
Tôi về dự Lễ Tri Ân ông do học trò ở Ký túc xá (KTX) Cỏ May tổ chức. Thư mời online nổi rõ một chữ “Khắc”. Và chương trình chỉ có 1g30 phút, tổ chức vào chiều Chủ nhật, sau ngày giỗ chính 6 ngày, (có lẽ để SV không phải mất các buổi học ngày thường).
Không có diễn văn và những lời tri ân to tát. Chỉ có một phút lắng đọng nhớ ông trong không khí trang trọng, thân tình. Mấy trăm SV (trong đó có 150 SV khóa 9 mới vào KTX năm nay) hát những lời giản dị tưởng nhớ về ông:"Nếu một mai tôi có bay lên trời, thì người ơi, tôi đã sống rất tuyệt vời". Chủ trì là chị Oanh, người vợ hiền dịu của ông và cậu con trai út Phạm Minh Thiện. Cả hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng, các thầy cô Đại học Nông Lâm và nhiều vị khách cùng dự.
Các con số đáng mừng được nhắc lướt qua: đến nay, KTX đã chăm lo cho 1008 SV, từ 40 tỉnh thành cả nước và đã, đang học ở 29 trường đại học ở TPHCM.

Tôi thú vị là ở năm thứ 9, các em không còn xếp hàng đơn ca hay múa mà đã biết làm clip kể chuyện về ông và “tụi nhỏ thân thương” của ông, và có cả tiểu phẩm thể hiện lời hứa thật “Khắc” là Giữ được ADN sinh viên KTX Cỏ May là: "luôn nỗ lực vượt khó, phát triển toàn diện và sống với lòng biết ơn cuộc đời”.
Cuối buổi, thầy Trần Đình Lý, hiệu phó gắn bó với KTX (thường ngồi tranh luận cùng chúng tôi, Hội đồng tuyển sinh mỗi đầu năm học để chọn hay không mỗi SV vào KTX) đọc một đoạn thư cảm động mà một người bạn cũ của ông Bên “nhờ” đọc.
Bài “Tưởng nhớ doanh nhân Phạm văn Bên- Cỏ May Đồng Tháp” của ông Lê Minh Hoan (nay là Phó chủ tịch Quốc Hội, không về dự được vì bận công tác).
Ông Minh Hoan kể giai thoại về hoa Cỏ May khá thú vị, và kết luận:
“Ngày này, 9 năm trước, trên dòng Tiền Giang đỏ nặng phù sa, có một chiếc bóng lặng lẽ hòa vào mênh mông trời nước, để lại sau lưng một cánh đồng lúa vàng, một ký ức nhân hậu, và một cái tên được nhiều người nhắc đến bằng tất cả sự trân trọng: Phạm Văn Bên – Người thầy không bục giảng.
Ông đi nhưng di sản ông để lại – là những mầm xanh của tri thức đang được vun trồng bằng tình thương. Những hạt giống của ông – giống như Cỏ May – sẽ còn theo chân biết bao sinh viên về lại làng quê, mang theo tri thức, lòng biết ơn và ngọn lửa phụng sự.
Là doanh nhân, khi đã thành công trong ngành lúa gạo, ông không chọn dinh thự sang trọng hay những lời tán tụng. Thay vào đó, ông lặng lẽ hiến tặng cho Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM một ký túc xá khang trang gần 500 chỗ – không phải để xây tên tuổi, mà là để gieo cơ hội cho những đứa trẻ quê nghèo biết ước mơ.
Ông còn trao học bổng, mở hướng đi thực tế cho sinh viên gắn bó với nông nghiệp, đưa cả doanh nghiệp của mình trở thành một “giảng đường ngoài đồng” – nơi người thầy không bục giảng dạy bằng hành động, bằng chữ tín, bằng đạo lý sống tử tế."

Và tôi tìm đọc lại bài viết 9 năm trước của ông bạn thân thiết này khi ngậm ngùi chia tay ông, hồi đó, ông Lê Minh Hoan đang là Bí thư Tỉnh Ủy Đồng Tháp, đã viết:
Vĩnh biệt anh Út Bên - Một nhân cách lớn, "Người thầy không bục giảng”
“Cả cuộc đời làm doanh nhân của mình, tôi đoán rằng Anh không có thời gian nhiều để học bài bản các khoá kinh tế, tiếp cận các lý thuyết quản trị, kinh doanh này nọ. Anh chỉ làm và làm tốt bằng sự tinh tế, nhạy bén của mình, bằng sự thấu cảm của mình.
…Anh hằng mong mỏi mai này có một thế hệ người "vừa có tài mà phải có tâm". Anh chính là một "Người Thầy không bục giảng", một người thấm đẫm "đạo làm người, đạo làm doanh nhân", một người không phải là người trí thức nhưng hiểu sức mạnh của tri thức là động lực phát triển cho mỗi con người và cho xã hội.”
Tôi ngồi “ăn đám giỗ” cuối buổi lễ, đám giỗ thật giản dị với những món nem, mắm, chả, rau…từ Đồng Tháp quê ông do người vợ chân tình và cậu con trai út hiếu để mang về, mà thấy vui.

Tình thương lớp trẻ và sự tử tế của ông đã được hàng ngàn SV KTX Cỏ May “khắc” lời tri ân về một “phẩm chất doanh nhân” thật bình dị và bền vững.