Khi Cương đi rồi, tôi mới được biết nhiều hơn và tương đối đủ về Cương. Dù trong nhà tôi, bức tranh Cương vẽ cùng chiếc ghế sắt màu đỏ Cương sáng tác gửi tặng, vẫn đang được đặt ở vị trí trang trọng nhất.

Và trong nhớ tiếc, có chút hối lỗi (tôi sẽ viết trong bài kế) thì bây giờ, mỗi ngày qua, tôi biết hơn về gia tài Cương để lại là... đồ sộ, minh triết, dị thường.

Một Cương chẳng giống ai. Không ai giống nổi. Về tài và tình.

Một hoạ sĩ tài hoa đã tối giản cái sống và cái vẽ của mình để thành một tối giản Lê Thiết Cương riêng anh.

Tôi lẩn thẩn đi tìm, để gắn bên cạnh nhau những tính từ mà những người yêu quí Cương nói về Cương.

Biết mình vốn ở xa Cương (về cả không gian địa lý lẫn điều kiện giao tiếp) tôi tìm đọc bài các bạn thân của Cương viết về người bạn vừa buông tay mình và gom lại đây.

Một hoạ sĩ tài hoa đã tối giản cái sống và cái vẽ của mình để thành một tối giản Lê Thiết Cương riêng anh.

Một người văn hoá trong đời sống và trong văn chương nghệ thuật. Văn hoá tinh tế, lịch lãm, nghiêm cẩn, kiêu hãnh và cả kênh kiệu.

Cương kiêu hùng, chỉn chu, chuẩn mực. Đã yêu quý ai thì đến tận cùng, kể cả khi người ta đã về cõi vĩnh hằng.

Mà những yêu thương, trân trọng cứ giấu sâu vào trong, những gì chưa vừa lòng thì bộc lộ hết ra ngoài. Cương cứ yêu, cứ ghét như bản tính đã thế.

Còn tôi, tôi nghĩ về bạn ấy, một người tài trọng tình.

Cương là học trò của nhà thơ Đặng Đình Hưng, bố của Đăng Thái Sơn. Tính đến khi nhà thơ Đặng Đình Hưng mất, anh làm học trò của ông được khoảng sáu năm. Thời gian đó, họa sĩ được học về nghệ thuật nói chung, trong đó có hội họa. Trong bài "Thầy tôi", Lê Thiết Cương nhớ một lần chuẩn bị màu, bút cho ông, thấy ông rất nhanh đã vẽ lên mặt toan hai chữ, đọc thành ba âm tiết: ''Đêm Virgule'' (Đêm dấu phẩy).

"Đó là bài thơ, hay bức tranh vẽ về một bài thơ? Tôi không biết nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng gì vì nó chính là bài học đầu tiên ông dạy tôi để khai mở cho tôi quan niệm tối thiểu trong nghệ thuật mà tôi vẫn đang đi cho đến tận hôm nay'', Lê Thiết Cương viết.
Họa sĩ, nhà thơ Đặng Đình Hưng và học trò Lê Thiết Cương.

…Tấm lòng Cương tri ân những tác giả mà Cương yêu quý, mến mộ như Đào Trọng Khánh, Nguyễn Huy Thiệp, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, và gần đây là Nguyễn Thuỵ Kha… Sâu thẳm trong đời Lê Thiết Cương là sự trân trọng những tài năng, nhân cách. Và điều này nữa, tôi thấy ít ai lại vì bạn, chiều bạn như Lê Thiết Cương. Cương sống nội tâm, kiệm lời nên luôn trong tâm trạng cô đơn.

Tranh Lê Thiết Cương. Tên tranh: Tình nhân.
Tranh Lê Thiết Cương cảm tác từ thơ Đặng Đình Hưng. Tên bức tranh: Phóng sinh
Tranh Lê Thiết Cương : Chăn trâu.
Một tác phẩm lấy cảm hứng từ thơ Đặng Đình Hưng của Lê Thiết Cương
Một tác phẩm lấy cảm hứng từ thơ Đặng Đình Hưng của Lê Thiết Cương

Mấy năm qua, dồn dập qua nhiều hoạn nạn cùng lúc, anh cố cháy hết mình trong hành trang cuối của cuộc đời. Cương tập trung vào việc tuyển chọn, sửa chữa những bài viết của mình trong hơn 20 năm qua, chia thành 4 chủ đề: Cuốn 1 - là kiến trúc, nội thất qua điểm nhìn văn hóa lấy tên là “Nhà và người”; Cuốn 2 - là “Trò chuyện với hội họa”; Cuốn 3 - “Trong hạt thóc có hạt gạo” gồm những bài viết về văn hóa nghệ thuật Việt Nam; Cuốn cuối cùng là nhiếp ảnh. Bốn cuốn sẽ lần lượt ra mắt trong thời gian tới. Vậy mà em mới kịp ra được hai cuốn, cuốn thứ 3 “trong hạt thóc có hạt gạo” sắp hoàn thành, thì Cương đã vội đi xa, về miền cực lạc.

…Trong bài “Biên giới nước mắm” in trên Tia sáng gần đây, tôi mới hiểu tại sao mỗi lần họa sĩ mời cơm tôi lại bưng cái mâm son, những chiếc chén đựng nước mắm cốt, và nếu bánh cuốn thì ắt phải có vị cà cuống thứ thiệt. Ban đầu tôi nghĩ bạn mình cầu kỳ quá, nhưng không phải, bạn ấy đang nhắc tôi về hương vị gia đình, quê hương mà rất có thể tôi đã đang đánh mất dần. Tôi không thể không giới thiệu với bạn bài viết này.


Biên giới nước mắm

(Lê Thiết Cương . Tạp chí Tia Sáng, ngày 11/2/2024)

Không có nước mắm thì không có ẩm thực Việt, nước mắm là nhãn hiệu của bếp Việt.

Muốn có nước mắm thì phải có hải sản, có nhiều nắng gió và muối. Nước Việt ở vào cái thế đất nhiều sông, nhiều biển và ở vùng khí hậu nhiều nắng gió. Phong thủy, thổ nhưỡng ấy thì ẩm thực ấy thôi. Nước mắm là đặc sản của Việt Nam. Chả có dân tộc nào có nước mắm như người Việt. Đấy là thiên địa, còn nhân nữa. Người nào ẩm thực ấy. Tạng tính người Việt thế nào ấy thì mới nghĩ ra, làm ra nước mắm chứ? Vì khối nước có phong thủy như nước Việt nhưng lại chỉ ma-gi, xì-dầu.

Từ nước mắm sẽ chế biến những món ăn liên quan: giò lụa chấm nước mắm, riềm thăn, thịt gà rim nước mắm, giò xào (giò thủ), ruốc rồi các loại sơ chế, tẩm ướp với nước mắm. Rồi là ninh, luộc, nấu, hấp, rang, kho… Và đương nhiên là các loại nước chấm / nước mắm: nước mắm giấm ớt tỏi / nem rán, bún chả, bánh tôm, cá rán; nước mắm gừng, lá chanh / ốc luộc; nước mắm chanh, ớt, cà cuống / bánh cuốn… những kẻ nghiện nước mắm thì ăn gì cũng nước mắm và nhất quyết chỉ nước mắm mặn (không pha phách gì).

Những ví dụ trên chỉ để chứng minh, giả sử nếu không có nước mắm thì không thể có những món ăn ấy. Không ai chấm giò lụa, nem rán với xì dầu, hương vị thơm ngon của bát cháo cá chính là do vài ba giọt nước mắm nhỏ vào trước khi ăn. Chưa kể những món mà người ăn không biết là có nước mắm vì đầu bếp chỉ ướp nước mắm trước khi kho, rang, xào. Địa đầu Tổ quốc như Móng Cái, Cát Hải đã có làng nghề truyền thống làm nước mắm, thế mà vài bước chân qua biên giới đã là xì dầu. Các làng nghề nước mắm ấy trải dài từ cực Bắc đến cực Nam dọc theo biển đến tận Phú Quốc.

Bên trong một nhà thùng Phú Quốc. Ảnh tư.liệu báo NLĐ
Ở cảng cá Phú Quốc. Ảnh Lê Thiết Cương.

Không có nước mắm thì không có ẩm thực Việt, nước mắm là logo bếp Việt.

Nước mắm là người, nước mắm chính là người Việt, là nhân tính Việt, là văn hóa ẩm thực Việt, là văn hóa Việt, phong hóa Việt, là khác biệt hoàn toàn với các dân tộc khác, dù họ ở liền kề với mình, cũng có đầy đủ sông, biển, nắng, muối như mình.

Dù hoang tưởng đến mấy cũng không thể tưởng tượng ra trên mâm cơm của người Việt không có nước mắm, bếp Việt không có mùi nước mắm. Bữa cơm hằng ngày của mẹ tôi khi sinh tôi đã có nước mắm, sữa mẹ mà tôi bú đã có nước mắm. Ngay cả cái thai trong bụng mẹ đã sống nhờ nước mắm. Nước mắm là gien Việt, ở trong từng mạch máu của người Việt.

Sử cũ còn ghi, cống vật cho Tàu ngoài vàng bạc, ngà voi, trầm hương thì sứ Tàu bao giờ cũng vòi thêm mấy chum nước mắm. Không có thì mới phải xin. Phong hóa Tàu là phong hóa xì dầu. “Phong tục Bắc Nam cũng khác” là ở đó. Phong tục là biên giới, nước mắm là biên giới vậy.

Trong Bình Ngô Đại Cáo, ngay khổ mở đầu, cụ Nguyễn Trãi đã khẳng định chủ quyền, biên giới của nước Việt, “Sơn hà cương vực đã chia”. Sông nước là biên giới nghĩa đen. Chỉ được nói một lần trong khi biên giới khác, biên giới văn hiến, phong tục được nhắc hai lần. Nhắc đi nhắc lại là để nhấn mạnh, để khẳng định tầm quan trọng của biên giới văn hiến. Giặc Minh xâm lược Việt, hủy diệt văn hóa Việt bằng chính sách thâm độc, đốt đình chùa, thư tịch… của người Việt. Vì Minh hiểu muốn thắng được Việt thì phải bằng văn hóa. Nguyễn Trãi thấm được âm mưu tàn bạo của Minh cho nên ông mở đầu bằng câu chuyện văn hiến, phong tục.

Như nước Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Sơn hà cương vực đã chia
Phong tục bắc nam cũng khác
(Trích Bình Ngô Đại Cáo – Bản dịch Trần Trọng Kim)

Một tấc đất đai núi non sông biển cũng là máu và nước mắt của tổ tiên. Cương vực mà tổ tiên đã xây dựng nhưng còn văn hóa, văn hóa cũng chính là biên giới, là sự khác biệt Bắc – Nam. Điều này đến nay vẫn đang đúng và càng đúng. 1000 năm Bắc thuộc, ba lần Nguyên Mông xâm lược, 20 năm bị Minh đô hộ mà văn hóa vẫn còn, biên giới văn hóa ấy vẫn còn. Muốn giữ được sơn hà cương vực thì phải giữ được văn hiến, phong tục.

KẺ HÀNH KHẤT CÁI ĐẸP