MÓNG RỂ CÂY & PHIÊN BẢN THI CÔNG NHÀ Ở LÀNG NỦ

MÓNG RỂ CÂY & PHIÊN BẢN THI CÔNG NHÀ Ở LÀNG NỦ

Hôm giữa tháng 8/2024, kiến trúc sư Vương Hoàng Lê có rủ tôi cùng bạn bè đi thăm một nhà máy ở Cần Thơ sản xuất cồn thực phẩm và phụ phẩm của nhà máy đang làm một số sản phẩm khác theo kinh tế tuần hoàn. Tôi đi thăm dù nhà máy ở hơi xa, vì thấy các “sản phẩm khác” này khá sáng tạo và tôi còn có thể giới thiệu một anh bạn khác có cách làm hiệu quả hơn. Cuối chuyến đi, Lê có giới thiệu cho tôi một công trình anh gọi là làm “bê tông đất biến tính” đã ứng dụng làm đường và làm cầu ở nông thôn (làm đan bê tông bằng đất (không cát, không cốt thép). Vốn “hay thắc mắc và đòi hỏi”, tôi gợi ý, Lê ơi, sao Lê không nghĩ tiếp chuyện làm nhà cho bà con vùng cao cũng còn nghèo khó lắm, thì Lê bật cười, có luôn, em có đưa ra giải pháp “Móng rể cây” cho nhà vùng cao để chống lũ quét nha chị.

MÓNG RỂ CÂY, ba chữ đó bỗng nhiên cũng đâm rễ trong đầu tôi và tôi “ghi nợ” cho Lê để sẽ hỏi trong một lần gặp tới. Rồi tối qua, giữa cơn mưa to như lũ ở Sài Gòn, tôi nhận tin nhắn của Lê, em quên nói với chị chuyện này, chị nhớ cái vụ “Móng rể cây” không? Thì lật facebook của em ra nhen chị, em vừa viết vội chuyện thi công "Móng rể cây" cho bà con vùng cao, mà chỗ này, em tin chị biết rõ luôn, làng Nủ ở Văn Bản, Lào Cai. Tôi giật mình, hay quá, và tôi tìm đọc bài trên trang FB Lê Hoàng Vương.

“Cách đây hơn 1 năm, cả nước đau xót với hàng loạt tin tức về các tai họa sạt lở đất gây sập nhà, chết người ở Lâm Đồng. Quan sát trong thiên nhiên, tôi nhận thấy ở những khu vực lũ quét thì trên mặt đất, lớp đất mặt đã bị trôi cùng với các loại cây rễ nông nhưng các loại cây có bộ rể bám và neo chặt vào đá thì không bị cuốn trôi. Vì thế, tôi nghĩ, người dân cần có Ngôi Nhà Bền Vững (vị trí, kết cấu, vật liệu) cho những khu nhà xây dựng ở các khu vực đồi dốc lớn (địa chất đất sét hay đá non). Tôi bắt đầu tìm tòi xem xét các cách làm móng nhà. So móng nhà truyền thống và Móng Kim Cương (một sáng chế của người Nhật) thì nhà có móng Kim Cương chống trượt tốt. Tôi nhận thấy hạn chế móng truyền thống dễ trượt nhưng loại móng kim cương thì hiện nay không rẻ và lại nặng, khó vận chuyển lên vùng cao bằng xe máy. Trong khi đó, trên vùng cao thì lốp xe công nông, xe máy cày cũ lại nhiều nên có thể tận dụng để làm móng nhà.

Dựa trên nguyên lý của rễ cây và tận dụng lốp xe bỏ đi...tôi đã hình thành ý tưởng MÓNG RỂ CÂY và giải pháp thi công rất đơn giản, dễ làm cho đồng bào với vật liệu có sẵn, dễ tìm, như lốp ô tô cũ, sắt ống, xi măng, cát, đá...trong đó thì lốp xe có vai trò như coffa khi thi công và là đai chống vỡ móng khi làm việc và các ống thép dài 2m đổ đầy vữa bên trong khi được đóng sâu, nghiêng nhiều hướng vào đá non hay đất sét sẽ neo cứng như rễ cây...!!!

Sau đó, tôi bắt đầu làm công trình thí nghiệm trên farm nhà tôi ở Đức Trọng..cũng chọn địa thế dốc lớn để thi công 4 móng rể cây (MRC) đỡ tấm sàn bình thường (5×5m) rồi chất tải (bể nước 40 tấn, nghĩa là 10 tấn/MRC) để kiểm tra chuyển vị của MRC bằng máy quét laser thì gần như không hề chuyển vị hay trượt gì cả !!

Nhận xét: MRC chịu tải trọng lớn, chi phí thực hiện thấp và tiến độ nhanh vì không cần làm dầm kiềng móng! Rất ấn tượng !!! Tháng 11/2023, trong hội thảo của hội Kiến Trúc Sư VN về "Vật liệu và Công nghệ- thích ứng với kiến trúc bản địa" ở Vinh thì công ty DHH có bài tham luận và giải pháp MRC cũng được "trình làng". Có lẽ vì thế mà khi hội KTSVN được giao nhiệm vụ thiết kế cho dự án tái thiết Làng Nủ thì MRC cũng được đề xuất thực hiện nhưng với phiên bản "công nghiệp" hơn !! Hy vọng sau này bà con vùng cao khi xây dựng nhà truyền thống vẫn có thể áp dụng để làm móng nhà cho hiệu quả và an toàn hơn..thay vì làm móng kê tán đá như hiện nay!!!

Rất vui vì được chia sẻ một Giải Pháp Hữu Ích cho cộng đồng !!!

Ông kiến trúc sư này viết như nói, nhịp nhanh, chữ dồn, nhiều chữ viết tắt nên người “ngoài ngành” phải khựng khi gặp MRC và MKC. Nhưng coi bộ chàng kiến trúc sư trẻ nhiều râu ria này không bị khựng trên con đường tung ra các sáng kiến từ quan sát cuộc sống.

Tôi nhớ lâu rồi, anh có đưa ra mô hình, xây một “nhà nhỏ xinh” cho vợ chồng trẻ 2 con ở Sài Gòn với giá 100 triệu. Báo Sài Gòn Tiếp Thị “lăng xê” xong là anh có hàng loạt đơn đặt hàng làm không hết đến nỗi anh lúng túng, chị ơi, nhà nhỏ xinh trăm triệu cho người nghèo đắt hàng quá, mà chắc em thành “kiến trúc sư một trăm triệu” quá chị.

Bẳng đi một thời gian tôi thấy các quán cà phê ở quận 1 có một kiểu trang trí tường nhà bằng những “rõ đá" áp sát tường. Đó là một kiểu chơi của Vương Hoàng Lê

Anh sẽ còn “tung tẩy” ở những nơi xa nữa, Lao Cai, Đức Trọng, Cần Thơ...Lê vẫn không ngừng đi và ngó nghiêng, nghĩ thêm cách xây những móng nền mới...