KHAI THÁC CÁT BIỂN LÀM NỀN ĐƯỜNG CÓ KHIẾN ĐẤT RUỘNG CỦA DÂN NHIỄM MẶN QUÁ MỨC???
Theo kế hoạch, ngày mai, 29/6 nhà thầu của đường cao tốc Mỹ Thuận sẽ tổ chức khai thác mỏ cát biển đầu tiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng để đáp ứng nhu cầu san lấp nền đường cao tốc ( 24,4 triệu m3).
Trong đó, Ban quản lý dự án (QLDA) đường cao tốc Mỹ Thuận cần 6 triệu m3, Ban QLDA 85 cần 5,37 triệu m3, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cần 4,32 triệu m3, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh 600.000 m3…Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, tháng 12/2023, Bộ Tài nguyên môi trường và Bộ Giao thông vận tải đã chuyển giao cho tỉnh kết quả đánh giá về “Dự kiến thực hiện việc lấy tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL” tại khu mỏ B1 cho tỉnh Sóc Trăng ( khu vực mỏ cát biển B1 có diện tích 32km2 (cách luồng Định An hơn 20km), có tổng sản lượng cát khoảng 145 triệu m3 đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp.
Sau khi thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại đoạn tuyến hoàn trả Đường tỉnh 978 (đoạn Hậu Giang - Cà Mau) đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012, Bộ GTVT bày tỏ lạc quan khi gởi văn bản tới các địa phương trong vùng.
Tuy nhiên, ngay tại nơi thực hiện thí điểm, một thực tế rất quan trọng đã xảy ra: tại Hậu Giang, nông dân ở ấp 9 bức xúc cho biết, đã có 2 vụ lúa của họ liên tiếp bị thiệt hại vì nhiễm mặn. ĐIỀU NÀY TRƯỚC ĐÂY CHƯA TỪNG XẢY RA Ở VÙNG NÀY.
Vụ lúa đông xuân 2023-2024 có 2,32 ha lúa của 9 hộ dân bị nhiễm mặn. Kết quả đo độ mặn tại ruộng lúa bị thiệt hại là 2,5‰. Vào vụ hè thu 2024, kết quả đo độ mặn tại ruộng lúa bị chết là 6,6‰; tại lòng đường cao tốc là 1,8‰; tại kênh thủy lợi 0,4‰. Mà tiêu chuẩn cơ sở được Bộ NN-PTNT ban hành trước đây: Ngưỡng chịu mặn của cây lúa là 1,28 ‰.
GS Nguyễn Ngọc Trân đã cảnh báo việc sử dụng đại trà cát biển thay thế cát sông làm đường cao tốc ở ĐBSCL có thể gây ra những tác động lớn đến môi trường. Trước cảnh báo này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ TN-MT, Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan xem xét và làm rõ nguyên nhân gây thiệt hại và giải pháp xử lý, trả lời đầy đủ cho giáo sư trước ngày 20.6.
Chính quyền và người dân xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đều khẳng định từ lâu nay, nơi đây là vùng lõi ngọt của địa phương, trước khi làm cao tốc chưa từng bị nhiễm mặn.
GS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng trong văn bản trả lời của Bộ NN-PTNT chưa nói rõ, vì sao ruộng lúa của nông dân lại có nồng độ mặn vượt quá ngưỡng như vậy.
Trong khi đó, Bộ GTVT cho rằng công tác thi công, kiểm định đánh giá chất lượng thi công, quan trắc môi trường đủ cơ sở để lấy cát biển đắp nền đường ô tô VỚI MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN CỤ THỂ: (1) Chỉ sử dụng cát biển đáp ứng các tiêu chuẩn vật liệu theo TCVN 9436:2012; (2) Sử dụng đắp nền mà nền phải có độ chặt K≤ 95 tại các khu vực có điều kiện môi trường nhiễm mặn tương tự khu vực thử nghiệm của dự án thí điểm. Các cơ quan chức năng đã triển khai thi công một đoạn thí điểm trong tháng 7, thông xe trong tháng 8. Kết quả thí nghiệm các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu cát biển thí điểm đắp nền đường cho thấy cát biển khai thác từ mỏ cát tại Trà Vinh có các chỉ tiêu cơ lý đáp ứng các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền theo quy định của Tiêu chuẩn TCVN -9436:2012 …
Quá trình quan trắc nền đường hàng tháng đã chỉ ra độ lún đến giữa tháng 12 không có dấu hiệu bất thường và chuyển vị ngang là không đáng kể. Điều này sơ bộ khẳng định được độ ổn định của nền đường đến nay là bình thường. Bộ Giao thông vận tải đã phủ nhận nguyên nhân nhiễm mặn do cát biển là chưa có bằng chứng biểu hiện rõ ràng về việc sử dụng cát biển làm tăng độ mặn cũng như sự lan truyền của độ mặn vào môi trường xung quanh. Thực tế, khu vực này người dân canh tác theo mô hình lúa - tôm xen canh, thông thường 2 vụ tôm, 1 vụ lúa một cách bình thường.
Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản báo cáo Thủ tướng kết quả dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL" để triển khai công tác khai thác.
GSTS Nguyễn Ngọc Trân, người từng lên tiếng can ngăn công trình tạo luồng kênh Quan Chánh bố tới việc nghiên cứu vội vàng cát biển – sử dụng làm vật liệu chủ yếu san lấp nền đường, có vẻ như đang đối diện với những văn bản trả lời theo cách: khẳng định ngược với điều ông và bà con nông dân ở đây lo ngại và bức xúc.
Vậy, cát biển có mặn hơn nước biển, vẫn chưa có câu trả lời và ngày mai, nếu mỏ cát biển vẫn được khai thác thì… dân lại phải chuyển…ruộng của mình đi đâu?