
Khi nhận tin đó, tôi vừa ngạc nhiên vừa không ngạc nhiên. Anh có bằng cấp chuyên môn về luật và am hiểu hầu hết lĩnh vực liên quan quản lý Công Thương vì ngay từ rất lâu, đã được bố trí phụ trách các Cục Vụ của Bộ Thương Mại (từ lúc ông Trương Đình Tuyển là Bộ Trưởng) như Vụ thương mại đa biên, Vụ Á-Phi, đoàn đàm phán tham gia WTO, Cục quản lý thị trường, Vụ pháp chế, Vụ thị trường trong nước rồi được đưa đi luân chuyển ở Cần Thơ tới 2 nhiệm kỳ, cuối cùng anh là Phó trưởng ban đối ngoại TW.
Anh đàn ghi ta hay, tham gia tưng bừng các giải chạy marathon... luôn được các bạn trẻ đồng bằng gọi là "đại ca", anh Hai Lúa thân yêu.
Xin về hưu sớm gần 5 năm, gần đây, anh xin chuyển về làm công dân thường trú ở quận Cái Răng, Cần Thơ, bắt đầu...là "doanh nhân trẻ khởi nghiệp" chuyên cung cấp dịch vụ pháp luật cho dân. Quan trọng là có vẻ anh đã chuẩn bị tâm thế để tận hưởng một cuộc đời tích cực, làm cán bộ thì (coi bộ) dân thương, làm đại ca thì dân (trẻ) càng ... thương hơn.
Tối qua, gặp anh ở bữa cơm tối mà Ban Tổ Chức mời các bạn hữu và tác giả của báo cáo KT thương niên ĐBSCL, tôi gặp anh, luôn khuấy động không khí thật vui đúng kiểu anh Hai Lúa đồng bằng.

Sáng nay, mở FB, tôi thấy anh post bức ảnh ấm áp đã chụp với bà chị Phạm Chi Lan, tôi còn đọc thấy một dòng anh viết. Quả là người bạn luôn "biết" nhiều về bạn bè.
Anh viết:
"Ăn cơm tối với cô Phạm Chi Lan tại nhà hàng mà ngày xưa là nhà chị Vũ Kim Hạnh .
Cô Chi Lan bảo: “Chào mừng doanh nhân trẻ nhé”. Mà Hai Lúa thấy mình….trẻ thật!"
Mấy dòng ngắn ngủi đó cũng khiến tôi bồi hồi. Cho tôi kể chuyện lan man một chút về ngôi nhà cũ này.
Tôi đang ngồi trong "khu vực" đẹp nhất của ngôi nhà cũ, 201B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, giữa ...tiệm may của cô em gái út mang tên tiệm VŨ KHÁNH.
Ngôi nhà này là một kỷ niệm đẹp của anh chị em trong nhà tôi. Những năm 90, kinh tế gia đình khó khăn, vợ chồng tôi quyết định dành một nửa căn nhà phần mặt tiền để em tôi mở tiệm may. Thời kỳ đó, ba tôi đã nghĩ hẳn, không còn làm nghề (may) nữa và những cái Tết, khi hàng xóm chung quanh đốt pháo đùng đoàng ồn khủng khiếp, thì ông con rể lại thuyết phục đưa cụ về nhà này để "né pháo". Căn nhà tuy giữa trung tâm TP nhưng cấu trúc hơi tuềnh toàng, không lung linh như nhà hàng La Maison hiện nay. Sân nhà có khá nhiều cây, có cả cây ăn trái như cây nhãn, cây ổi (tối qua tôi thấy cây nhãn vẫn còn, cao vượt lên và gầy yếu hơn). Nhìn cây nhãn, tôi nhớ lần cô giáo của Tèo kể tôi nghe chuyện Tèo khoe khoang nhà chàng ta rất giàu. Rằng, cô ơi, nhà con giàu lắm, có rất nhiều cây. Cô hỏi, ủa, ba mẹ con cất nhiều cây ở đâu mà con biết? Tèo tỉnh rụi, dạ cây thì đầy ngoài sân đó cô, có cây nhãn nè, cây ổi nè, có lần con leo cây ổi té phun máu đầu...
Câu chuyện về ngôi nhà cũ còn dài, nó không chỉ là cái nhà mà là chuyện tình nghĩa sâu sắc của gia đình những lúc gặp khó khăn, mà chỉ "người trong nhà" mới hiểu thế nào là thương nhau thực lòng, ngay cả trong nhà cũng không cần phải nói ra nhiều lời.

Sáng nay đến dự Lễ công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL, tôi lại gặp được anh Trương Quang Hoài Nam. Và tình cờ, tôi thấy các nhà sáng lập Mekong Connect có mặt, đúng là chính những người trực tiếp sáng lập mạng lưới 4 tỉnh ABCD Mekong:
- Anh Lê văn Nưng, chủ tịch HĐND tỉnh An Giang
- Anh Nguyễn Trúc Sơn, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Bến Tre
- Anh Trương Quang Hoài Nam (nguyên là) Phó chủ tịch TP Cần Thơ vào năm 2015, thành lập diễn đàn Mekong Connect (chỉ vắng anh Lê Minh Hoan, nguyên là bí thư Đồng Tháp, khi ấy "tự nhận" là chủ nhiệm Câu Lạc Bộ ABCD Mekong).
Sức hút của đồng bằng? Khi được phân công về Cần Thơ trong mô hình luân chuyển, khó nghĩ là Hoài Nam sẽ an tâm "trụ" lại đây tới 2 nhiệm kỳ, nhưng bây giờ dù gia đình vợ con vẫn ở Hà Nội, anh cũng đã được "giấy phép" của bà xã cho anh về sống tiếp tục ở Cần Thơ.
Người miền Tây dễ thương vô cùng. Bài hát này luôn được yêu thích khá rộng rãi, không chỉ ở đồng bằng.