Vâng, ông là khách mời đặc biệt của Bộ Ngoại giao nhân lễ lớn 50 năm ngày Thống nhất đất nước, vì là nhân chứng sống của ngày 30/4/1975. Là phóng viên thường trú của tạp chí Far Eastern Economic Review, ông đã có mặt tại Sài Gòn vào thời khắc lịch sử khi xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập.

Thay vì rời đi như nhiều đồng nghiệp quốc tế, ông chọn ở lại để trực tiếp chứng kiến và ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng của chiến tranh Việt Nam.

Sau 50 năm, việc ông được mời trở lại Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm ngày 30/4/2025 mang nhiều ý nghĩa sâu sắc:

Ghi nhận vai trò lịch sử: Sự hiện diện của ông là lời tri ân đối với những nhà báo quốc tế đã ghi lại trung thực và sinh động những biến cố lịch sử của Việt Nam.
Biểu tượng của hòa giải và hợp tác: Việc mời ông trở lại thể hiện tinh thần cởi mở và mong muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Tôn vinh giá trị của ký ức và sự thật: Ông Chanda từng chia sẻ rằng những ký ức về ngày 30/4/1975 vẫn sống động như thể mới xảy ra hôm qua, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ghi nhớ và học hỏi từ lịch sử.

Sự trở lại của ông Nayan Chanda không chỉ là một chuyến thăm mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa Việt Nam và thế giới, góp phần làm sâu sắc thêm hiểu biết và tình cảm giữa các dân tộc.

Hôm nay, tôi – Phong C2T, dẫn ông – một nhân chứng sống của lịch sử, đi ngắm hoàng hôn trên dòng Hàm Luông quê tôi. Trên con thuyền nhẹ trôi giữa phù sa đỏ đục, tôi kể ông nghe về những huyền thoại sông nước Bến Tre: chuyện Anh hùng Hoàng Lam đánh chìm tàu Mỹ, chuyện ngư dân rải chài lúc bình minh, chuyện đom đóm dưới tán rừng bần... và cả chuyện Đồng Khởi năm xưa.

"Thưa ông Chanda, con sông này không chỉ chở phù sa – mà còn chở những ký ức thuộc địa, những khát vọng tự do, và những biến đổi toàn cầu hóa len lỏi tận rặng dừa xa kia."

Trước 1945: Người Hoa – người Việt – người Khmer buôn bán theo dòng sông, tạo nên mạng lưới thương nhân bản địa mà không cần nhà nước.

Thời thuộc Pháp: Kênh rạch được đào để khai thác mía, dừa, cau... phục vụ xuất khẩu qua cảng Sài Gòn – Hải Phòng – Marseille.

“Sông là đường cao tốc đầu tiên của Bến Tre, trước khi có cầu Rạch Miễu.”

Hôm nay là một ngày thật đặc biệt và nhiều cảm xúc đối với tôi và Du Lịch C2T: được đón tiếp vợ chồng ông Nayan Chanda – nhà báo kỳ cựu, học giả quốc tế và là tác giả của cuốn sách “Bound Together” lừng danh viết về toàn cầu hóa từ góc nhìn con người – đến thăm vùng đất Bến Tre thân thương

Giữa không gian sông nước, dừa xanh và tiếng chim ríu rít, sông nước Hàm Luông yên bình, chúng tôi đã cùng trò chuyện về những dòng chảy lịch sử, văn hóa, con người và những mạch ngầm kết nối toàn cầu – nhưng theo cách mộc mạc và rất… miền Tây.

Ông Chanda đến từ thế giới của những dòng tin quốc tế, nhưng hôm nay ông chọn lội bùn, thăm vườn, nghe kể chuyện làng, nếm chút dừa, ăn chút trái cây, miếng khô chiên 1 nắng của vợ chồng Anh Lâm, và… cười rất tươi như một người bạn cũ về thăm.

Tôi xúc động khi ông kể lại cho tôi – một người trẻ – những ký ức sống động về Sài Gòn ngày 30/4/1975:

Một chiếc đồng hồ bị nhúng vào ly nước vẫn chạy để chào bán cho bộ đội há hốc mồm.

Những cô gái quán bar từng lo sẽ bị “rút móng tay” nay thản nhiên trở lại váy ngắn, còn bắt chuyện và bán hàng cho các anh lính.

Công viên trước Dinh Độc Lập biến thành một hội chợ náo nhiệt chỉ vài giờ sau thời khắc giao thời.

Một cậu lính trẻ lần đầu đặt chân trần lên tấm thảm đỏ trong Dinh, mắt tròn xoe trước sự mềm mại lạ lẫm – hình ảnh vừa ngây thơ, vừa mạnh mẽ như chính một khúc quanh lịch sử.

Rồi ông kể về người bạn thân – nhà báo Phạm Xuân Ẩn – người mà ông từng tưởng đã lên trực thăng rời Sài Gòn, hóa ra lại là điệp viên Cộng sản lặng lẽ nằm vùng suốt bao năm. Một “triết gia” giữa đời thực – sống giản dị, hiểu biết, và không bao giờ nói dối ông điều gì.

“Cảm giác ấy thật siêu thực” ông nói. Trong khi thế giới nghĩ Sài Gòn đang chìm trong máu lửa, thì họ – những phóng viên còn ở lại – đang ngồi uống cà phê, ăn dâu Đà Lạt, và chờ lịch sử lật trang.

Tôi lắng nghe mà rưng rưng. Lúc thuyền quay đầu, ánh hoàng hôn rọi nghiêng mặt nước, tôi chỉ biết nói một điều với ông:

“Cảm ơn vì đã không rời đi. Cảm ơn vì đã kể lại.”

Và tôi tự hứa: Du lịch C2T không chỉ đưa người ta đi, mà còn giúp họ trở về – với những ký ức, bài học, và dòng sông chưa bao giờ cạn.

Lắng nghe ông kể, tôi không chỉ thấy lại những lát cắt sống động về ngày 30 tháng 4 năm 1975 — một ngày lịch sử mang theo nỗi sợ, rồi hóa thành nhẹ nhõm, và cuối cùng là sự chuyển mình đầy nhân văn — mà còn thấy lòng mình đầy biết ơn với những con người đã can đảm sống, viết và yêu đất nước này theo cách riêng của họ.

Tôi muốn bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến nhà báo Nayan Chanda — không chỉ vì những câu chuyện ông kể lại, mà vì cả sự trung thực, tử tế và cái nhìn nhân bản xuyên suốt những biến cố dữ dội của thời cuộc.

Tôi cũng xin tri ân nhà báo – điệp viên Phạm Xuân Ẩn, một con người lặng lẽ nhưng vĩ đại, đã sống trọn vẹn giữa hai thế giới và dành cả đời mình để phụng sự cho khát vọng độc lập – tự do – hòa bình.

Những ký ức ấy không chỉ để hoài niệm, mà còn là lời nhắc nhở: Chúng ta, dù là người làm du lịch, nhà báo, công dân hay bất kỳ ai, đều có thể sống một cuộc đời có ích, có lý tưởng — một cách bình dị nhưng can đảm. (Võ văn Phong, C2T)
PS của Võ văn Phong, CEO CT C2T. Cám ơn cô PHẠM CHI LAN đã tổ chức chuyến đi "lịch sử" này.

Còn PS của tôi. Ngày 28/11/2024, ông Nayan Chanda có đến Việt Nam dự một hội nghị tổng kết của Bộ ngoại giao. Chị Phạm Chi Lan có rủ tôi đến thăm ông và cũng để giới thiệu các sản phẩm ghép tranh bằng vải vụn của CT Vụn Art (một DN xã hội giúp người khuyết tật) mà ông Nayan Chanda muốn người cháu của ông bày bán ở cửa hàng mỹ nghệ tại Manhattan. Trong ảnh, chị Chi Lan đang giới thiệu sản phẩm.

NGẮM HOÀNG HÔN SÔNG HÀM LUÔNG & NHỮNG KÝ ỨC LỊCH SỬ 30/4 CÙNG NAYAN CHANDA, NHÀ BÁO ẤN ĐỘ NHÂN CHỨNG SỐNG CHO KHOẢNH KHẮC LỊCH SỬ 30/4/1975