NHÀ BÁO KIM HẠNH LIVESTREAM BÁN HÀNG NHƯ THẾ NÀO??

NHÀ BÁO KIM HẠNH LIVESTREAM BÁN HÀNG NHƯ THẾ NÀO??

Một số bạn bè đã nhắn tin hỏi tôi: "thật à, Kim Hạnh livestream bán hàng trên Shopee hả? Mình không kịp xem mà tò mò quá, bạn đã làm chuyện đó như thế nào?"

Ừmm… Mình có tham gia một chương trình livestream bán hàng nông đặc sản Việt của 20 tỉnh thành với tên là “Tinh hoa Việt du ký” vào trưa ngày 15/4/2024. Đây là chương trình đầu tiên của một loạt chu du khắp miền và mình xuất hiện chung với lại hai bạn trẻ, một là cô hoa hậu Khánh Vân và một là cô MC cũng nổi tiếng tên là Thanh Thanh Huyền. Hai cô gái liến thoắng xinh tươi và đều đủ thước tấc.

Mình xin nói rõ luôn, mình tham gia livestream nhưng được làm đúng công việc một nhà báo chứ mình không có làm livestreamer đâu. Thấy các bạn livestreamer làm việc, mình phục lắm, cũng là một nghề khó đó chứ. Tuy vậy, mình thấy việc bán hàng cụ thể đó coi bộ…không hợp với mình. Mình chỉ kể chuyện và trả lời các câu hỏi thôi. Xen kẽ là bán hàng nên chương trình khá linh họạt và phong phú.

QUYẾT ĐỊNH THAM GIA CUỘC LIVESTREAM CỦA SHOPEE

Hồi đầu, nghe Shopee mời là mình tròn mắt, chắc họ nhầm đó. Nhưng họ kiên trì giải thích, Shopee cần mình giới thiệu các đặc sản Việt. Ô, đó là “tuồng ruột” của mình rồi. Rồi lại có phần trả lời các câu hỏi để nâng giá trị sản phẩm, giúp việc mua hàng dễ dàng hơn. Chuyện gì chứ quảng bá cho hàng Việt thì mình nhận lời. Kịch bản họ kiên nhẫn đưa mình sửa đi sửa lại  và cả 3 món họ chọn sẵn cũng là các món mình thích và hiểu rành: Bánh chuối phồng Tư Bông, dừa sáp Cầu Kè Trà Vinh và Mật hoa dừa cũng của Trà Vinh. Mình giới thiệu trong 25 phút, và trả lời các câu hỏi cũng chừng 20 phút, còn lại là giờ bán hàng. Khi màn hình trực tuyến của Shopee bật lên, mình thấy số người theo dõi là 13 ngàn.

Việc tổ chức tuy nói là lần đầu nhưng có vẻ rất nhịp nhàng, chuyên nghiệp. Mình vừa tham gia, vừa nhìn ngắm và tự nghĩ, sẽ có thể nói cho các doanh nghiệp hội viên của Hội một số cách để livestream sao cho hiệu quả. Khi chuẩn bị, hãng Shopee cũng hỏi mình có muốn đề nghị tham gia cùng với ai và mình nhìn danh sách các KOL, thấy đều có nghề nên trả lời là với ai cũng được.  

TIẾT LỘ NHỮNG BÍ QUYẾT CỦA NHÀ SẢN XUẤT

Khi giới thiệu các  sản phẩm, mình thấy họ chuẩn bị khá cẩn thận, đủ các loại. Và biết rằng các doanh nghiệp không phải trả xu nào cho nhà tổ chức thì mình càng thấy phải “tận dụng cơ hội” nói cặn kẽ cho từng loại sản phẩm. Với hai loại bánh chuối phồng và dừa sáp Cầu Kè, mình còn nói thêm những bí quyết làm cho sản phẩm thật ngon và hấp dẫn. Với món bánh chuối phồng là nghệ thuật nướng và phơi bánh phồng, sao cho bánh vẫn dòn tan, mà vẫn có độ dịu để cuốn và cắt thì không bị bể và điều này không phải là nhà Tư bông thì e là khó làm được. Còn dừa sáp, thì mình chứng kiến khi doanh nhân siêu giỏi về sấy và lên men là anh Nguyễn Lâm Viên hướng dẫn nhà sản xuất cách tránh cho sản phẩm bị “lên dầu”. Yếu tố khiến mình thầm quí trọng ở các bạn trẻ làm ra các món đặc sản này là các bạn đều rất chú ý tới tiêu chuẩn, để bảo đảm chất lượng sản phẩm được nhất quán, bền vững (nhiều doanh nghiệp HVNCLC hoạt động đã lâu, thương hiệu khá quen thuộc rồi mà vẫn giữ thái độ mua bằng, đối phó với giấy chứng nhận tiêu chuẩn thay vì hiểu rằng tôn trọng tiêu chuẩn chính là giúp cho mình, để luôn đúng qui trình, đảm bảo chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu.

Nhờ nghề dạy nghề, và cũng được người tiêu dùng "mách nước" sau trải nghiệm của họ, nên mình thấy cả ba thương hiệu này đều đưa ra sản phẩm mới khá nhanh. Quả thật, khi ba bạn trẻ bán hàng live thì mình thấy có rất nhiều loại sản phẩm mình mới thấy và nghe tên lần đầu. Vậy cũng mừng.

Hết giờ bán hàng thì lại đến phiên mình trả lời các câu hỏi của nhà tổ chức hay của khách hàng đang theo dõi.

BA CÂU HỎI KHÓ

Câu hỏi thứ nhất, bán hàng theo xu thế mới nhất hiện nay là làm như thế nào, thì thật ra, thưa các bạn, hình thức livestream hiện nay là hấp dẫn nhất. Có sự tương tác trực tiếp qua sóng với người mua và nhận được câu hỏi ngay tức thì, trả lời cũng có thể ngay lập tức. Một số bạn livestreamer kể là các bạn “ghiền” cái cảm giác hồi hộp, háo hức, khám phá khi liên tiếp nhận được câu hỏi và yêu cầu của người mua. Bên cạnh live còn có video cũng là một “ngôn ngữ” mới, làm sống động sản phẩm ngay trước mắt. Nhiều đại công ty đã qua thời làm TVC đắt tiền, thôi mua sóng giờ vàng và thôi luôn các chương trình sampling, khuyến mãi tặng quà tốn kém, nhờ chuyển qua làm hình thức livestreaming này mà tốc độ thông tin hình ảnh thật nhanh, những cú tung voucher thật “hot”,chuyển deal cấp kỳ đã tạo cảm giác “bỏ qua rất uổng” (FOMO) nơi người mua, khiến mọi người nối đuôi nhau chốt đơn hàng ngàn cái với nhịp thật nhanh đã diễn ra chóng mặt.

Mình nhắc một công thức quen thuộc, bán hàng livestream thì cố gắng nói nhanh, nói gọn, nói rõ, nói thẳng vào vấn đề và chú ý thêm có một chút tính giải trí và nhấn mạnh lợi ích của cái sản phẩm. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia thị trường của BSA có “bỏ nhỏ” cho mình trước đó rằng , căn bản vẫn là phải chú ý chất lượng và tính nhất quán, đừng sụt giảm dần về chất của sản phẩm.

Câu hỏi số hai là làm sao để tận dụng tính năng hỗ trợ của sàn Shopee? Là người chuyên nghiên cứu thị trường, mình thật dễ dàng với câu hỏi này như gặp…bài tủ vậy. Là một sàn thương mại điện tử đứng đầu 4 sàn lớn nhất hiện nay, Shopee sẵn có một hệ thống data (dữ liệu) lớn và với từng loại sản phẩm được tung ra bán thì Shopee có thể cung cấp thông tin về khách hàng mục tiêu để nhà sản xuất làm vui lòng khách hàng chính của mình. Một hệ sinh thái 360 độ của Shopee nếu được phân tích công phu, được cẩn trọng đưa vào cả 3 bước của hành trình bán hàng ắt sẽ giúp nhà sản xuất thu được kết quả tốt. Cái thứ hai là họ có hệ thống quảng cáo rộng rãi, họ có hệ thống logistic , giải quyết việc hoàn tất một hành trình bán hàng sau đó. Đó là kho ở đâu,  vận chuyển như thế nào, làm sao để hàng đến đúng chất lượng và đúng thời gian cho người tiêu dùng thì đây cũng là một cái lợi thế của một cái sàn lớn như là Shopee. Mạng xã hội là nơi nhà bán hàng có thể gặp được dễ dàng đông đảo người tiêu dùng nhưng quá đông lại cũng không tốt bằng được chọn lựa cho phù hợp. Sự hỗ trợ của hệ thống các kênh quảng cáo, kho hàng, vận chuyển, thanh toán nhanh… mới là quyết định chất lượng cho việc hoàn tất qui trình bán hàng.

Điều thứ hai là tính năng hỗ trợ bây giờ ngày càng phong phú với đà phát triển của công nghệ. Livestream cũng là một loại công nghệ. Bây giờ video trực tuyến cũng là một loại công nghệ khác mà ông lớn Amazon sử dụng rất là nhiều khi cạnh tranh ở châu Âu.

Và thứ ba , câu hỏi là làm sao để sàn thương mại điện tử tăng cái tính trải nghiệm cho người tiêu dùng thì câu trả lời là sự phối hợp cả 3 thứ: hệ thống quảng cáo và phát, hệ thống logistic và hệ thống các nền tảng.

Các sàn TMĐT hiện nay đang có những cố gắng thăm dò người tiêu dùng về các hình thức tiếp cận, nội dung phục vụ khác nhau.

VÀI Ý NGHĨ VỀ CUỘC CẠNH TRANH

Không chỉ bán hàng, không chỉ chạy theo doanh số, cuộc cạnh tranh hiện nay còn đòi hỏi nhà tổ chức sàn biết chú ý tâm trạng xã hội để chia sẻ và tạo sự gắn bó, đó là một cách định vị có tầm nhìn xa. Một cách đầu tư thu hút người tiêu dùng bằng cảm xúc, bằng định vị thương hiệu hiệu quả khi mà đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh duyên hải miền Trung …đang đối mặt với rất nhiều khó khăn: hạn mặn, sạt lở, thiếu nước…Bắt đầu cuộc du ký bằng sản phẩm được ưa thích của chính các vùng đất này cũng là một cách “sáng tạo nội dung” có động não của nhà tổ chức.

Xây dựng nền tảng chuyên nghiệp và có một tầm nhìn xa, ứng biến với những động thái của thị trường để tăng độ trải nghiệm của người tiêu dùng cũng là một cách cạnh tranh. Một ví dụ nhỏ. Bắt đầu chương trình là bức ảnh ba người tham gia chụp chung. Tôi có chút “ái ngại” vì biết chiều cao 3 người hơi “lởm chởm”. Khi cả 3 ngồi vào bộ sofa, tôi ôm vai hai cô gái, cùng chụp ảnh. Vài phút sau, tôi thấy bức ảnh này đã trở thành poster cho chương trình.

Việc chọn ảnh này có thể chỉ là tình cờ, nhưng nếu không phải là tình cờ thì cũng là yếu tố thú vị, vì có tính “thực chiến”.

Các bạn ơi. Kể ra mình cũng có thử vài hình thức mới mẻ để tăng độ thích ứng khi xúc tiến cho sản phẩm Việt. Mình từng tham gia kịch ứng tác, nay tham gia thêm một “công đoạn” của livestreaming. Qua đó, mình nhận ra một vài kinh nghiệm và có thể sẽ chia sẻ lại cho các bạn trẻ khởi nghiệp để họ sẽ tự livestreaming cho đạt hiệu quả hơn.

Vậy là mình vui thêm được chút xíu rồi.