LÀM THIỆN NGUYỆN BỀN VỮNG?

LÀM THIỆN NGUYỆN BỀN VỮNG?

Má tôi sau 1975 làm chủ tịch hội phụ nữ phường. Bà rủ được nhiều các cô dì phụ nữ tham gia Hội, và họ thường xuyên tổ chức phát gạo, bánh mì, tập vở…cho trẻ con. Cứ “vận động” hội viên đóng góp được tới đâu, phát hết tới đó. Thiếu thì… thở dài hẹn đợt sau. Các em tôi, thợ may, cũng nối tiếp má tôi, tổ chức hành hương từ thiện mà còn lớn hơn, đi xa hơn. Đi cực, về tính sổ, có khi, thấy mất tiền, buồn hiu vì tính hoài không ra…

Tôi muốn giúp các em tôi và các “nhà từ thiện bán chuyên nghiệp” trong xóm mà nghĩ chưa ra cách nào.

Cho tới mấy tháng trước, tôi nghe một chuyện ngộ nghĩnh, linh mục đi làm doanh nhân. Linh mục trẻ Phương Đình Toại, người tận tụy tổ chức mái ấm Mai Tâm (nuôi trẻ mồ côi vì cha mẹ qua đời bởi HIV) đã lập công ty. Chà, ông sẽ "cạnh tranh" kiểu gì? Vậy là tôi cứ kiên trì bí mật tìm hiểu. Cuối cùng, “tin đồn” là có thật. Có một người doanh nhân đã thuyết phục được cha Toại cũng đi làm doanh nhân.

Linh mục trẻ Phương Đình Toại, người tận tụy tổ chức mái ấm Mai Tâm (nuôi trẻ mồ côi vì cha mẹ qua đời bởi HIV)

Người doanh nhân đó chắc phải thật là kiên trì, thật “chì”? Và biết ra thì đâu xa lạ gì với tôi. Anh là Cao Tiến Vị, từng là Chủ tịch YBA (Hội doanh nhân trẻ) TPHCM và nổi tiếng hơn nữa là Chủ tịch-Tổng Giám Đốc CT Giấy Saigon Paper.

Anh Cao Tiến Vị, từng là Chủ tịch YBA (Hội doanh nhân trẻ) TPHCM và nổi tiếng hơn nữa là Chủ tịch-Tổng Giám Đốc CT Giấy Saigon Paper.

Rời vị trí ở Sai Gòn Paper sau 20 năm, tôi thấy anh đi về giữa Úc và Việt nam và một lần gặp anh, nghe anh nói, anh “nghỉ hưu” thật mà. Anh còn trẻ, quản lý giỏi, công tác quần chúng siêu giỏi, sao vội...? Nhiều lần tôi nghĩ, uổng quá, rồi tôi lại nghĩ, dễ gì…

Năm ngoái, tôi có làm một video phỏng vấn anh Minh Trí, một doanh nhân, chủ một công ty công nghệ AI về y tế. Bấy giờ, anh Trí là Phó chủ tich quỹ ASIF. Thông qua ASIF, anh Trí tài trợ 2 máy có cài đặt AI cho xã đảo Thanh An, Cần Giờ và phòng khám bệnh ở Kiên Giang (hiện nay anh Minh Trí đang là Chủ tịch Asif)

.... Không có nghề quản trị doanh nghiệp lâu năm, không có khí chất tiên phong, ai dám đứng ra thành lập đầu tiên một quỹ quốc tế như ASIF và tài trợ toàn bộ hoạt động cho quỹ? Nhưng còn "gan" hơn, quý hơn nữa là dành hết tâm sức trao cho quỹ một bộ óc và một cơ thể khỏe mạnh, cường tráng trong suốt 6 năm qua.

Quỹ ASIF mà anh sáng lập tại Úc đã bảo trợ, gầy dựng nhiều doanh nghiệp theo mô hình “doanh nghiệp xã hội” (DNXH). Luật qui định về “doanh nghiệp xã hội” được bao hàm trong luật doanh nghiệp năm 2014 (10 năm trước), và qui định chỉ ở một điều (điều 10). Đến nay, các qui định cụ thể của pháp luật về luật này vẫn chưa đáp ứng mong mỏi của doanh nhân và người dân. Tuy nhiên, dẫu sao cũng có luật để “DNXH” hoạt động và trên cơ sở đó, ASIF trang bị cho hàng loạt DN về phương pháp, công cụ quản lý, cách quản lý tài chính minh bạch, tạo niềm tin cho những người thiện tâm đóng góp. ASIF tạo nền móng để các DN xã hội triển khai hoạt động, kết nối mở rộng mạng lưới và xây dựng dần đội ngũ làm việc thiện nguyện chuyên nghiệp, Thì ra sau khi "nghỉ hưu" Giấy Sài Gòn, anh “bày” ra “công chuyện” còn qui mô và phức tạp hơn: khởi động mô hình làm thiện nguyện chuyên nghiệp và bền vững.

Hai chữ “Bền vững” gần đây ta nghe quen tai mà đối với việc thiện nguyện thật không dễ chút nào.

“Tôi bây giờ, sau 3 đợt thay người quản trị quỹ, biết bao khó khăn phức tạp vì chưa quen, đã lùi lại, chỉ còn làm người làm sáng lập và tài trợ cho quỹ. Quỹ đã thực sự là của xã hội chứ không của riêng cá nhân nào, người quản trị, CEO của quỹ cũng là làm công cho quỹ, khi cần thay thì cũng dễ tìm người. Việc quản lý đúng phương pháp, đúng luật (luật doanh nghiệp xã hội) sẽ giúp mọi việc căn cơ, minh bạch (hàng năm, có kiểm toán của 1 trong 4 công ty Big 4, tức 4 công ty kiểm toán toàn cầu), để giữ vững niềm tin của các nhà hảo tâm và người dân để phát triển.

Rủ anh Vị làm show 5W1H podcast, anh trố mắt lắc đầu. Mấy tháng thuyết phục, anh Vị mới chịu ngồi trò chuyện trong một video về việc “kinh doanh phụng sự xã hội” mới mẻ hiện nay.

Phải sau mấy tháng thuyết phục, anh Vị mới chịu ngồi trò chuyện cùng t về việc “kinh doanh phụng sự xã hội”

Với 3 mảng hoạt động giáo dục, y tế, sức khỏe, nước sạch, ASIF quả đã làm được rất nhiều việc căn cơ,vững chải: đào gần 400 giếng nước sạch trên cao nguyên, tặng hàng chục ngàn chiếc gùi nước bằng nhựa đảm bảo vệ sinh và dễ gùi, xây mái ấm Mai Tâm, nhà dưỡng lão Vị Hoàng, chuẩn bị tăng sức cho Thảo Đàn trao hàng nghìn học bổng tạo cơ hội công bằng cho trẻ nghèo, đường phố… Chừng ấy công việc là biết bao tâm sức người doanh nhân đã cống hiến, với tinh thần “doanh nhân xã hội”, kiên trì chịu đưng mọi khó khăn buổi đầu cho mô hình mới? Cái khó là tính ra gấp bao nhiêu lần con số 80 tỷ đã tài trợ cho ASIF thực hiện các công trình?

Còn nhiều điều Việt Nam còn phải học các nước phát triển về phương pháp hỗ trợ các tổ chức xã hội có nền tảng, bảo đảm hoạt động và phát triển ?

Lúc này, đường chạy của nền kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam đang sa sút, dằn xóc với biết bao ổ gà và khúc quanh hiểm nghèo thì càng cần các cấp nhà nước tin người dân hơn và thực thi đúng mức hơn luật về DN xã hội để người hảo tâm (rất nhiều trong xã hội ta) gánh vác, san sẻ cùng nhà nước vì phẩm giá người Việt.

Phẩm giá. Mỗi con người. Phẩm giá tính ra bao nhiêu? Vô giá. Và lòng tin vào phẩm giá con người, là con đường dài quá chông gai, phải đánh đổi bằng…