
Cách đây 3 hôm, tôi đọc được bài viết của Dương Ngọc Thái về một nhân vật mà tựa bài vỏn vẹn có 3 chữ: Lương Việt Quốc. Trước đó tôi đã có viết một bài đăng trên Góc nhìn của báo điện tử vnexpress về “trường hợp Lương Việt Quốc”, nhân dịp người CEO công ty phân phối drone Hera của anh ra thế giới, có ghé thăm xưởng của RtR ở Thủ Đức, báo tin vui là HERA vừa bay thử nghiệm thành công làm nhiệm vụ khảo sát rò rỉ đường dây điện cao thế ở Mỹ.
Đoạn viết ngắn của Thái đây.
“Điểm nhấn của chuyến đi USABC là tôi có dịp trò chuyện nhiều với anh Lương Việt Quốc, người sáng lập Realtime Robotics, “cha đẻ” của máy bay không người lái Hera.
Tôi từng nghĩ anh là tiến sĩ vật lý hoặc khoa học máy tính, nhưng hóa ra lại là tiến sĩ kinh tế, hoàn toàn không liên quan đến công nghệ.
Anh kể, ban đầu chỉ định mua drone để cung cấp dịch vụ, “làm taxi chứ không phải chế xe hơi”. Nhưng drone mua về không dùng được, “họ nói mười mà thật ra chỉ được một, hai” nên buộc phải tự làm.
Anh Quốc làm drone đã hơn chín năm. Ba năm đầu học hỏi, ba năm tiếp theo bắt kịp công nghệ, ba năm gần đây bắt đầu có sáng chế đột phá.

Anh báo hai tin vui: vừa gọi được vốn, và Hera chuẩn bị được triển khai ở Mỹ. Nếu anh Quốc thành công, Hera sẽ là một dấu son trong quan hệ hai nước.
Chuyến đi cũng ghi lại khoảnh khắc anh Quốc gặp Tổng Bí thư. Tôi có cảm giác đó là một thời khắc lịch sử, giúp cởi trói, tạo lực đẩy để những startup công nghệ tư nhân nói thật làm thật như Realtime Robotics bay cùng thế giới.”
Về “khoảnh khắc Quốc gặp Tổng Bí Thư” thì tình cờ tôi được một đồng nghiệp làm báo gửi cho xem tấm ảnh ghi cảnh gặp gỡ do Thông Tấn Xã VN phát.

5 Chiều qua, gặp Quốc tại Lễ Công Bố HVNCLC 2025 (Quốc tham gia là thành viên mới của Câu Lạc Bộ doanh nghiệp Dẫn đầu trong Hệ sinh thái Hàng Việt Nam Chất lượng cao, CLB này có ra mắt tại lễ), tôi hỏi Quốc đọc bài Thái viết về mình chưa. Quốc nói là đọc rồi và lại kể câu chuyện vui hai bạn mới trao đổi với nhau. Rằng sau khi Thái đăng bài trên blog của mình thì có bạn đọc còm bằng cách post “minh họa” một đoạn về cuộc sống cơ cực của Quốc khi còn nhỏ ở dòng kênh đen Thị Nghè. Đọc xong bài cũ này, Thái nhắn cho Quốc kể câu chuyện “đồng cảnh ngộ” hồi nhỏ, nhà Thái ở quận 4, cũng “gốc giang hồ …nhí” trong cái xóm cũ rất nghèo và nhiều tệ nạn “dưới đáy xã hội”, toàn dân hút chích trộm cắp chuyên nghiệp, đĩ điếm cho vay nặng lãi như xóm cũ cạnh nghĩa địa của Quốc. Buồn cười, hai ông giang hồ “vặt” này cùng nhìn nhận là biết đánh hết tất cả các loại bài , và từng mê cờ bạc đến đánh thâu đêm, quên ăn, bỏ bữa. May là cả hai cùng kết luận “cũng thiệt là hên là mình không thành giang hồ thiệt, không có bị hư”, là do ba má Thái quyết ép con phải đi học, còn Quốc thì được bà nội hết sức khuyên răn, nhà nghèo quá, con chỉ có ráng học mới đổi đời được.
QUỐC VÀ NIỀM SAY MÊ HỌC

Tôi có quen với chị Bích, một viên chức làm việc chung với Quốc trong cùng một dự án quốc tế xóa nghèo cho tỉnh Trà Vinh. Lúc đó, anh là nhân viên phiên dịch và kế toán cho dự án. Một mình “2 job” chị Bích kể Quốc siêng năng làm việc kỹ lưỡng chu toàn, mà lại còn theo đuổi lớp đào tạo miễn phí về “kinh tế học cho phiên dịch viên” do chương trình Fulbright tổ chức ở Sài Gòn. Mỗi tuần 3 buổi tối, Quốc phải xin nghỉ phép 3 buổi chiều để nhảy xe về Sài Gòn học buổi tối và cứ 2 giờ khuya thì xin đi nhờ xe bưu chính chở thư về đồng bằng, nằm ngủ lăn lóc cùng với những bao tải thư mà vẫn luôn đảm bảo có mặt làm việc ở cơ quan sáng hôm sau đúng giờ.
Những người bạn của Quốc, chơi thân với anh vì sự chân thành, giản dị chắc ít người biết về nỗ lực mỗi ngày, dành trọn 10 giờ học tiếng Anh để từ trình độ ABC trở thành phiên dịch cho một dự án quốc tế. Học để thoát nghèo và đổi đời. Và bây giờ là niềm đam mê nghiên cứu, phát minh.
QUỐC VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN VÀ NIỀM ĐAM MÊ SÁNG TẠO, PHÁT MINH
Trong những người bạn của Quốc cùng say mê sáng tạo, phát minh có anh Võ Quang Huệ. Chiều qua, đôi bạn đã ngồi cạnh nhau tại Lễ Công Bố HVNCLC 2025. Tôi hỏi Quốc, lại nói chuyện phát minh chứ. Quốc cười gật đầu, dạ, cũng không thoát khỏi đề tài đó.
Vâng, tôi vừa mới đọc một bài trò chuyện với nhà công nghiệp Võ Quang Huệ, bài “Mãi đi sau nếu không làm chủ công nghệ” trong loạt bài của Tiêu điểm trên Nhân Dân cuối tháng 3 là: “Đầu tư cho R&D: sức bật mới cho Việt Nam”.
Bài báo về anh Võ Quang Huệ có 2 tiểu đoạn: “Việt Nam trên bản đồ R&D thế giới”. Và “Động lực đến từ khu vực tư nhân”. Bài không dài lắm nhưng cũng quá khuôn khổ một stt trên FB. Đành xin ghi ra một đoạn ý kiến cô đọng của anh Võ Quang Huệ:
“Tôi chưa bao giờ hứng khởi như vậy về không khí phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam những ngày này” - ông Võ Quang Huệ, người có 25 năm làm việc tại BMW của Đức, trong đó có 12 năm làm nghiên cứu phát triển và cũng là người thuyết phục được hãng Bosch chuyển một dự án công nghệ cao về Việt Nam nói về Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tôi biết là với công ty Calif, Thái vẫn đang khám phá và nghiên cứu những điều mới mẻ cho chặng đường mới của mình cùng Calif.
Quốc thường nói. Người Việt đủ năng lực phát minh, thiết kế và chế tạo ra sản phẩm drone vượt tầm thế giới. Và phát minh sáng tạo là con đường duy nhất tự chủ về công nghệ drone để bảo vệ và phát triển đất nước. Việt Nam có vị thế trở thành trung tâm sáng tạo và chế tạo drone của thế giới (đặc biệt với các thị trường mà drone cần bảo mật dữ liệu với Trung Quốc).

Qua thực tế hoạt động, Quốc luôn đầu tư, quan tâm nghiên cứu, hợp tác chia sẻ thông tin với các Viện nghiên cứu, các Đại học quốc tế và thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin qua các hội chợ toàn cầu về drone. Thực tế này nói lên sự đam mê sáng tạo, phát minh của anh. Chỉ vài năm sau khi Hera ra thị trường thế giới, anh đã nộp 10 đơn xin cấp patent sáng chế phát minh (giá trị toàn cầu) và đã được cấp 5 patent. Tôi ấn tượng với 2 bằng sáng chế đầu tiên có giá trị toàn cầu được cấp cho Hera (Hoa Kỳ cấp, tháng 8/2023) và cho OmniSight Gimbal (do Úc cấp tháng 10/2023).
Cùng với Lương Việt Quốc và Võ Quang Huệ và những người bạn khác của họ cùng say mê sáng tạo, tôi thấy có thể mượn câu kết của chính Thái viết về “khoảnh khắc” mà Tổng Bí Thư trò chuyện cùng Lương Việt Quốc: ”…một thời khắc lịch sử, giúp cởi trói, tạo lực đẩy để những startup công nghệ tư nhân nói thật làm thật như Realtime Robotics bay cùng thế giới.”