Nguyễn Trung Dân ( người ngồi bìa phải ảnh) là một nhà khoa học Việt Nam (hiện sống ở New York) có nhiều uy tín, kinh nghiệm, trong thực tiễn lẫn lý thuyết. Anh vừa cho ra mắt cuốn sách đầu tay: Khi con chip lên ngôi (NXB Nhã Nam).
Sáng mai, (thứ bảy 11/1/2025), anh và nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Xanh có buổi giao lưu với độc giả tại The Lighthouse - Nam Thi House (152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bến Nghé, Quận 1, Hồ Chí Minh) từ 9g về cuốn sách này.
Quyển sách cung cấp một cái nhìn chim bay từ lúc các hệ thống truyền thông ra đời phục vụ nhu cầu chuyển tải thông tin, trong đó có truyền hình cũng như có cả những chiếc máy tính khổng lồ đầu tiên, rồi nhu cầu ngày càng bức thiết phải có một sự cải tiến cho toàn hệ thống truyền tải và xử lý thông tin rất phức tạp; cho đến sự xuất hiện những viên đá xây dựng đầu tiên khoa học, những con transistor từ một phòng thí nghiệm huyền thoại có tên Bell Labs.
Tiếp đến là sự tiến hóa thần kỳ của nó ngày càng thu mình lại và kết hợp nhau thành những bộ xử lý tinh vi được gọi là chip nhỏ bé để có thể chui vào tất cả các thiết bị điện tử của con người. Các viên gạch này nhận một quê hương mới để được nuôi dưỡng và phát triển với "tốc độ ánh sáng", là những cánh đồng cây trái thơm ngát của vùng vịnh San Francisco, dần dần được biến thành cái tên gọi Thung lũng Silicon vào đầu thập niên 1970.
Với transistor, cuộc chạy đua của các quốc gia phát triển bắt đầu bùng phát như một big bang. Có những quốc gia lỡ chuyến tàu vì không hiểu được tầm quan trọng của nó, nhưng cũng có những quốc gia khôn ngoan nhìn xa thấy rộng nhảy kịp lên chuyến tàu "định mệnh" đang lăn bánh. Người Nhật, một lần nữa đã chứng tỏ năng lực tuyệt vời của họ hiểu được những gì xảy ra ở phương Tây xa lắc nhưng sẽ có ảnh hưởng toàn cầu to lớn. Tầm nhìn của họ không đợi phải thấy sự thật ngay trước mặt mới hiểu. Nhật đã sớm kéo con chip về châu Á tạo điều kiện cho cả vùng phát triển sau đó. Họ có công rất lớn cho sự phát triển châu Á nói chung.
Ở phần cuối của quyển sách, tác giả Nguyễn Trung Dân kể lại những "câu chuyện cổ tích" của một cường quốc công nghệ chip ở phương Đông, không phải nước lớn, mà ngược lại một quốc gia chỉ có diện tích khoảng 36.000 cây số vuông, bằng 1/5 diện tích của nước láng giềng Campuchia chúng ta. Vậy mà họ vươn lên thành quốc gia chế ngự thế giới về con chip. Và tiếp theo là câu chuyện về người anh hùng huyền thoại Morris Chang của họ, năm nay 93 tuổi vẫn còn tiếp tục hoạt động và cống hiến, người ngay từ đầu đã tham gia dẫn dắt công ty TSMC cho đến lúc Cty này trở thành gã khổng lồ.
Hai chương rất thú vị về khoa học ảnh hưởng đến tương lai con chip: Máy tính quang tử (photonic computer), một chân trời rộng mở, và Máy tính lượng tử (quantum computer), khả năng vô tận của con người (Chương 11) là những lãnh vực đang ở biên giới của nghiên cứu mà Nguyễn Trung Dân có tham gia. Cả hai đều có bàn tay của Einstein. Ngày 9/12, Google cho biết đã tạo ra được con chip lượng tử thế hệ mới có tên Willow có khả năng giải quyết một vấn đề tính toán trong năm phút mà các siêu máy tính cổ điển hiện nay sẽ mất 10 triệu tỷ tỷ năm.
Tất nhiên tác giả không quên nói về Cơ hội và thách thức cho Việt Nam (Chương 3) khi, với chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Việt Nam tháng 9, 2023, ngọn gió địa chính trị như một cột mốc đã bắt đầu thổi vào Việt Nam, và cả các quốc gia Đông Nam Á, và con chip trở thành một thực thể gần gũi hơn bao giờ hết với Việt Nam. Quyển sách sẽ làm cho người đọc hiểu được từ đâu con chip được sinh ra, từ khoa học cũng như môi trường xã hội lẫn chính trị; và cho thấy muốn có những đóng góp vào thị trường chip, VN cần phải có những đầu tư gì về khoa học.
Cuộc chạy đua hiện nay giữa Mỹ và TQ nằm trong cuộc chạy đua ở một số ngành vật lý cơ bản cao cấp. Cuộc cách mạng khoa học đã diễn ra ở thế kỷ XVII, nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ XIX ngành vật lý mới chính thức được định chế hóa rộng rãi, và "lên ngôi". Gần 100 năm sau nữa, con chip, một sản phẩm của vật lý, cũng tiếp tục "lên ngôi". Con người tạo ra con chip khoa học, rồi con chip chi phối lại con người. Như nhà triết học Ernst Cassirer thế kỷ trước từng nói: [Khoa học] được coi là đỉnh cao và hoàn thiện của mọi hoạt động của con người, chương cuối cùng trong lịch sử nhân loại và là chủ đề quan trọng nhất của triết lý con người." Cuộc tương tác giữa hai bên, khoa học và con người, vẫn còn tiếp tục chưa biết hồi kết, với những hệ quả chưa lường được. Thực tế, văn minh con người đang trên đường của một sự biến đổi.Con người giờ đây không thể sống mà không có con chip, for better or worse. Đối với các homo sapiens, tri thức luôn luôn là sự cám dỗ to lớn nhất, như anh chàng Faust như trong vở kịch cùng tên của Goethe, nhưng đồng thời phải đối diện với những nguy cơ phải trả giá của Mephisto, và thực tế con người đã phải trả giá rất đắt, nhưng không dập tắt được sự cám dỗ xem như một phần của lập trình của tạo hóa trong con người.
Tôi nói dài dòng là để muốn nói: Khi con chip lên ngôi của tác giả Nguyễn Trung Dân là quyển sách với những chủ đề rất thú vị, đáng đọc, vừa có tính lịch sử, vừa có tính khoa học, công nghệ cao, và nó xuất hiện rất đúng lúc trong thời điểm này. 2025 là năm kỷ niệm 100 khám phá cơ học lượng tử (1925-2025) của Heisenberg, Schrödinger và Dirac mà nếu không có nó, thuyết lượng tử của Planck, Einstein và Bohr có lẽ chưa thể trưởng thành, và thế giới chúng ta hôm nay sẽ khác(Giới thiệu: anh Nguyễn Xuân Xanh)