra chính sản phẩm (không phải do họ nộp mẫu mà rất nên lấy bất kỳ từ thị trường) và ngay tại cơ sở sản xuất của họ.

Thực tế có hậu kiểm mà không phát hiện gì, vì năng lực cán bộ đi kiểm mà cũng có thể vì yếu tố chủ quan, có nhận tiền hối lộ và kiểm tra qua quít lấy ảnh và biên bản báo cáo thôi, không xem xét thực sự.

Các cán bộ quản lý an toàn thực phẩm thường nêu lý do: kiểm hết tất cả nhãn hàng thì làm sao kiểm nổi? Thì đây, có một nguyên tắc mà cả thế giới hiện nay đang áp dụng cho hậu kiểm. Đó là kiểm tra theo nguyên tắc “quản lý rủi ro”.

3/ Hậu kiểm trên nguyên tắc quản lý rủi ro là gì?

Có 3 tiêu chí đã quy định rõ tại nghị quyết 02 là:

  • Từ mức độ nguy cơ của sản phẩm (ví dụ sữa dùng cho trẻ sơ sinh, sinh non, người bệnh nặng, nguy cơ tính mạng nếu chất lượng giả dối)
  • Từ lịch sử tuân thủ của doanh nghiệp (ví dụ, chính nhà sản xuất có các chứng nhận về tiêu chuẩn hay không, có đảm bảo họ quản lý sản xuất theo biện pháp tiên tiến quy định bởi tiêu chuẩn hay không?)
  • Xem xét dấu hiệu vi phạm cảnh báo cụ thể từ sản phẩm hay nơi sản xuất đang kiểm tra. Ví dụ, cầm viên kẹo Kera trên tay, ai có chút kiến thức dinh dưỡng cũng phải biết với hình thức đó, giá đó, làm sao viên kẹo chứa từng ấy chất xơ, rau xanh cho được).

Vì sao cán bộ chức năng không muốn làm hậu kiểm?
Họ không muốn đi ra bên ngoài vất vả hơn ngồi trong phòng máy lạnh, và khó kiếm tiền hơn là làm tiền kiểm cấp phép, không cần làm gì, chỉ cần nêu vài lý do nhỏ nhặt cũng đủ gây khó dễ là sẽ nhận được rất nhiều tiền hối lộ.
Bằng chứng rõ rệt nhất gần đây. Khi chính phủ yêu cầu sửa nghị định 15, chính Bộ công an và các Hiệp hội về thực phẩm đều đề nghị phải hậu kiểm sản phẩm, hậu kiểm cơ sở sản xuất, nhưng Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y Tế nhất quyết không chịu, mà chỉ đưa vào dự thảo Nghị định là “hậu kiểm hồ sơ”, tức là biến tướng của thẩm xét hồ sơ khi tiền kiểm. Mà hậu kiểm hồ sơ thì muôn đời cũng không phát hiện được thực phẩm giả.

Ngoài kiểm tra nhà sản xuất và kinh doanh (tung ra thị trường) thì còn phải kiểm tra việc bán hàng.

4/Không thể bỏ qua đối tượng bán sữa giả

Cách bán phổ biến là: bọn kinh doanh sữa giả cử người ký gửi sản phẩm ở các cửa hàng bán sữa (không cần trả tiền mua) cứ bán (vốn 50 ngàn, bán tối thiểu là 350 ngàn, gấp 7 lần, không phải bỏ vốn). Sau 6 tháng, nhà kinh doanh đến kiểm hàng, nhãn nào bán chạy thì châm thêm, không chạy thì đem về, lấy ruột sữa bỏ vào bao bì khác, đặt tên khác, ký gửi tiếp. Tiền bán được cưa đôi. Không cần vốn, lời 150 ngàn dễ ợt và lại rất an toàn vì không hề bị kiểm tra, lại còn được các bác sĩ giới thiệu trong khi ra toa tại bệnh viện, được bán mẫu trong cửa hàng thuốc bệnh viện. Vì thế các cửa hàng bán sữa cỏ mọc lên như nấm chung quanh các bệnh viện sản, nhi, bệnh ung thư…và ở các vùng ven, ngoại thành.

5/ “Mô hình kinh doanh” của bọn làm và bán sữa giả?

Ngoài việc nói sữa có nguồn gốc Âu, Mỹ, Úc, New Zealand…với đủ thứ hóa chất tào lao, họ còn nói sữa có đông trùng hạ thảo, tổ yến, hạt óc chó, hạt mac ca... toàn là nói dối.

Báo chí đã đăng: kiểm nghiệm cụ thể thì chỉ có bột gạo, sữa bột nguyên kem, hỗn hợp vitamin + khoáng chất (thường mua ở Trung Quốc) và tổng cộng chi phí mua, phối trộn tất cả các thứ này có vốn chừng 50 ngàn đồng/ kg. Xong họ làm bao bì tuyệt đẹp, đặt tên na na các tên sữa thật rồi bán giá 350.000 -400.000 đồng.
Tóm lại, phải triệt hạ bọn sản xuất và cả những người giới thiệu (chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ, dược sĩ và người bán lẻ) tới nơi tới chốn thì mới nhổ tận gốc bọn này.

Đừng quên, hôm tháng 4/2024, Ct cổ phần sữa Hà Lan (giả danh Sữa Cô gái Hà Lan) đã bị phát hiện, bị phá ổ làm ăn gian trá và TGD bị bắt. Nhưng vì sao vụ sữa giả ngày càng phát triển nghiêm trọng hơn? Vì kiếm tiền dễ quá, trích lợi nhuận mua hệ thống kiểm tra vẫn còn lời chán. Nhu cầu dân nghèo vẫn tăng (càng uống sữa này, bệnh nặng càng tăng , trẻ sinh non càng thiếu dinh dưỡng) nên nếu không tìm hiểu kỹ mô hình kinh doanh và có biện pháp khoa học, đúng đắn được thực hiện tới nơi tới chốn thì sữa cỏ chỉ yên vài tháng là lại mọc lan nhanh và phát tác gây thiệt hại lớn cho dân nghèo.

PS. Báo điện tử vietnamnet có một loạt bài khá đầy đủ. Dư luận nhất là dân nghèo đang đòi công bố tên các nhãn sữa giả. 573, nấm sau mưa làm sao công bố hết? Nhưng có những cái tên đã được công bố rồi (như trên Tuổi trẻ, vnexpress, Đời sống và Pháp luật…). Hình ảnh ở đây là mượn từ các báo.

PHÂN TÍCH VÀ THÔNG TIN THÊM VỤ SỮA GIẢ