KHI “GIANG HỒ NHÍ” GẶP LẠI BẠN THUỞ THIẾU THỜI

KHI “GIANG HỒ NHÍ” GẶP LẠI BẠN THUỞ THIẾU THỜI

Gặp lại bạn sau 50 năm, khi trường Đại học đã không còn, đây thực sự là dịp hội ngộ ấm áp. Gặp các bạn cùng khoa đã vui mà tôi còn gặp được anh bạn hồi mẫu giáo, cũng học Vạn Hạnh. Chỉ khác khoa, anh bạn Lê văn Hòa học phân khoa Giáo dục còn tôi học Khoa học Xã Hội.

Một anh bạn khác là chủ doanh nghiệp đến bắt tay, không hiểu hào hứng thế nào, chào tôi rối rít, chào Kim Anh, lâu quá, lâu quá mới gặp Kim Anh. Bạn Lê văn Hòa nghe vậy thì nhắc, à nhắc Kim Anh, tôi thấy Kim Anh càng lớn càng giống bà ngoại, giống hơn Kim Hạnh nhiều. Và thế là câu chuyện trôi tới …bà ngoại tôi, đã mất từ những năm 70.

Anh Hòa hỏi một câu khiến tôi giật nẩy người. Hồi Trung học, tôi toàn học ké sách giáo khoa và cả tập vở của bà, bà biết không? Không, chuyện lạ vậy ha? Thì ra bà ngoại tôi, cứ cuối năm học là lặng lẽ gom sách của tôi (tôi bao sách và tập, giữ kỹ lắm) mang về Gò Vấp cho Hòa học. Tôi có biết ngoại đem sách cho lại bạn nào đó sau tôi một lớp nhưng không biết đó là bạn Hòa…Tôi hết sức lý thú về câu chuyện cùng học chung bộ sách giáo khoa nhiều năm này. Tôi năn nỉ, ngoại tui còn cho bạn gì nữa, về nhớ và viết ra, kể lại giùm tui nghe. Tui nhớ ngoại quá…

Và sau mấy lần tôi thúc hối, hôm nay bạn ấy gửi trang “hồi ký” này cho tôi.

"Thời thơ ấu của tôi với bạn Vũ Kim Hạnh.
Gia đình bạn Kim Hạnh (ở nhà Hạnh tên là Diệu) cùng gia đình tôi ở chung trong khuôn viên của ngôi cổ tự mang tên Sắc Tứ Trường Thọ, có sắc phong của Vua Gia Long và Vua Tự Đức, ở Gò Vấp.

Ba mẹ Kim Hạnh là thợ may, ba là người bắc vô Nam lập nghiệp từ trước năm 50. Do đó lúc đi học Kim Hạnh hay bị bạn chọc là Bắc Kỳ lai. Gia đình bạn đến tá túc trong khu đất chùa từ những năm 50. Thưở nhỏ tụi tôi học chung trường mẫu giáo. Kim Hạnh lớn hơn tui một tuổi nên vô lớp trước tui một thời gian.

Đường đi học ngang qua Đồng Bà Vịt và trại bò của Ông Bảy Hương. Mỗi lần đi, về ngang đây thường bị đám "giang hồ" khu vực này bắt nạt. Kim Hạnh giao cặp cho tui ôm và luôn đi trước mở đường, có vẻ không ngán, sẵn sàng “xáp lá cà” dù là con gái nhưng coi bộ cũng có máu "giang hồ" từ nhỏ...! Cũng trên đường đi học về, tụi tôi hay ghé trộm ổi ở vườn Bà Sẩm và vườn của Cô Chín. Bà Sẩm nuôi rất nhiều chó, có mấy con dữ lắm mà Kim Hạnh cũng không sợ, tự phân công là Kim Hạnh trèo hái, tui chỉ đứng dưới lo canh mấy con chó.

Bà ngoại Kim Hạnh cũng như cả nhà đều rất mộ đạo. Chiều nào cũng thấy bà lên chùa thắp hương lạy Phật. Trước chùa có ngôi miếu nhỏ thờ Bà Ngũ Hành, ngày nào bà cũng cúng nước và thay bông, thường là những cành bông điệp đỏ trồng trước sân nhà.

Sau đó một thời gian, Kim Hạnh theo ba về Xóm Lách Sài Gòn, còn mẹ và các em vẫn ở Gò Vấp. Cuối tuần ba Kim Hạnh chở gạo, mắm về. Hai gia đình, nhà tôi và nhà Kim Hạnh vẫn thường xuyên thăm hỏi nhau và tình nghĩa như ruột thịt. Rồi sau đó nữa, có lẽ Kim Hạnh vô Trung Học thì cả nhà dọn về ở chung khu Xóm Lách quận 3.

Bà ngoại Kim Hạnh rất thương tui. Thường hỏi han chuyện học hành. Do học sau Kim Hạnh một lớp nên tất cả tập sách Kim Hạnh vừa học xong là Bà đóng gói lại cẩn thận và khệ nệ mang về cho tui học. Giờ này tui vẫn còn nhớ những quyển sách còn tốt và cả các tập vở 200 trang tất cả đều bọc bằng bao ny lon màu xanh lá cây của Kim Hạnh. Nhờ vậy những năm thi tú 1, tú tài 2 tui không tốn tiền để mua sách vở. Nhờ người đi trước học giỏi nên tui cũng được giỏi lây. Thi lần nào cũng đậu và đậu cao. Tôi luôn nhớ ơn bà ngoại Kim Hạnh đã mang sách cho tui. Gặp nhau ở cuộc họp mặt Vạn Hạnh, Kim Hạnh hoàn toàn không biết vụ bà ngoại tiết kiệm quá chừng đã giúp cho tôi.

Kim Anh, em Kim Hạnh ngày càng lớn càng giống Bà ngoại. Nhìn người trẻ, nhớ người già. Một thời khó quên. Bao nhiêu chuyện khó quên".

PS. Vậy là gặp lại người bạn hồi ấu thơ, tôi mới nhớ lại, mình từng là “giang hồ nhí” xứ Gò Vấp một thời. Và cảm động hơn là tôi mới được biết đức hạnh tiết kiệm của bà ngoại. Nhà tôi, cả ba tôi và ngoại tôi đều dạy tôi đức tính TIẾT KIỆM rất nghiêm khắc. Khi đọc hồi tưởng của bà Lý Vỹ Linh, con gái ông Lý Quang Diệu về người cha, tôi khựng lại và hơi nghẹn khi đọc đến đoạn, ông dạy các con rất nghiêm, khi con lãng phí điện hay nước thì phạt rất nặng cho nhớ. Ba tôi thì dạy, rót nước uống, định uống tới đâu rót đúng chừng ấy, rót tràn rồi đổ là bị phạt.

Hơn nửa thế kỷ bà ngoại tôi đã đi xa mà điều dạy tiết kiệm của ngoại bỗng hiển hiện trở lại, thật tình nghĩa và bền bĩ. Tôi không biết nói sao để bày tỏ biết ơn với ngoại, đã gieo hạt giống lành nhơn đức cho tôi từ hồi nhỏ còn đi học...