
Ngày 15/5/2021, văn phòng Hội DN.HVNCLC nhận được các tài liệu từ một doanh nghiệp là thành viên Câu Lạc bộ DN dẫn đầu với một câu hỏi gấp gáp: Tổng giám đốc công ty chúng tôi được một trường Đại Học Hoa Kỳ mời làm hồ sơ để họ tặng bằng Tiến Sĩ danh dự. Chúng tôi không có nhu cầu nhưng cũng ngại “làm mất lòng” cơ quan báo chí (cơ quan ký hợp đồng) nên nhờ Hội cung cấp thông tin và tư vấn là có nên tham gia không.
Người Phó Tổng giám đốc công ty này kể sự việc. Mới đầu họ gửi thư mời (tiếng Việt) nhân danh Ban đề cử sắc phong hàm danh dự của trường Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (International American University – IAU) cho biết: Ông đã được ban đề cử giới thiệu với Ủy ban cấp bằng bằng danh dự của trường để bình xét hồ sơ, đặc cách phong tặng học vị Tiến sĩ danh dự của trường. Kèm theo là một hợp đồng để ông TGĐ ký với CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN BÁO CHÍ VIỆT NAM gọi là nộp chi phí làm hồ sơ. Ngày kế tiếp, họ gửi tiếp thư bằng tiếng Anh có tiêu đề và logo nhà trường nhắc xác nhận.
Qua lời giới thiệu, chưa tìm hiểu về một trường Đại học tự nhận là hạng 2 trong bảng xếp hạng 10 trường đào tạo về quản lý hàng đầu của bang California, thấy doanh nghiệp “ngại” cơ quan báo chí, chúng tôi tìm hiểu sơ bộ về đơn vị muốn ký hợp đồng là: Công ty cổ phần phát triển báo chí VN. À, tên có chút liên quan “báo chí” nhưng hoàn toàn không phải cơ quan báo chí.
Thông tin ban đầu, mã số thuế là… và ngành nghề hoạt động là: bán lẻ sách báo, tạp chí và văn phòng phẩm! (Dính líu tới báo chí là doanh nghiệp...ngại!)
Để doanh nghiệp khỏi phải lo âu nữa, chúng tôi mang trường hợp này hỏi chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh.

TS Trần Đức Cảnh nguyên là Giám đốc chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của bang Massachusetts, Mỹ. Ông đã sinh sống và làm việc ở Hoa Kỳ hơn 50 năm. Là một trong những người góp phần cho Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và chương trình học bổng Fulbright và đại học Fulbright Việt Nam, là Cựu cố vấn hội đồng tuyển sinh Đại học Harvard trong 10 năm. Ông cũng được Thủ tướng Việt Nam bổ nhiệm là thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực VN (năm 2016 -2021). Hiện nay ông tiếp tục là cố vấn cho các trường đại học Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ông đã trả lời như sau:
Hệ thống giáo dục đại học Mỹ được cho là lớn và phức tạp nhất thế giới. Tiêu chí đánh giá một trường đại học (có số năm học hơn 2 năm), trước tiên là phải được kiểm định. Nếu một trường đại học không được hay chưa được kiểm định thì văn bằng cấp ra không có giá trị. Chúng ta có thể kiểm tra dễ dàng tên, thông tin các đại học đã được kiểm định trên trang web của Bộ Giáo Dục Mỹ hay tổ chức Council for Higher Education CHEA.
Có mấy loại kiểm định: cấp vùng, quốc gia và kiểm định theo chương trình.
- Nước Mỹ có 6 Tổ chức Kiểm định cấp Vùng (Regional Accreditating Organizations) hoạt động độc lập, được tổ chức CHEA (Council for Higher Education Accreditation) và Bộ Giáo Dục Mỹ công nhận. Có khoảng 3.400 đại học (số năm học hơn 2 năm) nằm trong 6 tổ chức này. Đây là các tổ chức kiểm định có uy tín trong hệ thống giáo dục đại học Mỹ, quan trọng là bằng cấp và tín chỉ môn học được công nhận trong hệ thống cũng như các sinh viên theo học thì được nhận trợ cấp từ chính phủ.
- Tổ chức Kiểm định Quốc gia (National Accreditation) mà IAU đề cập có khoảng 600 đại học tư (có lợi nhuận), được CHEA công nhận, tuy nhiên các trường này nghiêng về đào tạo ngành chuyên môn, nghề, đào tạo chương trình ngắn hạn (ví dụ, chỉ có 2 năm). Văn bằng, tín chỉ môn học thường không được các trường trong 6 Tổ chức Kiểm định (đã nêu ở trên) công nhận, vì họ không xem là tương đương. Việc trao tặng bằng tiến sĩ Danh dự mà có thu phí làm hồ sơ là vì mục đích kinh doanh.
- Tổ chức Kiểm định Chương trình đại học thực sự (trường học nhiều hơn 2 năm, không phải dạng cao đẳng như ở Việt Nam, hay là trường dạy nghề) thì rất đa dạng, nghiêm ngặt và mức cao thấp còn tuỳ thuộc vào chương trình và trường.
Gần đây ở Việt Nam, tôi có nghe vài trường hợp các trường đại học Mỹ cấp bằng Tiến sĩ Danh dự (Honorary Doctorate degree) cho một số người Việt Nam, phần lớn là các doanh nhân. Nếu được các trường uy tín trong Tổ chức cấp Vùng trao, tức có được 6 tổ chức kiểm định công nhận thì là điều đáng mừng, còn nếu do các trường không có uy tín thì không nên nhận vì “lợi bất cập hại”.
Tuy bằng TS Danh dự không có giá trị học thuật hay chuyên môn nhưng ý nghĩa rất lớn về tinh thần. Mục đích là tuyên dương những cá nhân xuất sắc, từng đóng góp nhiều cho xã hội và/hay tổ chức trường trên nhiều lĩnh vực ... chính trị, giáo dục, xã hội, kinh doanh …
Bằng TS Danh dự thường dưới tên gọi về Luật hay Văn chương, không có ghi ngành chuyên môn. Ví dụ năm 2017 ĐH Harvard trao bằng TS Danh dự cho Mark Zuckerberg dù Zuckerberg trước đó chưa học xong đại học, tương tự như Bill Gates được trao năm 2007. Mỗi đời Tổng thống Mỹ cũng thường được nhận bằng TS Danh Dự từ các trường.
Và cần nhấn mạnh, việc trao bằng này không có thu phí và cũng không đòi hỏi điều kiện gì khác.
Bằng TS Danh dự chỉ thực sự có giá trị khi cá nhân được trường đại học có uy tín đề cử, công nhận là xứng đáng. Mỗi năm, tại các buổi lễ tốt nghiệp, trường trao bằng TS Danh dự cho từ 1 đến 5 cá nhân, và việc này được công khai quảng bá rộng rãi. Đây cũng là niềm tự hào lớn của trường và người nhận bằng.
Vì vậy, tổ chức hay cá nhân thuộc doanh nghiệp nên cẩn thận khi có ai đó nhân danh trường đại học của Mỹ liên hệ bạn về việc phong tặng bằng TS Danh Dự, yêu cầu đóng góp hiện kim, hiện vật để…làm hồ sơ thì không nên dễ dãi tin. Đây là điều xa lạ vì trái ngược ý nghĩa cao quý của việc trao bằng.