Hai câu mà anh Lý Ngọc Minh thường nói hay viết - như tuyên ngôn - của Minh Long, sáng qua được treo cao "Tinh hoa từ đất, tinh xảo từ người" và "Hồn Việt trong mỗi nếp nhà" để chào đón khách đến dự "Lễ khai trương bảo tàng gốm sứ Minh Long và nhà máy Minh Long".
Hai câu ngắn gọn ấy gói trọn tâm huyết và tình yêu vô bờ của anh dành cho đất nước, nghề gốm sứ và nhất là văn hóa dân tộc. Hai câu ấy quá quen thuộc mà sáng qua, không hiểu sao khiến tôi ngồi lặng người rất lâu giữa trùng điệp âm thanh rộn rã. Tôi bỗng nhớ đến một câu thơ: "Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười" của Trần Trung Đạo.
Vâng, tôi bỗng nhớ tiếc một người mà tôi nghĩ, chắc chắn anh Lý Ngọc Minh cũng mong biết bao nhiêu, sẽ có mặt cùng anh và cả nhà, trong buổi lễ trọng đại này: má anh. Tôi nhớ gương mặt phúc hậu của bà, nhớ những lần anh Minh gọi điện cho ông xã tôi chia sẻ lòng thương nhớ mẹ, và 2 lần tôi cùng ông bạn cùng nhà đến viếng bác gái, tôi lặng nhìn anh Minh ôm bạn chia nỗi buồn mồ côi mẹ.
Tôi sẽ viết bài khác về công trình bảo tàng Minh Long hết sức đồ sộ và đặc sắc. Bài ngắn này xin ghi nhanh những cảm xúc trào dâng...
Trong khi bảo tàng đã giới thiệu tất cả tài năng, ý chí và ước vọng cả đời của nghệ nhân Lý Ngọc Minh, thực sự tiêu biểu để đại diện cho gốm sứ Bình Dương quê anh và cho Việt Nam, thì toàn bộ bữa đại tiệc văn nghệ sáng qua lại giới thiệu cả một công trình công phu và sâu sắc tôi chưa từng được xem ở đâu.
Vì toàn bộ nhạc cụ trình tấu trong buổi diễn nghệ thuật đó đều được sáng tạo bằng sứ, mỗi nhạc cụ ắt phải mất vài năm. Những bộ trống, đàn vĩ cầm, lục huyền cầm, độc huyền, sáo...đều được nghệ nhân Lý Ngọc Minh chế tác lần đầu tiên bằng...sứ.
Và nội dung cũng thật là...nhà Minh Long. Điệu múa "Vinh quy bái tổ" thể hiện tinh thần hiếu học, hiếu nghĩa của dân tộc, luôn hướng về cội nguồn, công ơn sinh thành , khắc họa sâu đạo học và tính nhân văn trong cuộc sống bao đời dân tộc Việt.