LOẠT BÀI: SÓNG THẦN HÀNG TRUNG QUỐC GIÁ RẺ VÀ GIẢI PHÁP SỐNG CÒN CỦA NHÀ SẢN XUẤT VIỆT
Tổ chuyên gia thị trường của BSA trao đổi và chuẩn bị loạt bài này trong hơn 1 tháng qua. Tôi làm thư ký và chắp bút. Ngoài việc lắng nghe doanh nghiệp TPHCM và Hội viên Hội DN. Hàng Việt Nam Chất lượng cao, ba ngày qua tôi đi 3 tỉnh đồng bằng (Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long), lo việc khác nhưng cũng để tâm tìm hiểu về vấn đề này.
Hôm nay xin đăng bài thứ nhất và mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi của doanh nghiệp, chuyên gia và NTD Việt.
BÀI 1. MA LỰC GIÁ RẺ
Chuyên gia thị trường Phạm Trọng Chinh đã viết một bài về sức hút của hàng Trung Quốc (TQ) giá rẻ trên khắp thế giới. Tôi xin lược đăng bài anh nghiên cứu ở đây (bài dài, nhiều chi tiết hơn, có thể sẽ dành cung cấp cho các Hội viên của Hội). Và bắt đầu, xin cập nhật vài thông tin vui vui.
Hôm 21/8/2024, chúng tôi đi viếng giáo sư Võ Tòng Xuân. Sau đó còn đi thăm 2 doanh nghiệp khác. Trưa, một bạn trong đoàn rủ tới quán cơm tấm TRÂM. Cần Thơ có nhiều quán cơm tấm ngon, giá cũng…chat và tôi chưa nghe tên quán này. Tuy nhiên đến nơi thấy quán đông nghẹt, cũng thấy an tâm. Và chen được vào một bàn, thấy giá một đĩa sườn bì chả (tụi tôi hay gọi đùa là sà bì chưởng) giá 25 ngàn đồng. Hả, giá ngộ vậy, chắc bảng giá cũ chưa kịp thay. Kêu 4 đĩa, 2 tô canh khổ qua. Tổng số tiền phải trả: 130.000 đồng. Vậy đúng là giá mỗi đĩa cơm tấm là: đúng 1 đô la. Quán sạch sẽ, thức ăn sạch và ngon. Shipper bu nhiều mua mang đi. Và thế là mấy hôm sau, cũng ghé ngang Cần THơ là anh tài xế kiến quyết thăm…em Trâm. Bạn Phạm Trọng Chinh không đi đồng bằng chuyến này nhưng bài anh viết cũng cho thấy sức hút của giá rẻ, dù là ở nước giàu Hoa Kỳ. Cần biết là hiện nay, Trung Quốc đang bị dư thừa hàng hóa và họ phải bán tống bán tháo khắp thị trường thế giới…
LÀN SÓNG HÀNG TRUNG QUỐC GIÁ RẺ TRÊN TOÀN CẦU
Covid-19 đã đi qua gần 4 năm nhưng tác động của nó đến kinh tế, cụ thể hơn là tiêu dùng vẫn còn rất rõ ràng. Thực tế 6 tháng đầu năm 2024, bức tranh về sức tiêu dùng vẫn ở trong một màu xám tại nhiều thị trường trên thế giới.
Tại thị trường Mỹ, xu hướng chủ đạo được đa số các nhà kinh tế nhận xét là người dân Mỹ vẫn tiếp tục THẮT CHẶT CHI TIÊU với sự mệt mỏi vì lo ngại giá cả tăng & lạm phát. Tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp ở Mỹ ngày càng hướng đến việc tìm kiếm các sản phẩm giá rẻ, sản phẩm giảm giá.
Theo số liệu của Nielsen IQ thì đứng tại thời điểm tháng 6.2024 nhìn về 12 tháng trước đó thì sản phẩm được bán theo chương trình khuyến mãi đã tăng 3.5% (từ mức 25.1% lên 28.6%). Như vậy, các nhà bán lẻ, nhà cung cấp phải đáp ứng nếu không muốn mất thị phần. Một điểm rất đáng chú ý khi đại diện nhà bán lẻ Wallsmart chia sẻ rằng ngay cả nhóm khách hàng trọng điểm (là nhóm mua các sản phẩm trung cao cấp, với giá trị giỏ hàng lớn) mặc dù áp lực giảm chi tiêu không nhiều nhưng vẫn tìm kiếm các sản phẩm giảm giá, hoặc phân khúc giá thấp hơn. 6 tháng đầu năm nay, nhiều nhà bán lẻ châu Âu cũng nói, dân lục địa già vẫn tiếp tục thắt chặt hầu bao.
Tiết kiệm giờ đây đã trở thành “thói quen” thường ngày. Dẫn tới kết quả là nhiều ngành hàng “sản lượng” không hề giảm nhưng tổng doanh thu đi xuống vì bị “downtrading” - hiểu nôm na là ngành hàng… mất giá.
TẠI TRUNG QUỐC
Cú sốc đầu tiên không gì khác chính là gã khổng lồ Iphone đã không còn góp mặt trong top 5 thị phần điện thoại thông minh tại Đại Lục. 5 cái tên đầu tiên hoàn toàn thuộc về các nhà sản xuất nội địa. Sự phát triển vượt bậc của các smartphone nội địa trong phân khúc 300 – 500 USD về công nghệ và hệ sinh thái các ứng dụng thân thiện giúp cho smartphone Trung Quốc lật ngược tình thế. Sự ra đời của con chip 7nm trang bị trên các thiết bị này càng tăng sức cạnh tranh cho ĐT TQ.
Tâm lý cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm giá trị lớn của NTD Trung Quốc được xem là nguyên nhân chính, bên cạnh những yếu tố như tinh thần dân tộc hay sự hỗ trợ của chính phủ cho sản phẩm nội địa.
Ngay cả ở TT Việt Nam, quý 2 vừa rồi Samsung cũng đánh mất vị trí dẫn đầu vào tay Oppo. Tại Đông Nam Á, Samsung cũng mất vị trị số 3 trong số 5 thị trường lớn nhất (có cả Việt Nam).
Bên cạnh câu chuyện Công nghệ, thì về cà phê, trường hợp Starbuck tại Trung Quốc, đầu năm 2024, chuỗi cà phê nội địa Luckin cũng chính thức vượt Starbucks chiếm vị trí dẫn đầu. Luckin là nắm bắt xu hướng tiết kiệm của người dân Trung Quốc, đưa ra các sản phẩm sau khi trừ khuyến mãi chỉ còn 60 – 70% so với Starbuck, lập tức lôi kéo được chính người tiêu dùng trung thành từ đối thủ. Điều này khác hẳn năm 2022, CEO cũng là nhà sáng lập Howard Schultz đã từng nói, khách TQ cần trải nghiệm trong mỗi cốc cafe. Nay thì khác, họ lũ lượt kéo qua Luckin và các sản phẩm nội địa khác. 6 tháng đầu năm 2024, Starbuck cũng phải nhảy vào cuộc chiến giá nhưng có lẽ là quá muộn. Bây giờ, khách hàng TQ còn kích nhau là “tiếc” tiền đã chi cho Starbucks.
TẠI HOA KỲ
Tháng 7 vừa rồi, nhà bán lẻ nội thất 134 năm lịch sử Conn’s đã chính thức tuyên bố phá sản sau thời gian vật lộn với doanh số sụt giảm, cổ phiếu mất giá 90%, buộc phải rời Nasdaq vài tuần trước đó. Nguyên nhân được cho là người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho mảng nội thất trang trí nhà cửa. Không chỉ riêng gì Conn’s, mà các chuỗi nội thất lớn khác như Z Gallerie hay Mitchell Gold + Bob Williams, rồi đến gã khổng lồ là Bed Bath & Beyond cũng nộp đơn xin phá sản.
Trong lĩnh vực thời trang, vào tháng 4 chuỗi bán lẻ Empress Inc cũng nộp đơn phá sản, dự kiến đóng hơn 100/530 cửa hàng trong năm nay.
Hiện nay ở Hoa Kỳ, nổi lên hai nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc là Temu & Shein. Chỉ sau 2 năm thâm nhập, Temu và Shein đã thu hút được lượng khách hàng thường xuyên mà Amazon làm được trong vòng…10 năm. Đánh vào tâm lý ngán ngẩm lạm phát và thắt chặt chi tiêu của tầng lớp trung bình và thu nhập thấp của Mỹ và với chuỗi cung ứng được tối ưu hoá tuyệt vời từ lúc nhận diện nhu cầu, thiết kế sản phẩm, đến sản xuất (tại Trung Quốc, châu Á), nay người Mỹ hài lòng với hàng thời trang đẹp mắt, hợp thời chỉ với mức giá 20 – 30 USD. Tất nhiên hiện nay, hai hãng này đang đánh nhau chí tử, chúng tôi sẽ phân tích trong bài 2.
Ngành vận chuyển hàng không từ Trung Quốc Đại Lục đi Âu-Bắc Mỹ tăng nhanh. Ước tính, có đến 30% không gian máy bay để chuyển hàng bán online.
TẠI CHÂU ÂU
Temu chọn chiến trường quan trọng nhất là Trung & Đông Âu, dễ tính hơn Tây Âu. Cửa ngõ chính là Ba Lan, nền kinh tế lớn nhất khu vực. Kết quả là sau 1 năm có mặt Temu đã có 18 triệu khách hàng, chỉ kém nhà bán lẻ trực tuyến số 1 ở đây là Allegro một ít (18 so với 19). Vượt xa so với Amazon là 5 triệu. Hệ thống logistic và giao thông thuận lợi của Châu Âu được dự báo là điểm thuận lợi của Temu trên con đường chinh phục lục địa già.
TẠI VIỆT NAM & ĐÔNG NAM Á
Câu chuyện hàng giá rẻ Trung Quốc là chuyện vừa cũ lại vừa mới. Cũ là vì không chỉ ở VN mà khắp các Đông Nam Á lâu nay đã tràn ngập hàng Trung Quốc. Thay vì mở hàng trăm, ngàn CT thương mại, hiện nay, TQ đã và đang sử dụng thương mại điện từ với hệ thống logistic hiệu quả một cách đáng sợ để tăng tốc. Việc Trung Quốc xây dựng hệ thống kho vận khổng lồ ngay biên giới Việt Nam và các chi nhánh nội địa VN để một người tiêu dùng ở TpHCM có thể mua một sản phẩm chỉ 50 ngàn từ Trung Quốc sẽ nhận được hàng nhanh hơn mua từ Hà Nội, và cũng vậy ở Indonesia, Philippines.
Công nghệ trong làm thương mại điện tử tốt, tối ưu hoá chuỗi cung ứng hiệu quả đã tăng nhiều sức cạnh tranh của họ.