NGHĨ VỀ CHIỀU SÂU VĂN HÓA CỦA THƯƠNG HIỆU GẠO QUỐC GIA VÀ HÌNH ẢNH XỨNG ĐÁNG CHO THƯƠNG HIỆU SẦU RIÊNG VIỆT?

Với tư cách là một marketer, tôi rất hào hứng với ý tưởng xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, bởi lẽ đơn giản là một quốc gia xuất phát từ nền văn minh lúa nước mà không có chút danh tiếng nào về gạo thì rất đáng tủi.
Nhưng tôi cũng biết rằng muốn làm thì ý tưởng đó phải vượt qua năm bảy cửa ải cao vời vợi.
Ải đầu tiên là việc làm thương hiệu cần phải bắt đầu với việc lựa chọn một tiêu chí đánh giá chất lượng chung để có thể coi là đặc trưng cho gạo Việt. Tiêu chí đó cần phải đủ đơn giản, mô tả được trực quan khác biệt của hạt gạo càng tốt, ví dụ như gạo Basmati của Ấn độ thì hạt dài cơm rời, còn Japonica Nhật Bản thì hạt tròn cơm dẻo.
Ải thứ hai là dựa trên tiêu chí đó để tổ chức một cuộc thi “hoa hậu gạo Việt”, và nhất thiết phải độc lập với danh hiệu “World’s Best Rice” của gạo ST25. Cuộc thi cần được tổ chức công bằng, và nếu đặt vào bối cảnh dịp mừng lúa mới hàng năm, tương tự như tết mừng lúa mới của người M’Nông hay Tết Hạ nguyên của người Trung Quốc là đẹp nhất.
Ải thứ ba, và có lẽ là ải khó nhất, là cần có sự thay đổi về chính sách thực thi bảo vệ bản quyền giống gạo, để các cá nhân hay đơn vị lai tạo được giống gạo ngon có nguồn thu nhập từ việc lai tạo của mình. Hiện tại, pháp luật đã có hành lang, nhưng chưa có cơ chế, chế tài phù hợp thực tế, khiến cho việc “biết vẫn vi phạm” tràn lan, dẫn tới các giống lúa đã được đăng ký bản quyền như Nàng hoa 9, Đài thơm, OM5451 hay ST24, ST25... bị làm giả và bày bán tràn lan trên thị trường.
Nhưng nếu vượt qua được những cửa ải ấy, thì tôi tin chắc rằng “hoa hậu gạo Việt” không chỉ giúp nâng cao nhận thức của quốc tế về gạo Việt, và qua đó, nâng cao giá trị xuất khẩu, mà nó còn cổ vũ cho nhận thức về nguồn cội văn hóa của dân tộc.
Bởi lẽ, văn minh lúa nước là chiếc nôi để hình thành những cộng đồng dân cư có lối sống định canh, định cư và các giá trị văn hóa phi vật thể kèm theo, như lễ hội tịch điền đầu năm, mừng lúa mới vào dịp mùa thu, hay cả những bài dân ca. Nâng cao nhận thức văn hóa cội nguồn ấy cũng có nghĩa là tạo nền cho một niềm “tự hào Việt Nam” chính đáng.
Đấy là lý do mà tôi tin rằng danh hiệu “hoa hậu gạo Việt” hàng năm sẽ tạo ra nhiều giá trị cho đất nước.
Sự tủi tiếc cho thương hiệu sầu riêng Việt

Bản tin cuối tuần này của tôi đề cập vấn đề thương hiệu gạo, gợi cồn cào trong tôi niềm tủi tiếc cho sầu riêng Việt. Mấy hôm nay, bạn bè đang sống và kinh doanh bên Trung Quốc đều kể là, sầu riêng Việt Nam vẫn bán được, vì thị trường đâu có gì khác nữa khi khách vẫn “nghiện”, ăn đỡ cho qua thời buổi.
Tôi đã viết bài là đáng lẽ nên tận dụng cơ hội trời cho mình đang “một mình một chợ” mà xây dựng hình ảnh đẹp, ngon, tin cậy cho mình. Hết sức thuận lợi vì đối thủ nặng ký đang “mắc việc vắng bóng”. Việc họ mắc đó là, ông trời cho Việt Nam ân sủng là mùa màng rải được khắp vùng miền trên dãi đất thuôn dài chữ S. Nhưng chúng ta không có chiến lược đường dài (có lẽ cũng vì mọi chuyện đến nhanh quá, mới quá, cứ phải tận dụng cơ hội rồi sẽ tính tiếp?).
Tôi hình dung điều cần làm: Định vị lại cho thương hiệu sầu riêng Việt. Việc định vị lại rất hệ trọng vì nó cho chúng ta sở hữu gia tài lớn: Niềm tin cậy, sự đánh giá cao và ấn tượng về đẳng cấp cao lập tức cho sầu Việt chiếm được mức giá tự nhiên và hiển nhiên cao hơn hiện nay.
Điều này mang lại lợi ích kinh tế nhiều và lớn chứ? Hình ảnh và uy tín xuất hiện là người tiêu dùng chấp nhận mức giá thỏa đáng và xứng đáng một cách hiển nhiên, thì lợi ích và giá trị được gia tăng biết chừng nào.
Mà muốn vậy chúng ta cần có chính sách. Xây dựng hình ảnh, uy tín. Và bảo vệ hình ảnh theo cách nghiêm khắc nhất, mà một ví dụ thật rõ ràng, nước Thái Lan đã và đang làm: ngăn chặn mọi trái sầu riêng có hình ảnh tệ, chất lượng kém (non, sượng, chảy nước, nhạt nhẽo…).
Ngoài việc bảo vệ bằng kỷ luật và các điều luật được khẳng định và thực thi, thì quá trình giữ gìn uy tín cũng phải diễn ra bền bỉ, liên tục. Luôn “nghiên cứu và phát triển” (R&D) tìm thêm các giống mới, các yếu tố nâng cao chất lượng cơm sầu riêng (như Thái Lan bỏ ra nhiều tỷ baht để chỉ nâng độ khô từ 32 độ lên 35 độ cho cơm sầu Thái) và không ngừng tiến hành các chiến dịch quảng bá, nâng cấp cho vị trí sầu riêng trên thị trường. Sâu xa hơn là một hệ thống trách nhiệm được kết nối chặt chẽ dưới cái dù “Chiến lược bảo vệ và phát triển trái cây vua” của chính phủ Thái, từ đó mà Quân đội, Công An, Mạng lưới hợp tác xã toàn quốc, Hải quan, Thương vụ trên các nước… đều có vai trò và nghiêm túc thực hiện vai trò.
Cần có một chiến lược cấp quốc gia. Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cũng tự đặt mình trong đội hình này.
Như Trung tâm BSA, sau nhiều tháng theo dõi, tìm hiểu phương pháp trồng sầu riêng theo Nông nghiệp bền vững của chuyên gia Huỳnh Quới; chúng tôi đã mời anh tham gia thực hiện chương trình “Hướng dẫn trồng sầu riêng theo phương pháp nông nghiệp bền vững”.
Một nông trường từ lâu đã hoạt động trồng trọt nông sản hữu cơ là nông trường Phú Giáo đã cam kết tham gia chương trình để tập trung thực nghiệm và sẽ tổ chức chương trình huấn luyện offline cho nông dân cần tìm hiểu việc thực thi phương pháp này và BSA Media cũng dốc lược lương thực hiện loại video hướng dẫn từng khâu cụ thể, sẽ phát liên tục trên youtube (miễn phí) cho nông dân.
Chương trình sẽ được ra mắt bằng một không gian triển lãm, tư vấn về chủ đề này, và cũng có buổi thuyết trình trong chuỗi thảo luận chiều ngày 17/12 tại Diễn đàn Mekong Connect 2024.
(Phạm Ngọc Hưng-Vũ Kim Hạnh)