(GS Trần văn Thọ)
Hồi tôi học Trung học, có nhiều lần tôi chọn sách của các tác giả Tự Lực Văn Đoàn để làm "trần thuyết". Những câu chuyện tân tiến trong Tự Lực văn đoàn vào thời được viết ra, đến thời tôi làm "trần thuyết" cũng đã có nhiều nhìn nhận khác. Nhưng tôi tin, học trò hồi ấy, các bạn tôi, tới giờ vẫn nhớ những tác phẩm nổi tiếng của văn đoàn này. Mời đọc bài của một nhà nghiên cứu kinh tế nặng nợ với văn học-nghệ thuật.

Tại Nhật Bản, theo lịch và theo khí tượng học, mùa xuân kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, nhưng theo cảm nhận thời tiết thì mùa xuân bắt đầu khi hoa anh đào nở (cuối tháng ba đầu tháng tư ở vùng Tokyo). Khoảng giữa tháng 4 hoa anh đào đã tàn, nhường chỗ cho hoa đỗ quyên, mẫu đơn, thược dược, hoa đằng, v.v.. Các loại hoa này lần lượt tàn trong tháng 5 và mùa xuân chuyển sang mùa hè. Như vậy về cảm nhận thì mùa xuân chỉ có độ 2 tháng. Nhưng là người có hai quê hương, mùa xuân của tôi bắt đầu ở Việt Nam (từ Tết Nguyên đán, khoảng đầu tháng 2 dương lịch) và chấm dứt ở Nhật Bản, kéo dài khoảng 4 tháng. Ở Tokyo nhưng vẫn cảm nhận xuân về ở Việt Nam qua các bài báo Tết, qua không khí đón xuân ở quê nhà.

Mùa xuân năm nay đối với tôi rất đặc biệt. Hầu hết thì giờ tập trung vào việc nghiên cứu kinh nghiệm các nước Đông Á, khả năng và chính sách tăng trưởng hai con số của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Nhưng còn một chuyện đáng nhớ nữa là ngẫu nhiên trong mấy tháng qua nhiều sự kiện liên quan Tự lực Văn đoàn liên tiếp xuất hiện. Đối với tôi mấy tháng qua là mùa xuân Tự lực văn đoàn.

Thứ nhất, bài viết “Tìm lại dấu xưa Tự lực Văn đoàn” đăng trên số Tết của báo Hải Dương (và trên Diễn Đàn, ERCT) không ngờ được độc giả đón nhận tích cực. Bài đã được trang mạng vanvn.vn, cơ quan ngôn luận của hội Nhà văn Việt Nam, đăng lại từ báo Hải Dương và suốt nhiều tuần đây là bài được xem nhiều. Được biết bài này cũng được chuyển qua mails giữa những người từng đọc Tự lực văn đoàn ở miền Nam trước 1975.

Thứ hai, tôi gửi bài viết trên cho nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai út của người sáng lập Tự lực Văn đoàn và là tác giả cuốn sách Cha tôi Nhất Linh, để nhờ cho ý kiến về sự chính xác của nội dung bài viết. Rất vui là anh Thiết trả lời và đánh giá là “tôi đã đọc và rất thích”, “Bài viết công phu và chính xác”. Đặc biệt anh Thiết giúp bổ sung một nội dung quan trọng và giúp sửa một chi tiết cho chính xác hơn. Chi tiết cần sửa là năm 1950 (không phải năm 1949) Nhất Linh từ Hong Kong về nước và tuyên bố trở lại nghề viết văn, không làm chính trị nữa. Nội dung quan trọng anh Thiết giúp bổ sung liên quan số thành viên của Tự lực Văn đoàn. Bảy hay tám thành viên? Cho đến nay có hai ý kiến. Trong bài tôi giới thiệu cả hai ý kiến và chưa có câu trả lời dứt khoát. Anh Thiết đã scan và gửi cho tôi tham khảo thủ bút của Nhất Linh trong đó ghi rõ là 7 thành viên.

Thứ ba, anh Nguyễn Minh Khanh ở Paris, người dịch sang tiếng Pháp nhiều tác phẩm của Tự lực Văn đoàn, vừa hoàn thành bản dịch Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, dự định tháng 5 này sẽ phát hành. Ở giai đoạn cuối, anh Khanh bảo là anh và nhà xuất bản bàn luận nhiều về việc nên chọn đề sách bằng tiếng Pháp như thế nào. Anh hỏi ý kiến tôi ý nghĩa của Hồn bướm mơ tiên và chúng tôi có cuộc trao đổi thú vị. Cuối cùng anh Khanh đã chọn tên tiếng tiếng Pháp là Deux papillons rêvant d’immortalité.

Thứ tư, mới hai tuần trước, tôi được tặng cuốn sách mới xuất bản bằng tiếng Nhật về Khái Hưng và có buổi trò chuyện thú vị với cô Tanaka Aki, tác giả cuốn sách. Cuốn sách này nguyên là luận án tiến sĩ của tác giả, bảo vệ tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo hai năm trước. Tanaka Aki còn rất trẻ nhưng có lẽ là một trong những người nước ngoài nghiên cứu sâu về Tự lực Văn đoàn. Sau khi học xong cao đẳng (đại học đoản kỳ) muốn sang một nước Đông Nam Á để mở rộng tầm nhìn trước khi tìm việc làm và đã chọn Việt Nam. Trong lúc học tiếng Việt ở Thành phố HCM vào đầu thập niên 2000, tình cờ quen với một nhà thơ ở gần chỗ trọ. Nhà thơ khuyên là để học tiếng Việt thích thú và có hiệu quả nên đọc Tự lực Văn đoàn và tặng cô cuốn Hồn bướm mơ tiên. Aki cảm động và thích thú khi đọc Hồn bướm mơ tiên và từ đó tìm đọc các tác phẩm khác của Tự lực Văn đoàn. Sau đó Aki trở về Nhật quyết định đi học trở lại và nghiên cứu về văn học VN. Sống ở VN 13 năm, thu tập tư liệu và gặp rất nhiều nhà nghiên cứu văn học VN, sang Mỹ tìm gặp và phỏng vấn hầu hết con cháu của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam và người con nuôi của Khái Hưng. Cuốn sách vừa xuất bản dày 480 trang trong đó hơn 30 trang là danh mục tác phẩm của Khái Hưng và tư liệu tham khảo. Đặc biệt nghiên cưu này xoay quanh tư tưởng của Khái Hưng về quan điểm đối với chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc qua các tác phẩm và các bài viết trên báo trong giai đoạn từ 1938 đến 1946.

Đúng là tôi vừa có một mùa xuân Tự lực Văn đoàn./.

MỘT MÙA XUÂN TỰ LỰC VĂN ĐOÀN