NHƯỢNG QUYỀN VÀ TRANH CỬ
Tác giả: chuyên gia Nguyễn Phi Vân
“I love McDonald’s - Tôi yêu McDonald’s”. Vậy là chiếc khiêng vàng của thương hiệu nhượng quyền huyền thoại nhất thế giới đã đi vào lịch sử tranh cử Mỹ. Có lẽ đơn giản vì đây là thương hiệu gắn liền với tầng lớp lao động tại Mỹ mà bất kỳ ứng viên tranh cử tổng thống nào cũng mong muốn sự ủng hộ.
Trong thời gian tranh cử, bà Kamala Harris tung chiếc clip nói về việc mình đã từng làm việc tại McDonald’s thời sinh viên như những công dân Mỹ khác. Có thống kê cho rằng cứ 8 người Mỹ thì có một người đã từng làm việc tại McDonald’s vào một thời đoạn nào đó trong cuộc sống của mình. Khi chiếc clip được phát sóng, ngành nhượng quyền bỗng trở thành tâm điểm của các thảo luận xoay quanh cuộc tranh cử. Thậm chí báo Wall Street Journal còn đưa tin và nhận định trong một bài viết là người trẻ cần đưa kinh nghiệm làm hamburger vào CV của mình.
Để phản pháo lại nội dung này, đội ngũ của ông Trump đã thiết kế một buổi lao động của ông Trump tại McDonald’s. Việc ông Trump dừng lại, chiên khoai tây và phục vụ khách hàng tại cửa hàng McDonald’s khu vực ngoại ô tiểu bang Philadelphia đã viral dữ dội trên mạng xã hội, Một lần nữa chứng thực cho hiệu quả và sức ảnh hưởng của ngành nhượng quyền tại Mỹ.
Nhượng quyền là hình thức phát triển kinh doanh được ứng dụng trong hơn 300 ngành nghề khác nhau tại Mỹ, từ ngành truyền thống như ẩm thực đến các ngành dịch vụ như xây dựng & sửa chữa nhà cửa, kế toán tài chính, chăm sóc y tế, sức khỏe, làm đẹp và cả chăm sóc thú cưng. Thử tưởng tượng một hình thức phát triển kinh doanh và phát triển doanh thu mà có thể ứng dụng đến 300 ngành nghề khác nhau như vậy thì phải nói là quá khủng. Đó cũng là lý do vì sao ngành nhượng quyền đóng góp đến gần 4% GDP của thị trường Mỹ và hiện đang tạo ra 9 triệu việc làm cho nền kinh tế nước này.
Trong thời gian vài năm trở lại đây, ngành nhượng quyền cũng được nhiều chính khách tại Mỹ quan tâm vì khả năng phát triển cơ hội lập nghiệp, cơ hội nghề nghiệp và tạo ra thế hệ doanh nhân mới cho các cộng đồng nhập cư và cộng đồng kém may mắn hơn tại Mỹ. Là cái nôi của ngành nhượng quyền, Mỹ đã tạo ra rất nhiều thương hiệu và mô hình nhượng quyền thành công, biến các doanh nghiệp SME thành những tập đoàn khổng lồ, tập đoàn quốc tế và tập đoàn đại chúng. Việc ngành nhượng quyền được đưa vào tâm điểm của cuộc tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua, chủ yếu do giá trị đóng góp của nó vào nền kinh tế và khả năng tạo ra công ăn việc làm lớn cho thấy sẽ có những chuyển động mới giúp cho ngành phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Thiết nghĩ, nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam cũng nên bắt đầu chú ý đến mô hình nhượng quyền để tạo ra sự phát triển vượt bậc về giá trị cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.