MÓN QUÀ QUÍ BỊ LÃNG PHÍ
(Phạm Ngọc Hưng-Trần Hoàng Tuyên)
Vào cuối tháng 8 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN&PTNT Việt Nam đã ký kết 4 nghị định thư về kiểm dịch thực vật, chính thức mở cửa thị trường Trung Quốc cho thêm 4 mặt hàng nông sản Việt, bao gồm dừa tươi, dược liệu, dưa hấu và hoa quả đông lạnh.
Trong 4 mặt hàng mới ấy, thì mặt hàng được trông đợi nhất là hoa quả đông lạnh, vì ai ai cũng nhìn vào con số doanh thu khả dĩ từ 300 — 500 triệu USD tăng thêm mỗi năm. Tuy nhiên, ít ai biết được tiềm năng khủng nhất lại nằm ở mặt hàng ít người để ý.
Đấy là dược liệu
Trung Quốc là một cái nôi của Đông y, và mặc dù Tây y ở Trung Quốc rất phát triển, nhưng người Trung Quốc vẫn quen với Đông y truyền thống. Người Trung Quốc không chỉ chữa bệnh bằng thuốc Đông y, mà còn xuất khẩu khắp nơi trên thế giới. Và quy mô thị trường thuốc Đông y của Trung Quốc trong năm 2023 là 240 tỷ USD, dự báo đến năm 2032 sẽ đạt 420 tỷ USD.
Trong nhiều năm qua, các thương gia Trung Quốc đã qua Việt Nam thu gom các loại dược liệu. Do việc thu mua và xuất khẩu là theo dạng tiểu ngạch, nên không có con số, nhưng hầu hết các loại cây như núc nác, muồng, thảo quyết minh, từ thảo, na rừng, trám trắng và thảo quả… đều chỉ có một bên mua duy nhất, đấy là Trung Quốc. Có loại dược liệu được thương gia Trung Quốc tìm kiếm, như sâm Bố Chính với giá bình thường chỉ 300—500.000/kg củ tươi thì gần đây có lúc lên tới 3-5 triệu đồng/kg.
Cây dược liệu chất lượng cao phải được trồng ở nơi có biên độ nhiệt đêm và ngày đủ lớn. Khu vực Tây Nguyên, các khu vực miền Trung dọc sườn Trường Sơn và miền núi phía Bắc là những vùng trồng thích hợp. Ngoại trừ Tây Nguyên đang là vùng nguyên liệu xuất khẩu của cà phê và sầu riêng, thì các vùng núi còn lại chưa được khai thác tốt.
Việt Nam có vùng đất phù hợp để trồng cây dược liệu, có nhiều cây thuốc bản địa được người Trung Quốc đánh giá cao, và thị trường khổng lồ đang mở rộng cửa.
THUỐC TÂN DƯỢC VÀ THUỐC DƯỢC LIỆU
Về thuốc, hiện nay trên thị trường tồn tại 2 loại song song: thuốc Tây tức Tân dược và thuốc Dược liệu, tức Đông dược cũng gọi là thuốc Nam.
Khác với Tân Dược, sản xuất nhanh, kinh doanh tốt vì là thuốc điều trị cấp tính, vì quá cần cho điều trị tức thời hay quan trọng nên người tiêu dùng, dù nghèo kiểu gì, nghèo tới nỗi phải bán nhà mua thuốc khi cấp cứu hay để đặc trị, thì cũng phải lo.
Còn thuốc từ dược liệu trị bệnh mãn tính thì tác dụng đến từ từ và với người bệnh thì không ít người còn “khi dễ” thứ thuốc “nhà quê” theo suy nghĩ cố hữu là cứ quơ đại trong vườn nhà, nhai trị ho hay phơi khô, nấu “ba chén còn lại 8 phân” là xong.
Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy:
Thị trường thảo dược toàn cầu ước tính khoảng 135 tỷ USD vào năm 2022 sẽ tăng lên 178,4 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,1% - theo Technavio.
Năm 2013, tại Hội nghị Quốc tế về Thuốc dược liệu diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc, các nhà khoa học khẳng định phát triển ngành dược liệu là xu hướng tất yếu, và họ tập trung chú ý nhóm thuốc Đông y thế hệ 2 được định nghĩa là các loại thuốc sử dụng nguồn thảo dược sạch, được kiểm soát nghiêm ngặt; có vai trò chủ đạo trong điều trị bệnh hiểm nghèo, thậm chí nan y sau khi nghiên cứu lâm sàng đầy đủ- có khả năng cạnh tranh hiệu quả với các loại tân dược.
Trung Quốc cũng là cường quốc trong thế giới Đông y - mạnh về “ thuốc Bắc”. Vào tháng 2-2022, Hội nghị Phát triển ngành Dược toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Bắc Kinh, có chủ đề "Thúc đẩy sự phát triển vĩ đại của ngành Dược Trung Quốc" và thảo luận về 5 vấn đề: Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật, tạo ra thuốc mới và công nghệ tiên tiến, giám sát khoa học đối với dược phẩm, chuyển đổi và công nghiệp hóa các thành quả nghiên cứu thuốc, nghiên cứu lâm sàng và ứng dụng thuốc từ thảo dược vào đời sống.
WHO tiên đoán ngành công nghiệp dược, đặc biệt là thuốc dược liệu đang tăng trưởng với tốc độ 15%
KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG CÒN LÃNG PHÍ MÓN QUÀ QUÍ CỦA THIÊN NHIÊN
Ở Việt Nam, thuốc từ cây cỏ có dược liệu trong nước đóng góp ít nhất 30% nhu cầu, theo Bộ Y tế
Thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 400 xí nghiệp sản xuất từ dược liệu với quy mô khác nhau.
Tuy nhiên, chỉ có 13 nhà máy sản xuất thuốc cổ truyền đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GMP – WHO). Từ đó, theo nghiên cứu về chuyên đề “Thuốc dược liệu” của Trung tâm BSA, chúng tôi thấy cần:
- Phát triển hệ sinh thái, thu hút nguồn nhân lực hiểu biết giá trị thảo dược – ươm tạo, phát triển đội hình nghiên cứu “ kinh tế thuốc Nam” , “ gia vị hữu cơ”;
- Ngăn chặn tình trạng hủy hoại tài nguyên dược liệu do khai thác bừa bãi.
- Coi trọng nguồn nguyên liệu bản địa: có chính sách đầu tư thích đáng, phục hồi tính đa dạng, phong phú của nguồn nguyên liệu bản địa, ứng dụng công nghệ mới tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh..
Lâu nay, chúng ta cứ “tự sướng” là Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có đa dạng sinh học trên thế giới và cây cỏ có vị thuốc của xứ mình là mênh mông, đụng đâu cũng có cây thuốc. Tuy vậy, cho tới giờ, ta chưa có những động thái căn cơ từ nghiên cứu đến qui định tiêu chuẩn đến chăm sóc kênh phân phối, nhất là có chính sách hỗ trợ nhà sản xuất và giám sát, chế tài để bảo vệ giá trị sản phẩm ngành này.
Đúng là : nói vậy mà không phải vậy, ta còn phí phạm món quà quí trời cho, quá uổng.
Nên câu hỏi, chừng nào tiềm năng thành giá trị không phải là một câu hỏi chung chung đâu. Sự thờ ơ lãng phí cứ còn là thiệt hại cho nền kinh tế rất lớn, cũng như thiệt hại cho việc chăm sóc sức khỏe người dân không nhỏ.