KHI CHÀNG VÂN TIÊN GẶP LẠI NGUYỆT NGA

KHI CHÀNG VÂN TIÊN GẶP LẠI NGUYỆT NGA

Sáng hôm ấy, “tiểu thư” Kiều Nguyệt Nga với áo váy trẻ trung và mái tóc dài mơ mộng xoã ngang lưng đã đến phòng thu sớm nhất. Một lát sau, chàng Lục Vân Tiên, áo pull trắng quần jean với đôi vai rộng quen thuộc của những chàng trai tập gym mỗi ngày cũng đến. Cụ Đồ Chiểu đến sau cùng, áo sơ mi ca rô đỏ, tóc xoăn trẻ thật trẻ.

Mở đầu Quế Trân “xin phép chú” kể lại cú điện thoại bất ngờ (Thành Lộc là chú của Quế Trân (QT), theo vai vế trong gia tộc). Hôm đó, chú Lộc gọi điện cho cô cháu năn nỉ: Con ơi, tình thế đột xuất quá, con cứu chú được không? Vì sao phải năn nỉ? Thành Lộc kể và bắt đầu cười bởi tình thế lạ lùng quá: hầu hết những diễn viên nữ trong vở Tiên Nga đều nối đuôi nhau…dính bầu. Mở hàng là Lê Khánh khi đang giữ vai Kim Liên, rồi đến Lê Phương, kế đó là Vân Trang. Cầu cứu QT vào gấp vai Kiều Nguyệt Nga, ông chú có phần áy náy. Vì ngay từ đầu, tuy cô cháu Nghệ sĩ nhân dân Quế Trân (QT) đã nổi tiếng, nhưng anh lại muốn chọn người khác không dễ bị ảnh hưởng cải lương tuồng cổ. Nay lại phải kêu cứu. QT thì bao giờ cũng “ngoan” với ông chú khó tính, hơn nữa, cô thú thật trong buổi thu hình, vì biết đó là vai quan trọng và cô cũng thích có cơ hội học nghề với chú Lộc.

Hai chú cháu vào vở đều cố gắng trong tình thế đó. QT ráng diễn cho ra kịch nói, đừng có bị “lai”. Nhưng đôi khi vẫn quen tác phong sinh động, trẻ trung, có lúc quên, QT cười khi diễn, "hở mười cái răng" và chú Lộc đạo diễn phải liên tục nhắc, không hở răng, không hở răng. Nét mặt ông “đạo diễn chú” diễn tả lời nhắc đó thật mắc cười tới nổi QT nghe kể thì bật cười khanh khách (xuất xứ những tấm ảnh “cười banh nhà lồng” chắc cũng ở tình huống này).

Thành Lộc nhắc tiếp tới “nỗ lực” rất trật vuột của Lê Phương với cây quạt tiểu thư. Lê Phương, vốn là diễn viên điện ảnh, lúc tập, cô cứ cầm cây quạt của tiểu thư theo mình, đứng đâu cũng xoay xoay cái quạt, mở rồi xếp mà nó rớt hoài, ai thấy cũng nhịn cười không nổi. Và Dương Cường cũng thú thật, anh thì lại bị rớt cây côn rồi đang hùng hổ múa võ mà lòng nơm nớp lo vì không biết vô nhịp để hát chỗ nào. Và khổ chung, khổ nhất, là cả QT, Dương Cường, Vân Trang, Lê Phương đều không biết bắt “ton” và nhịp sao cho trúng khớp với dàn nhạc sống. Phải lo cùng lúc nhiều thứ nên…một lần, chính cụ Đồ Thành Lộc cũng sai “ton” luôn. Nhạc trưởng Đức Trí nghe cụ Đồ bắt trật ton cũng giật mình, tìm cách kéo cả dàn nhạc tập trung “cứu” ông Đồ.

Thành Lộc cười tiếp với giọng bao dung: “Khán giả đâu có biết những vụ trật chìa ghê gớm đó: "cải lương xịn" thì sợ diễn kịch nói bị “lai”, còn kịch nói chuyên nghiệp như Hương Giang thì vì diễn tuồng cổ trang nên cố “trang bị” nhiều nữ trang sặc sỡ. Đạo diễn nói, áo may đã có hoa văn, em không cần đeo thêm nữ trang thì chừng ra diễn, thấy nàng đã kịp cài thêm lên tóc cây trâm vàng chói lọi, thật vừa bực vừa thương!

Thành Lộc thú nhận. Hầu hết các bạn ít quen diễn kịch cổ trang mà tôi lại quyết dựng cho được nhạc kịch cổ trang nên cực quá trời. Buổi thu hình chừng 2 giờ mà Thành Lộc 3 lần xin lỗi. Xin lỗi Lê Phương vụ tiết lộ cô làm rớt quạt liên miên khi tập, bị cười nhiều. Xin lỗi Lương Thế Thành, luôn diễn tốt nhưng vào vai Vân Tiên, anh chàng có võ đánh hạ cướp cứu Nguyệt Nga thì Thế Thành…ốm quá phải chọn Dương Cường ngực nở eo thon (đúng kiểu chuyên tập gym?) và xin lỗi luôn Hương Giang vì tiết lộ cô “lén” bổ sung cây trâm cho sang trọng trong vai Võ Bà (mẹ của Võ Thể Loan).

Một điều cảm động mà cuộc thu hình chưa tiết lộ, tôi nghe được từ lời kể của NS Hữu Châu cũng thú vị. Anh vào vai Võ Ông, cha của Võ Thể Loan. Ông bố này ham tiền, muốn “phủi” cuộc đính ước giữa con gái ông với Vân Tiên nhà nghèo. Khi nghe bạn của Vân Tiên, Vương Tử Trực (chính là Lương Thế Thành) phê phán nặng lời, theo kịch bản thì ông phải ngã lăn ra bất tỉnh. Hữu Châu kể, anh lúng túng chưa biết thực tế, trạng thái lâm sàng của cú ngã này ra sao. Thế là anh gọi điện thoại cho BS Mai (BV Nguyễn Trãi) rất thân với gia đình anh hỏi cho rõ. Được trả lời là có thể bị uất ức quá mà ngã ra chết ngay, hoặc không chết ngay thì bị co giật, méo mặt, ngã vật ra ngất xỉu. Sau đó, anh truy tìm cái chết của Võ Ông trong bản gốc thì thấy mấy hôm sau khi bị uất mà ngã nặng thì Võ Ông mới chết. Anh thực hiện đúng “chỉ định” của bác sĩ và khi té, thì anh linh hoạt phất hai tay áo rộng và nguyên vạt áo trước khéo che cho tư thế ngã ngồi rồi mới nằm xuống với sự cẩn thận(tránh chấn thương): “em phải tìm cách che cái thế ngã ngồi rồi mới nhanh chóng nằm ra, chứ ngã vật ra tức thì ở tuổi em thì có khi đi luôn thiệt đó chị”.

Sau những trận cười thú vị hồn nhiên nối tiếp nhau thì đây là ghi nhận của riêng tôi. Đạo diễn sau 3 lần xin lỗi cũng vẫn bày tỏ, tôi mừng vì từ người làm nhạc cũng phụ viết lời, tới từng diễn viên đều gắng hết sức trong những hoàn cảnh nghiệp vụ bị đòi hỏi éo le, tôi biết ơn các bạn. Nhưng tôi bị cái tật là không bao giờ hài lòng, cứ luôn nghĩ cách làm gì, làm thêm gì nữa cho hay hơn nên…ai cũng kêu cực.

Thành Lộc kể. Khi nghe Lê Phương hát mấy hôm tập đầu tiên, tôi động viên mà cũng rất thương. Bạn không chuyên hát loại nhạc này trong một vở nhạc kịch, Vậy mà tôi vẫn cứ lẩn quẩn trong đầu lời tự hỏi, Nguyệt Nga theo bản gốc là quê ở miền Hạ Khê, vậy, cho Lê Phương nói tiếng Huế thật nhẹ và sang được không? Thấy LP hát khó nhọc, làm rớt quạt không ít lần thì tôi đành chịu thua lần dựng vừa qua nhưng nếu dựng lại Tiên Nga, tôi nhất định có nhiều thay đổi nữa cho hay hơn.

Thay đổi nữa? Không bao giờ hài lòng. Không bao giờ dừng lại. Tuy cười như vô tư, lòng tôi hôm ấy tràn ngập sự cảm phục. Cảm phục các bạn nghệ sĩ về sự lao động như khổ sai mà không bao giờ tự hài lòng. Để cho chúng ta luôn được tận hưởng những thành quả lao động không ngưng nghỉ của họ.