Tôi tự nhiên muốn viết bài này vì vừa nhận được một câu hỏi nhiều nỗi niềm của cô em gái út: "Rồi bây giờ có cần em may áo mới nữa không?". Bé Thảo, người thừa kế thương hiệu may Vũ Khánh của bố tôi, vốn là học trò chân truyền của ông cụ.

Khi kể lại với bạn Hà Lê về sự tỉ mỉ và nghiêm khắc của bố tôi dạy dỗ tôi, tôi bỗng nhận ra, à, mà sao mẹ tôi hiền khô vậy, ít la rầy và cũng quá ít lời dạy dỗ. Vậy mà bây giờ, khi mẹ tôi khuất núi 23 năm rồi, tôi luôn nhớ điều khiến tôi hết sức biết ơn mẹ. Rằng mẹ tôi có 7 đứa con, 5 đứa con gái (ngũ hổ bình tây, bố tôi hay đùa) mà kén rể chỉ ngặt nghèo nhất một điều kiện: sau khi cưới, phải chịu ở thật gần chung quanh nhà mẹ "để chị em nó nương tựa nhau".

Và chị em tôi thương nhau thật, như tự nhiên trời sinh ra vậy.
Câu hỏi của cô em gái út, "stylish độc quyền" của tôi, như bạn bè hay gọi đùa, nhắn vậy vừa hỏi thăm vì sắp Tết mà có thể cũng có chút bực bội vì tôi vừa xong một chu trình giảm cân, may ghê, sút được kha khá, thế là, bao nhiêu quần áo may trước đây (có khi chưa mặc) nay đem ra mặc vừa hết, vui gì đâu. Nên tôi báo "tin vui", Tết này đào lên quần áo cũ, ít mặc coi như đồ mới, không phải may gì nữa.

Nhà tôi làm nghề may, cô em út học hết nghề bố, khéo tay và sáng tạo nhất. Cũng "độc tài" không kém gì bố tôi, khi thường gắt, sặc sỡ gì, mặc đi, chị lúc nào cũng tối thui xám xịt. Mà mỗi tuần cô ấy may ít nhất một cái áo mới (cho tôi "lên sóng", cô ấy giải thích), đủ kiểu đủ màu, nay tủ chật rồi. Vậy mà khi tôi báo tin ngừng may áo mới, là...không vui (trong khi khách hàng cũ, thấy tôi mặc kiểu vừa thu hình, điện thoại năn nỉ may, cô em từ chối vì nghỉ may lâu rồi).

Tôi từng kể đại gia đình tôi làm gì cũng thích làm chung. Đêm giao thừa năm nào cũng phải tụ tập đủ mặt. Nhiều năm cứ rủ nhau đi Đà Lạt cuối tuần, chỉ để cùng hưởng khí trời và thiên nhiên mát lạnh, cùng ăn uống chung cho vui. Bây giờ, đi làm từ thiện các nơi xa, cũng rủ nhau đi cho bằng được. Tụi nhỏ đi học thêm, đứa này học ILA thì đứa cùng tuổi cũng được đi học y chang, có khi nhà này đóng tiền học thêm luôn cho con nhà kia.

Hồi đó, má tôi còn phân vai, ông Phước nhà tôi lớn tuổi nhất trong mấy ông con rể, thì vai con trưởng, chuyện gì hệ trọng, hôn nhân các cháu, mua bán nhà...phải qua ý ông ấy. Ông ấy uy tín nhưng tôi ngầm nhận ra, ông ấy toàn phân tích sao cho đúng ý từng đứa em, mà mẹ tôi vẫn khen, anh tụi bây luôn có lý.

Kim Anh, khi về hưu từ Sở Văn hóa, tôi rủ vô BSA, cùng lo cho lớp trẻ khởi nghiệp. Tôi cẩn thận giới thiệu từng chuyên gia kinh tế, thị trường, vì lâu nay Kim Anh làm nghề văn hóa, di sản. Vậy mà chỉ ít lâu, tôi ớ ra, bạn ấy còn giới thiệu ngược cho tôi trùng điệp chuyên gia khắp các lĩnh vực, vùng miền, từ nhiều đại học biết bao tin cậy thân tình. Và trong mỗi gia đình, bạn để ý thử coi, thường có một người nhớ hết lịch giỗ quải, chăm lo cho mọi nhà, cả giỗ nhà ông chú tận Lao Cai cũng nhớ, thì trong nhà tôi, đó là bà Kim Anh.

Mọi người nói tính Kim Anh giống má tôi, còn tôi thì y chang bố (mỉa mai, móc họng số 1, hồi xưa). Má tôi, không hay quát mắng cũng không dữ đòn như bố tôi mà toàn lấy gương đứa lớn dạy đứa nhỏ, kiên nhẫn khuyên lơn, rủ rỉ rù rì mà không bao giờ bỏ cuộc khi cụ "triển khai nghị quyết" riêng của cụ.
Và quả thật điều luật, tụi con phải ở gần nhau để nương dựa nhau, tới giờ vẫn thật là hiệu nghiệm.

Phải thương nhau, đó là luật của mẹ tôi, bất di bất dịch. Coi bộ điều luật đó vẫn hiệu nghiệm tới giờ khi đời cháu, tụi nhỏ dựng vợ gả chồng rồi cũng thích quây quần bên nhau...

NHỚ ƠN MÁ TÔI