SẼ KHÔNG CÓ THẦY NỮA TRONG MEKONG CONNECT NĂM NAY…...

SẼ KHÔNG CÓ THẦY NỮA TRONG MEKONG CONNECT NĂM NAY…...
Ông "thần nông" vẫn luôn tận tụy với cây lúa. Ảnh đẹp vì tiêu biểu, mượn từ bài anh Nguyễn Xuân Xanh.

“Chiều qua, mình bỗng nhận được cú điện thoại của thầy Võ Tòng Xuân. Giọng thầy vui rộn rã:-Kim Hạnh ơi, bắt đầu được xả cảng rồi. Vô "chiến trường" được rồi nhé. Xác định là sẽ có mặt sáng 16/11 dự Mekong Connect nhé.

Thấy thầy vui vì được "tự do" cũng thấy thương hết sức. Mình “lôi” ra bức ảnh chụp với thầy hôm vô thăm ở BV tim. Ba ngày sau talkshow với thầy, mình chờ mà chưa thấy tin kết quả cuộc tái khám định kỳ của thầy, cũng hơi lo.

Không thấy tin, mình chạy đến bệnh viện thôi. Thì thấy thầy đang được tiếp máu ở phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện. Mặc áo choàng mới được vào, mình cũng lo. Nhưng khi gặp thì thầy vui tươi hơn lúc nào hết. Nét mặt thầy sau khi được bệnh viện tim tiếp máu liên tục, đã hồng hào và vô cùng tươi tỉnh. Thầy nói, bác sĩ khi “bắt” được thầy, thì không “thả” ra nữa. Họ biết là thầy đã đi liên tục 9 tỉnh để họp về… qui hoạch tích hợp và bệnh viện rất gay gắt không cho thầy được “tự do” tung tăng như thế.

Qui trình hồi sức kéo dài thêm mấy ngày nữa. Kết quả là thầy vắng mấy hôm và hôm qua thì thầy kêu điện thoại báo tin vui. Hôm mới đi thăm thày về, mình cân nhắc không đăng ngay bức ảnh này vì sợ mọi người lo. Mà thực ra tình hình đang tốt lên chứ không bi quan. Ngoại trừ BV chỉ cảnh báo, không muốn thầy “tung tăng” quá nhiểu”.

Lần mình vào thăm thầy ở BV tim, TPHCM, ngày 8/11/2023, ba ngày sau khi thực hiện talkshow với thầy tại văn phòng maybe group. Anh bắt tay thật chặt hẹn gặp ở Mekong Connect tuần sau đó.

Trên đây là stt mình viết ngày 8/11/2023, mình vừa lục tìm lại trên đường từ Hậu Giang về chiều qua.

Hôm nay thì thầy đã “tung tăng” ở một cõi khác. Mình cũng không còn được mừng chạy vào bệnh viện tìm thầy. 8g sáng qua, mình ghé Cần Thơ đón bạn Hoàng Tuyên, trưởng văn phòng BSA ở Cần Thơ cùng đi Hậu Giang bàn việc chuẩn bị Mekong Connect 2024 thì nghe tin thầy vừa mất trước đó nửa giờ. Mình nhớ ngay đến stt trên, viết ngay sau khi nhận điện thoại của thầy, giọng thật vui báo tin là vừa được bệnh viện cho về và thầy sẽ kịp đi dự Mekong Connect (năm ngoái đây thôi, tổ chức ngày 16/11/2023).

Và năm nay thì Mekong Connect…sẽ không có thầy.

Sáng mai mình chỉ còn được đi thăm thầy một lần cuối, lại chạy từ Sài Gòn xuống Cần Thơ. Thương quá, những ngày cuối cùng của thầy ở dương thế là về với trường đại học Cần Thơ rồi sau đó, được về quê nhà Châu Đốc, An Giang. Bạn bè Cần Thơ luôn cập nhật thông tin việc chuẩn bị đón thầy. Thầy Nguyễn Ngọc Đệ, thầy giáo ĐH Cần Thơ, người bạn thân thiết của cơ quan BSA của mình đang cùng các bạn chuẩn bị cho giờ phút cảm động đón thầy về. Rồi sau đó là về quê nhà, Châu Đốc, về núi Ba Thê, an nghỉ bên cạnh ngưới vợ tào khang Bùi thị Ngọc Lệ của thầy.

Mình cũng vừa nhận được bức thư của người bạn thầy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan viết về những giây phút nghe tin thầy đi xa. Xin chép ở đây, vì tất cả tình cảm thiết tha của chị Chi Lan với thầy (mà lại cũng có liên quan Mekong Connect).

“Sáng hôm nay, tôi bàng hoàng đau đớn khi nhận được tin Giáo sư VÕ TÒNG XUÂN qua đời. Suốt cả ngày, những kỷ niệm các cuộc gặp Anh, nghe Anh thuyết trình, trò chuyện với Anh...cứ tràn về. Đặc biệt cuộc trò chuyện trên chuyến bay dài đi Canada đầu thập kỷ 1990 (cùng các anh Lê Đăng Doanh, Võ Quý) và cả lượt về, mỗi lần mười mấy tiếng đồng hồ, đối với tôi không bao giờ có thể quên được. Tôi học được từ Anh không biết bao nhiêu điều trong chuyến đi đó, cả về nông nghiệp, lúa gạo, tôm cá, trái cây, cuộc sống của nông dân, đến giáo dục, sự học, cũng như về Đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt An Giang, quê hương Anh và cũng là nơi tôi được sinh ra. Từ chuyến đi đó, Anh gọi tôi là đồng hương, và lần nào anh em gặp nhau cũng có bao chuyện để nói. Lần cuối gặp Anh tại Mekong Connect năm ngoái, hai anh em ôm nhau mừng mừng tủi tủi khi tôi chúc mừng Anh vượt qua thách thức lớn về sức khỏe. Anh còn cười bảo tôi yên tâm, sẽ có nhiều dịp cùng làm việc với nhau nữa, vì Đồng bằng sông Cửu Long đang tới lúc chuyển mình mạnh mẽ. Vậy mà hôm nay Anh lại ra đi...

Đất nước ta thời nào cũng có những nhân tài, những người con ưu tú. Nhưng với tôi, người như Anh Võ Tòng Xuân thực sự quý hiếm, cả về tài năng, đức độ và sự cống hiến trọn đời cho Đất nước. Yêu nước, thương đồng bào, nhất là thương nông dân và học sinh, tận tụy bền bỉ dốc lòng dốc sức cho cây lúa, cho nền nông nghiệp, cho sự phát triển của Việt Nam..., mấy ai được như Anh!

Cầu mong Anh rũ bỏ những điều còn trăn trở, thanh thản về cõi vĩnh hằng. Những người đã được học Anh, làm việc với Anh, cùng hàng chục triệu nông dân Việt chắc chắn sẽ mãi nhớ công lao của Anh và tiếp tục chung sức cho nền nông nghiệp Việt, cho Đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam thịnh vượng như Anh hằng mong ước”.

Tiếp theo là đôi lời chia sẻ của giáo sư Trần Văn Thọ về thầy Võ Tòng Xuân

VÀI KỶ NIỆM VỚI GIÁO SƯ VÕ TÒNG XUÂN.

( Tokyo 21.8 ) Giáo sư Võ Tòng Xuân là nhân tài hiếm có của đất nước, được đông đảo dân chúng ngưỡng mộ và tặng danh hiệu Tiến sĩ của Nông dân hay Doctor Rice.

Anh Xuân nhận rất nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, trong đó có Giải Nikkei Asia, do tờ nhật báo uy tín Nikkei Shinbun của Nhật Bản tổ chức. Giải nầy hằng năm trao cho 3 người Á châu đã có thành tích xuất sắc về nghiên cứu hoặc hoạt động thực tiễn về một trong ba lãnh vực: Kinh tế phát triển, khoa học công nghệ và văn hóa. Từ 1996 là năm trao giải đầu tiên đến giữa thập niên 2000 tôi được báo Nikkei nhờ tiến cử người Việt Nam vào trong danh sách để Ban Giám khảo bình chọn. Năm 2001 tôi giới thiệu Giáo sư S. vào bộ môn kinh tế phát triển của Giải thưởng. Giáo sư S. là người đầu tiên ở Việt Nam viết nhiều bài báo và sách nói về những khiếm khuyết của kinh tế kế hoạch tập trung và kêu gọi Việt Nam cần chuyển sang kinh tế thị trường, xem như người đóng góp về mặt lý luận để dẫn tới đổi mới năm 1986. Rất tiếc năm đó Giải thưởng Nikkei Asia được trao cho một lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ, có công đầu trong việc phát triển ngành công nghệ thông tin (IT). Năm sau tôi giới thiệu Giáo sư Võ Tòng Xuân. Lần này có thêm Đại sứ Nhật tại Việt Nam cũng tích cực tiến cử. Rất mừng là anh Xuân đã được trao Giải Nikkei Asia năm 2002. Tôi có tham dự Lễ phát thưởng tại Tokyo.

Một kỷ niệm đáng nhớ khác là lúc anh Xuân hướng dẫn vợ chồng tôi thăm Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2003. Ngoài việc hiểu biết tình hình phát triển và đời sống người dân ở vựa lúa Việt Nam dưới sự hướng dẫn của chuyên gia uy tín số một, chúng tôi được chứng kiến một hiện tượng mà nhiều người có kinh nghiệm tương tự đều nhắc đến. Đó là thấy anh Xuân hòa mình vào nông dân, ân cần hỏi thăm nông dân về cây lúa, cây ăn trái, tình trạng mương lạch, giếng nước, v.v.. Ấn tượng nhất là ai cũng xem anh như người thân, người thầy đáng kính.

Xem lại các emails trao đổi với anh thấy có một chi tiết vui. Tháng 7 năm 2015 báo Nikkei có tổ chức hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh về đề tài “Các vấn đề phát triển của Việt Nam và triển vọng hợp tác Việt Nhật”. Họ nhờ tôi liên lạc với anh Võ Tòng Xuân hỏi ý kiến anh trước khi họ gửi thư mời chính thức. Kết cuộc cả anh và tôi đều tham gia. Trước khi về dự hội nghị tôi hỏi anh Xuân thích thứ gì ở Nhật để tôi mang về làm quà và anh viết mail ngày 4/7/2015 như sau: “Tôi có cây viết (bút bi) sử dụng refill sau đây (chụp hình cây bút kèm theo). Vì tôi thường ký tên các văn bản bằng mực xanh này, nhưng kích thước bi 0,7 vẫn còn nhỏ quá, anh có thể mua cho tôi một hộp loại 1 - 1,2 mm”. Rất vui là món quà rất nhỏ mà đáp ứng được nhu cầu của anh lúc đó.

Tôi có một ân hận là hồi anh Xuân làm hiệu trưởng Đại học An Giang, anh có yêu cầu tôi thu xếp về giảng dạy một khóa hai hoặc ba tháng. Tôi hứa nhưng rồi chẳng thực hiện được.

Viết vài kỷ niệm để tưởng nhớ Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà khoa học tận tụy với việc phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp của Việt Nam./.

Fb Tran Van Thọ.

Rất rất nhiều người đã viết bài bày tỏ tiếc thương và đặc biệt nhắc lại những kỷ niệm họ ghi nhớ với anh Võ Tòng Xuân. Thật là công phu như TS Nguyễn Xuân Xanh và đầy tình cảm như anh Võ Tá Hân còn làm clip riêng về anh Võ Tòng Xuân. Các nhà báo như Huỳnh Kim, Bùi Văn...đều có những ghi nhận lý thú. Tôi nghĩ tổng hợp tất cả các kỷ niệm đó cũng sẽ thể hiện ít nhiều về những gì anh Võ Tòng Xuân đã không ngừng lao động và cống hiến với tất cả tình cảm, trí tuệ và sức lực của mình, cho đến những giây phút cuối. Nhất là về quan hệ của anh với TS Nguyễn Duy Xuân mà ít ai biết là anh muốn tự đặt tên cho mình là : VÕ - TÒNG XUÂN. Đó là một câu chuyện mà tôi may mắn tiếp cận được một số tài liệu cũng như những mong muốn của anh những ngày cuối, khi có thời gian và điều kiện cũng nên trình bày...

Người thân và cả người dân Cần Thơ nối đuôi rất dài tiễn đưa thầy Võ Tòng Xuân
Các em học sinh đứng bên đường chào đón ông, người thầy của lớp HSSV, cũng là người con của Cần Thơ.