
Ông là “Vua bánh mì” Kao Siêu Lực, giám khảo các cuộc thi làm bánh và bánh mì thế giới. ABC Bakery được thành lập cách đây 18 năm, với số vốn ban đầu lớn nhất là 3 đứa con của ông mà ông đặt tên công ty (ABC Bakery) cũng lấy 3 chữ đầu tên các con ghép lại: Angela (Kao Huy Minh), Bruce (Kao Hớn Phong) và Christine (Kao Huy Phương, con gái lớn nhất)
Triết lý kinh doanh của ABC Bakery cũng lấy từ 3 chữ cái này: A (Ai cũng có trách nhiệm), B (Bánh luôn đạt chất lượng cao) và C (Cầu tiến và sáng tạo).
Cuộc trò chuyện với Kao Huy Phương về chuyện kế nghiệp của cô vào chiều 24/3 đã hé lộ nhiều điều thú vị về tình cha con, gia đình, chuyện làm ăn rất sôi động. Huy Phương nhìn vẻ ngoài thanh mảnh, ưa nhìn và thái độ nhẹ nhàng, hiền hòa nhưng theo tôi, đó là một cô gái lý tính. Cô có kế hoạch khá rõ trong công việc và kể cả thu xếp cuộc sống gia đình riêng. Phương (P) nói, con dành ra 10 năm lấy chồng, sinh con cho xong nhiệm vụ và bây giờ đứa con lớn đã 16 tuổi (P mới 41 tuổi). Hồi học Trung học, cô luôn đứng đầu lớp và tốt nghiệp đại học cũng đỗ rất cao. P yêu thích ngành Y nhưng cũng biết mình là con lớn, phải theo nghề ba để phụ giúp gia đình. Cô nói, bởi vậy khi đi thi đại học, con lấy nguyện vọng 1 là công nghệ thực phẩm nhưng vẫn mong rớt nguyện vọng này, đậu nguyện vọng 2 là y khoa. Dĩ nhiên cô đậu nv 1. Và khi tốt nghiệp, về làm với ba, việc đầu tiên P làm là xây dựng ngay phòng xét nghiệm thực phẩm. Cô cũng đưa ra quan niệm quản lý sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn, kỷ luật vô xưởng và gặp phản ứng ngay tức thì, từ công nhân. Khi họ không chấp hành việc rửa tay, thay dép đi trong xưởng, đội nón lưới, buộc tóc gọn… thì bị phát loa nhắc nhở và những người thợ khiếu nại vì bị tổn thương.
Lề lối cũ không dễ thay đổi. P muốn mọi công việc trên quy trình đều phải được ghi chép, kỷ luật vào xưởng phải nghiêm túc…và chính ông Kao thấy không cần, thấy khó.
P tìm được cách. P đề nghị mở ra một xưởng mới, chuyên làm hàng xuất khẩu và bắt đầu lề lối quản lý mới ở xưởng này. Cô dần thuyết phục ba bằng cách tổ chức công việc theo phương thức quản lý mới, không cần quá nhiều thợ, tự động hóa các khâu, đảm bảo tiêu chuẩn đã ban hành.

Tôi thích thú với cái tên ngắn gọn mà P gọi tiêu chuẩn: đó là cây thước, nó đo hết mọi thứ trong xưởng, cái gì sai là phải sửa ngay. Với cách quản lý mới, việc xuất một container bánh đầu tiên mất 3 giờ 30 phút, nay chỉ còn 30 phút. Hồi 008, mỗi tuần công ty xuất 1 container, nay mỗi tháng xuất gần 50 container.
Phương kể về niềm say mê của ba với tất cả cảm xúc. Ba con mê nhất là dạy học, truyền nghề. Ba cũng luôn nghĩ ra sản phẩm mới. Ba cũng say mê đưa nông sản Việt vào dây chuyền chế biến sản phẩm mới. Làm ra bánh mì thanh long, ba vui rộn ràng và còn nghĩ, phải đưa công thức lên mạng cho nhiều người cùng làm thì lượng tiêu thụ thanh long cho nông dân mình mới tăng nhanh. Rồi dứa, sầu riêng…ba phối hợp với nông sản Hoa Kỳ để đưa mạnh bánh Trung Thu qua thị trường Hoa Kỳ.
Những ngày thành phố phong tỏa cứng vì Covid, ba đem bột ra pha pha chế chế cả ngày, làm ra ổ bánh mì 7 màu mà đám con cười quá, vì…đâu có thương mại hóa được. Nhưng các con đều biết ba mà nghỉ làm, nghỉ chế ra mẫu mới, nghỉ truyền nghề là không có được. Tôi bật cười, đúng rồi, ba vẫn là "thanh niên lâu năm" mà, xem kìa, ba đứng trầm ngâm nhìn ngôi nhà cao tầng đang xây, vậy mà 5 phút trước, ba đã nói với cô, chị thấy hai cánh cửa sổ lớn trên cao kia không, chỗ đó là nơi tôi sẽ dạy học. Phương cãi nhẹ, ba trầm ngâm là đang nghĩ ra mẫu bánh mới đó cô. Cứ vậy đó, ba luôn bận suy nghĩ đủ thứ chuyện của công ty. Mỗi năm, gia đình có một chuyến đi du lịch chung, các con phải ra điều kiện, ba không được nói chuyện công việc, chỉ vui chơi thôi. Vậy mà vừa tới phi trường Nhật, ba bước vô tiệm bánh là ba bắt đầu nói ý tưởng mới. Con phải nói, 5 phút, ba chỉ có 5 phút thôi, rồi không nói chuyện công việc nữa.
Mà thấy ba tiu nghỉu thì các con đều thấy thương.
Tôi hỏi một câu hơi “thẳng thừng”. Phương có nghĩ là phải thoát ra khỏi cái bóng của ba không? Phương trả lời nhanh. Dạ thực sự là cái bóng của ba quá lớn. Và nó đã quá lâu. Ba có kiểu quản lý của ba và con thì muốn quản lý kiểu khác. Nhưng sau nhiều lần giận dỗi, buồn phiền, con dần học được rằng mọi việc phải từ từ. Mình phải làm cụ thể những điều mình muốn, có hiệu quả, hợp lý hơn và có năng suất hơn, tối ưu hóa chi phí hơn thì dần dần ba sẽ chấp nhận. Như nhà máy xuất khẩu làm khác và có thể ảnh hưởng, thay đổi dần nhà máy cũ đã 30 năm.

Và Phương nói về ba một hơi, chỉ ngập ngừng, giấu vẻ xúc động với đôi mắt đã rưng rưng khi kết luận cuộc trò chuyện. Con rất là tự hào về ba. Ba rất siêng năng, nhiều sáng kiến, thích nghiên cứu. Chăm lo chu đáo cho con cái. Ba không nhậu nhẹt la cà. Đôi khi ba nóng tính và thiếu kiên nhẫn. Nhưng rồi ba cũng điềm tĩnh suy nghĩ lại và lắng nghe. Con cũng dần dần học được cách dung hòa và thuyết phục ba cũng như các anh chị cô chú cộng sự của ba.
Suốt cuộc trò chuyện, Phương nói năng rõ ràng, dứt khoát. Cho đến khi nói đến…một mai ba già, ba về hưu, cô lắc lắc đầu, con tin ba con không về hưu được đâu. Ba làm những gì ba thích thôi, nhất là ba chắc sẽ thích dạy học, dạy nghề.
Ông Kao có giọng cười vang vang và giọng nói vừa chân chất vừa nồng nhiệt. Trong mắt cô con gái lớn nhất nhà, Kao Huy Phương, ông chính là người nắm giữ linh hồn và truyền cảm hứng cho toàn bộ đội ngũ trong công ty, ông là cái gốc văn hóa, là giá trị cốt lõi không thể thay thế ở ABC Bakery. Và tôi cũng tin như thế dù không cần nói ra.