KHI GẤU THÀNH CHỒN

KHI GẤU THÀNH CHỒN

(Ghi bên lề Hội chợ Sial Thượng Hải 2024)

Với những số liệu vẫn luôn hoành tráng, mặt bằng toàn hội chợ 60.000 mét vuông có 43 quốc gia tham dự và 1.500 gian hàng cùng 67000 chuyên gia, doanh nhân, đây là Hội chợ cỡ lớn. Nhiều điều hay. Hàng hóa phong phú, đặc biệt là hàng của chủ nhà. Nhiều sản phẩm mới xuất hiện. Có doanh nhân nói, suốt gần 2 năm bị phong tỏa, bó gối, mà không bó đầu, người Trung Quốc nghĩ ra vô số máy móc thiết bị chế biến mới cùng công nghệ mới làm ra vô số sản phẩm mới.

Nhưng bài này không tường thuật hoạt động hội chợ mà ghi nhanh về một hiện tượng đáng suy nghĩ.

Câu chuyện có một loại cà phê “na ná” với CF G7 của Trung Nguyên. Hàng Việt ở Trung Quốc hiện nay, ngoài sầu riêng thì cà phê đóng gói, nhất là G7 của Trung Nguyên hiện cũng đang là món được quan tâm và tăng trưởng thiệt nhanh.

Quầy hàng tràn ngập các bao bì hình thức khá giống CF hòa tan G7 của Trung Nguyên

Có một gian hàng khá to mang tên CÀ PHÊ SÀI GÒN nằm cạnh khu Việt Nam. Vô tình hay cố ý mà đến nằm bên cạnh vậy? Thấy cái tên Sài Gòn đã hơi giật mình, mà nhìn qua tất cả dạng bao bì càng ngạc nhiên. Vì...táo tợn quá. Sao như cố tình gợi nghĩ, gợi nhớ vậy?

Và đây có lẽ là một trong những gian hàng ồn ào nhất hội chợ. Suốt ngày luôn có các show livestream. Từng cặp hò hét cả ngày. Bước vào trong gian hàng, hỏi chuyện với tiếng Sai Gòn, toàn bộ nhân viên đều ú ớ không hiểu. Livestream ồn ào la hét như cãi cọ quát tháo (gây chú ý) toàn tiếng Trung…

Múa may và la hét không ngại chung quanh chú ý là các show livestream liên tục. Họ mặc áo dài và không biết tiếng Việt

Hai hôm sau, tấm bảng trong góc được đẩy ra, ghi rõ: Tuyển đại lý khu vực tại Trung Quốc. Truy nhiều nguồn tôi đoán tất cả là do họ “bắt mạch”  tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc là "sính mua hàng nhập hơn nội địa". Và cà phê thì ắt phải là…Việt Nam. Chưa kể là phải “na ná” loại cà phê G7 của Trung Nguyên. Muốn gì được nấy, bất chấp mà. Và thế là có cả một qui trình (?) mà (hàng Trung Quốc) giả vờ là hàng Việt, từ Việt Nam nhập về Trung Quốc .

Đem bảng ghi địa chỉ nhà máy của “Công ty Sài Gòn” Tổ dân phố Tân Thịnh, Thị Trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng" hỏi một chuyên gia nông sản có am hiểu về cà phê để biết xem họ lấy nguyên liệu hạt cà phê ở đâu? Dạ, cà phê hòa tan thường không dùng nguyên liệu hạt cà phê cô ơi. Đó là sự pha trộn của Cao cà phê, sữa bột, đường và hương liệu thôi cô. Cao cà phê thì mua của một trong 2 công ty Olam hay Nestle thôi. Mua đủ các thứ thì đến khâu trộn. Cần tìm ra một chỗ nào đó ở một tỉnh thật sát biên giới, đường không cần có tên nhà không cần số, chủ yếu để làm nơi trộn các thứ (gọi là sản xuất) để lấy cái "gốc" nhập trở về Tàu.

Trên bao bì họ cẩn thận và thản nhiên in hình con chồn, ghi chú: Hương vị cà phê CHỒN. Vậy là Gấu trúc được khoác áo chồn, chuyên trị lừa dân của xứ Gấu trúc.

Tôi nhớ trước đây có một dạo, dân làm ăn TQ nhập giấy đã làm thành bán thành phẩm qua VN rồi chỉ làm một động tác cuốn giấy thành cuộn, dán bao bì có tên thương hiệu là thành ra Giấy sản xuất ở VN.

Kim thiền thoát xác, các thành tố là bán thành phẩm từ Trung Quốc, chỉ ù phát qua biên giới Việt Nam, kiếm một địa điểm gắn mác nhà máy, từ đó xuất về, thành hàng Việt Nam xuất khẩu. Hay như mặt hàng giấy, là từ Trung Quốc xuất qua Việt Nam, làm bao bì dán nhãn ở Việt Nam mà thành sản phẩm Việt Nam. Cũng đều là quí ngài, cũng đều “mang danh” sản xuất ở Việt Nam mà đều là…làm giả, múa giả, hát cũng giả, còn nguyên liệu và sản xuất thật đều là ở Trung Quốc.

Với địa chỉ trên, đố các bạn có thể liên hệ với nhà pha trộn? Có mà gửi thư cho cả tổ dân phố?

Bản hợp xướng rùng rợn sẽ còn một bè rất mạnh là Tổng kho hàng Trung Quốc  60 ha, chi phí xây dựng nửa tỷ USD, dàn sát biên giới Việt Nam đồng loạt cất lên, sẽ là làn sóng hàng TQ nhập xuyên biên giới (nhanh cấp kỳ vì tổng kho sát biên giới Hà Khẩu, Lạng Sơn, Đông Hưng… hay nằm ngay trong nội địa ở các chợ đầu mối khắp 3 miền Việt Nam)

Vậy có nhiều bè trong bài hợp xướng lớn, vừa nhập (xuyên biên giới), vừa sản xuất bên trong VIệt Nam kiểu giả bộ như Cà phê Sài Gòn, rồi xuất về Trung Quốc (ghi số liệu sao đây trời?) hay nhập hàng từ Trung Quốc về đều mang danh “sản xuất từ Việt Nam”…Tất cả đều là thủ thuật của người Trung Quốc !

Lại có người bạn tôi, kinh doanh các thị trường châu Á lâu năm vừa gọi điện cười cười: tôi mà là nhà quản lý, thấy có hàng nước khác được thị phần tốt mà có "gà nhà" táo bạo dám bất chấp giành giựt lại thị phần thì tôi ủng hộ ngay, hay là tôi phớt lờ gián tiếp ủng hộ, bà biết không?